Ngày luật sư Việt Nam 10/10: Những bí mật khó nói của nghề luật sư!

(Dân trí) - Ít người biết rằng, mãi đến năm 2008, các luật sư tại Việt Nam mới có thể ngồi lại với nhau để thành lập Liên đoàn luật sư, một tổ chức đại diện cho giới luật sư cả nước. Nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, PV Dân trí có cuộc trò chuyện cởi mở cùng luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về những góc khuất trong nghề.

“Cơ quan Nhà Nước, người dân còn tình trạng chưa thấu hiểu luật sư”

PV: Gần tới ngày kỷ niệm của giới luật sư Việt Nam (10/10), song, liên tiếp có những thông tin không vui, ví dụ việc luật sư Trần Thu Nam (đoàn luật sư Hà Nội) tố cáo chuyện anh bị hành hung ngay tại tòa án Trực Ninh (Nam Định). Là người hành nghề luật nhiều năm và trải qua nhiều phiên tòa ở khắp các tỉnh thành, ông có ý kiến như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo tôi, đó là sự chưa hiểu nhau giữa các bên. Các cơ quan Nhà Nước chưa hiểu luật sư. Và người dân cũng không đánh giá chính xác vai trò của luật sư. Trong giới luật sư, không ít thì nhiều, đều đã gặp phải những sự cản trở khi tham gia tố tụng. Nhẹ thì bị xua đuổi – như trường hợp của luật sư Nguyễn Hồng Bách bị bảo vệ của ĐH Công Nghiệp Hà Nội “mời” ra khỏi trường vào năm 2010. Nặng thì bị tấn công trực diện như trường hợp của luật sư Nam vừa nói ở trên. Còn chuyện chây ỳ, kéo dài trong công tác cấp giấy chứng nhận bào chữa, hay gây cản trở khó khăn là việc thường xuyên xảy ra. Thậm chí, tôi từng nghe nói, trước khi luật sư đến tham gia tố tụng ở một địa phương, những cán bộ của Tòa án đã gặp người dân “nói xấu” luật sư, khiến người dân quay lưng với luật sư.


Luật sư Trương Anh Tú: “Cơ quan Nhà Nước, người dân còn tình trạng chưa thấu hiểu luật sư”!

Luật sư Trương Anh Tú: “Cơ quan Nhà Nước, người dân còn tình trạng chưa thấu hiểu luật sư”!

PV: Nói như thế, song, không thể phủ nhận một bộ phận luật sư ở nơi nào đó, lúc này hay lúc khác, không giữ đúng tác phong, gây ra những phản ứng xấu. Ông đánh giá thế nào về bản thân giới luật sư ở Việt Nam?

Luật sư Trương Anh Tú: Nghề luật sư hiện đã và đang phát triển không ngừng và để có được kết quả này thực sự không dễ dàng, khi nhận thức của xã hội về nghề luật sư chưa tương xứng với tốc độ phát triển. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng của bản thân giới luật sư trong quá trình hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng vị trí trên cơ sở uy tín, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, phải khách quan mà nói rằng: Chất lượng luật sư Việt Nam hiện nay chưa được hoàn chỉnh, cần phải nỗ lực rất nhiều thì mới đáp ứng được nhu cầu xã hội. Do các thế hệ luật sư xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau như lớp luật sư tiêu biểu xuất sắc (ví như luật sư nổi danh Phan Văn Trường…) đào tạo tại Pháp; một làn sóng luật sư khác là các cử nhân học ở trường ĐH Luật Đông Dương: Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ… đã quá vãng, thế hệ tiếp nữa là những người (Nam Việt Nam) học luật ở các nước Anh, Mỹ nhưng nay hầu hết không còn hoạt động và sau này là làn sóng những người được đào tạo ở khối các nước Đông Âu. Những thế hệ khác biệt này đã tạo ra những luồng tư tưởng, trường phái luật pháp không thống nhất, manh mún. Các quan điểm, hệ thống pháp luật vì thế thiếu tính xuyên suốt.

Tức là, nghề luật sư vì thế quá thiệt thòi bởi trải qua quá trình “ngủ đông” dài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt về số lượng và yếu về chất lượng. Chính vì vậy, giới luật sư cần phải hoàn thiện và hoàn thiện hơn nữa về kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy điểm sáng của luật sư Việt Nam: Đó là luật sư Việt Nam đang lĩnh hội rất nhanh các quan điểm tư tưởng tiên tiến, có sự miệt mài, say mê trong nghề nghiệp. Hiện đã và đang có một thế hệ trẻ được đào tạo luật một cách bài bản ở những nước có hệ thống giáo dục ngành luật hàng đầu trên thế giới.

Những bí mật khó nói của nghề luật sư

PV: Đối với nhận thức của đa phần người dân, công việc của luật sư khá phức tạp, không dễ nói cho rõ ràng. Anh có thể giải thích thêm?

Luật sư Trương Anh Tú: Ở một người bình thường chỉ cần “vài cái gạch đầu dòng” là có thể làm tốt công việc của mình. Nhưng nghề luật sư thì không chỉ đòi hỏi niềm đam mê, thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, tư duy nhậy bén mà có lẽ phải có đến cả “chục cái gạch đầu dòng”. Nói như vậy không phải là người luật sư toàn tài nhưng cũng phải đạt đến ngưỡng của sự hoàn hảo. Bởi cái đích cuối cùng của mỗi luật sư chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, công lý, lẽ phải phải được thực thi theo quy định của pháp luật. Tôi nói cụ thể thế này, hầu hết mọi người cho rằng làm nghề luật sư chỉ để tham gia tranh tụng tại các phiên tòa cho các thân chủ của mình. Song, đó chỉ là 10%, trong những công việc mình làm, còn 90% khối lượng cộng việc của một vụ án là ở ngoài tòa. Làm sao để tạo ra dư luận cho các vụ việc phức tạp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay tìm kiếm chứng cứ, truy xét manh mối như những điều tra viên thực thụ...

PV: Nhân ý anh vừa chia sẻ, tôi muốn nói đến một thực tế khá đáng buồn: Có một bộ phận luật sư đang tham gia vào quá trình tố tụng theo cách “đi đêm”, có nghĩa là họ thỏa hiệp với Tòa án hay Viện kiểm sát để giành lấy quyết định có lợi. Hiện tượng ấy liệu có trở thành xu thế chung của giới luật sư?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc này cũng có thể có, và xã hội đã lưu tâm đến chuyện đó. Nhưng, với những luật sư “thỏa hiệp”, tôi cho rằng họ không học hành bài bản, quá lợi dụng các mối quan hệ trong hoạt động tố tụng. Trong một chiến lược dài hạn, tất cả những người này sẽ bị đào thải khỏi môi trường pháp lý. Bởi vì, đối với người luật sư, “cái ô” lớn nhất, khổng lồ và vĩnh cửu chính là trí tuệ của người luật sư, còn lại tất cả những thứ khác chỉ là hương hoa.

Nhưng, ở một góc nhìn khác, tôi cho rằng sự “thỏa hiệp” của luật sư cũng phản ánh sự bất lực và tuyệt vọng trong quá trình đi tìm công lý. Vì, trong hệ thống xét xử, luật sư cứ nói, nhưng nghe hay không lại là quyền của Tòa án. Có nhiều vụ án, luật sư đưa ra lý lẽ rất thuyết phục, nhân dân ủng hộ, nhưng, Tòa lại tuyên ngược hoàn toàn. Cái đó cũng gây ra tâm lý chán nản, bi quan.

PV: Vậy, nhìn tổng thể, anh đánh giá như thế nào về tương lai của nghề luật sư tại Việt Nam?

Luật sư Trương Anh Tú: Hiện giờ, nghề luật sư ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Nhưng, còn một nỗi lo lắng lớn về vai trò của luật sư tại phiên tòa. Trong hiện tại và trong tương lai gần, nếu chúng ta vẫn cứ “ổn định” với mô hình xét xử thẩm vấn như hiện nay, vai trò của luật sư trong phiên tòa vẫn còn là dấu hỏi. Tôi hi vọng rằng, các nhà chức trách sẽ sớm nhận ra và hành động thiết thực, cấp bách với ý nghĩ rằng sự phát triển của nghề luật sư cũng sẽ góp phần không nhỏ để nâng tầm xã hội thượng tôn pháp luật ở Việt Nam.

Xin cảm ơn anh luật sư!

Anh Thế (thực hiện)