Ngày Luật sư Việt Nam 10/10: Hành trình “đốt đuốc” đi tìm công lý vụ 194 phố Huế

(Dân trí) - “Những năm qua trong hành trình bảo vệ công lý, để đạt được những thành quả nhất định chúng tôi đã gặp không ít những khó khăn, gian truân. Có thể nói, trong những vụ án chúng tôi đã và đang bảo vệ cho thân chủ của mình thì có lẽ vụ án 194 Phố Huế là một kỳ án với những dấu ấn không bao giờ có thể quên” luật sư Trương Quốc Hoè và luật sư Phan Thị Lam Hồng chia sẻ.

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, báo Dân trí xin đăng tải chia sẻ của 2 luật sư Trương Quốc Hoè và luật sư Phan Thị Lam Hồng (Văn phòng luật sư Interla) trong hành trình cùng báo Dân trí bảo vệ công lý kỳ án 194 phố Huế:

“Nhớ lại những ngày đầu từ năm 2011 khi gia đình 194 Phố Huế mới nhận được thông báo về việc kê biên tài sản là nhà đất tại địa chỉ 194 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH Bắc Sơn (trước đó là do ông Hoàng Đình Mậu là giám đốc, sau khi ông Mậu qua đời, con trai ông Mậu là anh Hoàng Ngọc Minh là người kế nghiệp). Khi nhận được thông báo trên, anh Minh có đến Văn phòng chúng tôi xin tư vấn pháp lý và mời chúng tôi tham gia bảo vệ cho gia đình 194 trong các vấn đề liên quan đến việc Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng kê biên tài sản nói trên. Những diễn biến phức tạp đầy uẩn khúc của vụ án này về sau đã đưa chúng tôi đến vai trò luật sư bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp cho cả gia đình 194 Phố Huế trong không chỉ mình vụ việc Thi hành án nói trên, mà còn cả trong vụ án kinh doanh thương mại lẫn vụ án hình sự nổi tiếng về sau.

 


Luật sư Trương Quốc Hoè

Luật sư Trương Quốc Hoè

Theo hồ sơ vụ án, ngày 05/8/2002 và ngày 08/8/2002, Công ty TNHH Bắc Sơn có ký Hợp đồng tín dụng số 01/NHCG với Ngân hàng công thương chi nhánh Cầu Giấy vay 10 tỷ đồng (Mười tỷ đồng chẵn) và Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản, theo đó:

1.     Thế chấp nhà - đất 194 Phố Huế để đảm bảo cho số tiền vay là 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng chẵn) và toàn bộ lãi phát sinh;

2.     Thế chấp toàn bộ dây chuyền lắp ráp động cơ và toàn bộ giá trị hình thành của dự án “Xây dựng nhà xưởng và các thiết bị” để đảm bảo cho số tiền là vay 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng chẵn) và toàn bộ lãi phát sinh (là nhà xưởng xây dựng trên thửa đất tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Tại Công văn số 1627/CV-GTBA ngày 06/8/2012 gửi Cục THA dân sự TP Hà Nội về việc giải thích bản án số 82/2012/KDTM-PT ngày 06/5/2012, TAND tối cao đã khẳng định: “đối chiếu với các thỏa thuận của hai hợp đồng, thì tài sản bảo lãnh thế chấp và cầm cố trên mỗi tài sản được đảm bảo cho số tiền vay là 5.000.000.000 đồng tiền gốc và lãi phát sinh ở từng hợp đồng bảo lãnh, thế chấp và cầm cố”

Thế nhưng trước đó, ngày 07/7/2011, nguyên chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung đã bất chấp các quy định của pháp luật, cố ý làm trái để tiến hành cưỡng chế nhà đất 194 Phố Huế trị giá hàng chục tỷ đồng để thi hành án đối với khoản vay 5 tỷ đồng nói trên, trong khi trước đó công ty Bắc Sơn luôn có nguyện vọng được dùng tài sản tại Đông Anh trị giá hơn bốn mươi tỷ đồng để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán của các khoản nợ của công ty nhưng không được Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng chấp nhận. Đây là vấn đề rất khó hiểu khiến dư luận thời điểm này rất quan tâm và bức xúc.

Nhận thấy đây là một vụ thi hành án có nhiều dấu hiệu thiếu khách quan, khi Chi cục THA quận Hai Bà Trưng cố tình kê biên, cưỡng chế căn nhà 194 phố Huế để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty TNHH Bắc Sơn, chúng tôi đã có buổi làm việc tại cơ quan thi hành án và có những phân tích, trao đổi với ông Trịnh Ngọc Chung (Nguyên chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng) về những thiếu sót, sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án, tuy nhiên ông Chung không đồng ý với những ý kiến của luật sư và vẫn khẳng định mình đang làm đúng quy định của pháp luật.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng

Luật sư Phan Thị Lam Hồng

Khó khăn lại thêm khó khăn khi theo tố tụng thì trong quá trình thi hành án, luật sư không được cơ quan THA cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi ích cho đương sự, vì vậy luật sư không thể giam gia với vai trò là luật sư bảo vệ mà chỉ có thể tham gia với tư cách người đại diện theo ủy quyền của thân chủ mình. Việc không được công nhận là luật sư bảo vệ đã làm cho quá trình thu thập tài liệu chứng cứ bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý trở nên gian nan hơn, quá trình đấu tranh bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp cho thân chủ cũng khó khăn hơn bội lần. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng không ngăn cản được quyết tâm bảo vệ công lý, bảo vệ thân chủ của mình, mà càng thôi thúc chúng tôi vào cuộc bằng tất cả nhiệt huyết, trí tuệ và dũng khí.

Trong quá trình làm việc tại giai đoạn thi hành án, chúng tôi đã gửi rất nhiều văn bản ý kiến về những sai phạm trong quá trình kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế giao tài sản là căn nhà 194 Phố Huế cho người mua trúng đấu giá thành, với niềm tin ông Chung sẽ nhận ra những sai phạm này của ông ta và xem xét lại quá trình giải quyết việc thi hành án. Nhưng không hề thay đổi, ông Chung luôn tự cho mình là người am hiểu pháp luật, cho rằng việc thi hành án căn nhà 194 Phố Huế là đúng quy định của pháp luật, cố tình giả mạo văn bản, chữ ký của những người có thẩm quyền để hoàn tất hồ sơ kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế giao tài sản đến cùng.

Sau qúa trình làm việc và kiến nghị với Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng và với ông Chung không có kết quả, chúng tôi đã tiếp tục kiến nghị đến ông Nguyễn Văn Hiếu (Nguyên Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, lúc đó là thành viên Hội đồng cưỡng chế), phản ánh về những sai phạm trong quá trình thi hành án và đề nghị tạm dừng việc thi hành án không có căn cứ pháp lý này lại. Tuy nhiên, ông Hiếu trả lời rằng Quyết định của Hiếu chỉ là quyết định theo thủ tục hành chính và việc làm của ông Chung trong quá trình thi hành án căn nhà 194 Phố Huế là đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục quá trình đấu tranh bảo vệ công lý, chúng tôi đã làm việc với Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, mà trực tiếp là kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ thi hành án. Theo kiểm sát viên này thì trong cuộc họp Hội đồng cưỡng chế THA (tại trụ sở UBND phường Phố Huế) trước khi triển khai công tác cưỡng chế, đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng qua kiểm sát đã có ý kiến yêu cầu Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng làm rõ một số nội dung liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế THA.


Kỳ án 194 phố Huế là vụ án lịch sử trong nền tư pháp khi một Chi cục trưởng chi cục thi hành án bị kết án Ra quyết định trái pháp luật.

Kỳ án 194 phố Huế là vụ án lịch sử trong nền tư pháp khi một Chi cục trưởng chi cục thi hành án bị kết án "Ra quyết định trái pháp luật".

Tuy nhiên Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng đã không tiến hành làm rõ theo yêu cầu trên nên đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng đã thông báo sẽ không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 Phố Huế và không đến địa điểm cưỡng chế THA, đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Thế nhưng, Trịnh Ngọc Chung bất chấp những ý kiến của đại diện Viện kiểm sát mà vẫn cho tiến hành việc thi hành án, đặc biệt trong tất cả các biên bản do Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng lập như: Biên bản phá khóa, Biên bản cưỡng chế giao nhà, Biên bản liệt kê tài sản... đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng. Đây rõ ràng là một hành vi làm giả hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, bất chấp tất cả để thi hành án đến cùng Quyết định143/QĐST-KDTM của TAND TP Hà Nội, một Quyết định đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao Kháng nghị giám đốc thẩm và yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án; đã bị TAND Tối cao có quyết định số 18/2010/KDTM-GĐT ngày 21/12/2010 tuyên hủy Quyết định số 143 nói trên, mặc dù theo đúng quy định pháp luật thì Trịnh Ngọc Chung phải ra quyết định đình chỉ việc thi hành Quyết định 143 nêu trên, chờ kết quả xét xử lại của TAND TP Hà Nội. Như vậy việc cưỡng chế này không phải là thi hành án vì tại thời điểm đó không có bản án, hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nào về nhà 194 phố Huế. Đó chỉ là quyết định nhằm thực hiện ý chí chủ quan của của cá nhân Trịnh Ngọc Chung.

Thời điểm diễn ra buổi kê biên, cưỡng chế nhà 194 Phố Huế cũng là thời điểm Toà án nhân dân TP Hà Nội đang xét xử lại vụ án đã bị Toà án nhân dân tối cao xử huỷ. Khi luật sư đến làm việc cùng gia đình 194 Phố Huế tại buổi cưỡng chế thì ông Chung đã thông báo yêu cầu công an không cho luật sư tham gia, làm việc. Gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo vệ cho gia đình 194 phố Huế, nhưng với sự yêu nghề, mong muốn bảo vệ lẽ phải cho nhân dân, những người “thấp cổ bé họng” trong xã hội tìm lại công bằng, chúng tôi lại ngày đêm nghiên cứu, thu thập chứng cứ, tài liệu nhằm đòi lại công bằng cho gia đình 194.

Với nỗ lực đấu tranh không ngừng của gia đình 194 cũng như luật sư và hàng chục kỳ báo điều tra không khoan nhượng của báo Dân trí, Cục điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý giải quyết vụ án Cố ý làm trái, bắt đầu tiến hành điều tra, xác minh những sai phạm của Trịnh Ngọc Chung trong quá trình thi hành án nói trên.

Quá trình đấu tranh không ngừng, Cục điều tra VKSNDTC đã ra quyết định khởi tố vụ án, đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với gia đình 194 và cũng bước đầu những cố gắng, nỗ lực của luật sư được ghi nhận.

Nhưng cùng với đó chúng tôi cũng đã phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, bởi đã có đơn thư tố giác nặc danh, gửi tới Hội đồng thi đua khen thưởng - Đoàn luật sư TP Hà Nội tố cáo luật sư có hành vi liên quan đến lợi ích cá nhân. Mặc dù là thư nặc danh nhưng vẫn được Đoàn luật sư TP Hà Nội thông báo thụ lý đơn (đây là việc thụ lý trái pháp luật). Để bảo vệ cho chính mình, luật sư đã thực hiện những quyền pháp luật cho phép, tự thu thập chứng cứ chứng minh cho mình. Quá trình điều tra, luật sư đã xác minh địa chỉ của luật sư không đúng như trong đơn tố cáo, cũng như địa chỉ của người viết đơn là không có thật, thư nặc danh không có chữ ký, không có địa chỉ liên hệ, nội dung đơn thư nặc danh phản ánh là sai sự thực... Do đó, chúng tôi đã kiến nghị tới Hội đồng khen thưởng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, đề nghị xem xét có hành vi bôi nhọ làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của luật sư hay không. Sau khi chúng tôi gửi đơn kiến nghị, người tố cáo nặc danh đã không xuất hiện trực diện cũng như không có động thái gì tiếp theo càng chứng minh cho sự khách quan, vô tư của luật sư trong quá trình bảo vệ.


Bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị tuyên pháp 30 tháng tù treo.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị tuyên pháp 30 tháng tù treo.

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã rất nhiều lần yêu cầu chúng tôi cung cấp những chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Thực hiện quyền của mình, luật sư đã ngày đêm thu thập tài liệu liên quan đến quá trình kê biên, quy trình bán đấu giá và đặc biệt là phần kê biên, thu giữ tài sản và quản lý tài sản trong căn nhà 194 Phố Huế tại thời điểm đó (lúc đó gia đình anh Minh đang cho một công ty thuê bán xe máy). Việc thu giữ và quản lý tài sản của gia đình 194 Phố Huế thời điểm đó là trái quy trình do ko lập bảng kê, không định giá tài sản, mà chỉ niêm phong toàn bộ tài sản dẫn đến việc nhầm lẫn, hư hỏng gây thiệt hại rất nặng nề cho gia đình 194 Phố Huế, hoặc số tiền hơn 31 tỷ đồng thu từ việc bán đấu giá nhà 194 Phố Huế đã không được gửi vào tài khoản của Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng mà lại được gửi vào sổ tiết kiệm cá nhân của một cán bộ thuộc cơ quan này...

Trong suốt quá trình thu thập tài liệu liên quan đến vụ án, Báo Điện tử Dân trí và một số trang báo uy tín khác đã phản ánh những sai phạm nghiêm trọng của Trịnh Ngọc Chung cũng như những bức xúc, những thiệt hại to lớn của gia đình 194 phố Huế khi bị cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá thành. Sự phản ánh trung thực, chính xác và khách quan này đã góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng sớm có được kết luận điều tra vụ án về sau. Sau khi có quyết định khởi tố, vụ án, mãi gần một năm trời sau mới có quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Ngọc Chung khiến cho dư luận hết sức bức xúc.

Trinh Ngọc Chung đã gửi rất nhiều đơn tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền. Trịnh Ngọc Chung luôn tự bao biện cho rằng mình là người thi hành pháp luật và không thừa nhận những hành vi vi phạm của mình. Đây cũng là một áp lực lớn đối với luật sư để nhìn nhận sự việc một cách khách quan: bị can Chung có những hành vi phạm pháp luật hay không, bởi trường hợp không vi phạm pháp luật, thì người tố cáo có thể bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “Vu khống”.

Nhận thực rất rõ điều này khi hành nghề, nên trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, liên quan đến vụ án, chúng tôi luôn làm việc hết sức khách quan, trung thực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc khởi tố Trịnh Ngọc Chung là một bước ngoặt được ghi nhận đối với tội danh của Chung do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá. Sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Chung thì Bộ tư pháp cũng như Cơ quan thi hành án các cấp vẫn luôn có những lập luận bao che, dung túng khi cho rằng Chung không có tội và đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật của Trịnh Ngọc Chung đã được Cơ quan điều tra ra kết luận bằng Bản kết luận điều tra và Viện kiểm sát ra kết luận bằng Cáo trạng. Đây là một sự nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ của cơ quan tiến hành tố tụng để Hội đồng xét xử có thể đánh giá, luận tội Chung tại phiên tòa.

Chúng tôi tiếp tục là luật sư tham gia bảo vệ cho người bị hại (gia đình 194 Phố Huế) tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, HĐXX đã loại trừ người bị hại ra khỏi vụ án và xác định gia đình 194 phố Huế là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, quyết định tách phần bồi thường thiệt hại ra thành một vụ án khác. Vấn đề này đã không được luật sư đồng ý và đã liên tục có kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ quan truyền thông. Việc HĐXX không công nhận những thành viên trong gia đình 194 Phố Huế là người bị hại và đồng thời tách phần bồi thường thiệt hại ra một vụ án khác là một quyết định không công bằng. Với tội danh tại Điều 296 BLHS thì hậu quả, thiệt hại xảy ra là một tình tiết định khung của tội danh. Với thiệt hại của gia đình 194 Phố Huế như tại bản Cáo trạng mà VKSND tối cao đã xác định là hơn 6.000.000.000 đồng (Sáu tỷ đồng) và truy tố ông Chung tại khoản 3 Điều 296 BLHS. Tuy nhiên, khi HDXX sơ thẩm quyết định tách phần bồi thường thiệt hại ra thành một vụ án khác và tuyên phạt ông Chung phạm tội tại Điều 296 với khoản 2 là để giảm trách nhiệm hình sự cho ông Chung. Mặt khác, việc loại luật sư và người bị hại ra khỏi vụ án đồng nghĩa với việc làm giảm áp lực với cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này.

Kể từ đó trở đi, vụ án hình sự đối với bị cáo Chung vai trò của luật sư bảo vệ cho bị hại không thể còn. Mặc dù vai trò bảo vệ cho gia đình 194 không còn nhưng theo yêu cầu của gia đình 194 chúng tôi vẫn tiếp tục tư vấn, trợ giúp gia đình 194 làm đơn khiếu nại và đơn kháng cáo gửi tới các cơ quan chức năng, đặc biệt tại giai đoạn xét xử phúc thẩm. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, gia đình 194 phố Huế không hề nhận được giấy triệu tập tham gia phiên tòa, chính vì vậy gia đình 194 Phố Huế đã làm đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan tố tụng và điều này đã được VKSND tối cao đồng ý, kiến nghị với Tòa phúc thẩm triệu tập gia đình 194 phố Huế tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm HDXX vẫn không chấp nhận gia đình 194 phố Huế là người bị hại, điều này đồng nghĩa quyền kháng cáo của gia đình 194 không được xem xét.

Đây lại tiếp tục là một sự cản trở của luật sư bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tố tụng được quyền xem xét đến quan hệ pháp luật dân sự và các thiệt hại xảy ra do hành vi của bị can, bị cáo gây ra. Tuy nhiên, vụ án này HDXX lại quyết định tách phần bồi thường thiệt hại để giải quyết bằng một vụ án độc lập, như vậy một câu hỏi đặt ra đây sẽ là một vụ án dân sự hay một vụ án khác? Bởi lẽ nếu đây là vụ án dân sự thì gia đình 194 phố Huế và Trịnh Ngoc Chung hoàn toàn không có tranh chấp mà những thiệt hại này là do hành vi trái pháp luật của Chung khi giữ chức vụ là một cán bộ của Nhà nước thực hiện gây ra. Vì vậy, việc Tòa án tách riêng phần bồi thường thiệt hại của gia đình 194 phố Huế thành một vụ án khác là không thỏa đáng dẫn đến đây là một thách thức rất lớn đối với gia đình 194 và luật sư bảo vệ. Một vụ án hình sự có thiệt hại lớn đến tài sản của một gia đình cụ thể với những con người cụ thể, nhưng lại không có bị hại, vậy thì ai sẽ là bị hại của kỳ án này đây?

Công lý đã được thực thi một phần trong kỳ án 194 phố Huế khi Trịnh Ngọc Chung đã bị Toà án chính thức tuyên là tội phạm “Ra quyết định trái pháp luật”. Tuy nhiên, bản án 30 tháng tù treo dường như là một “đặc ân” với bị cáo khiến dư luận phẫn nộ.

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, chúng tôi xin gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới Báo Dân trí đã luôn đồng hành cùng luật sư chúng tôi trên hành trình bảo vệ công lý đầy gian nan, không chỉ trong riêng kỳ án 194 phố Huế".

Xin trân trọng cảm ơn 2 luật sư!

Anh Thế (ghi)