Nên ưu tiên dành địa điểm thích hợp để xây dựng trường học

(Dân trí) - Không ít trường phổ thông các cấp nằm sát các quốc lộ, tỉnh lộ, hoặc nằm giữa khu vực đông dân cư, cho nên khuôn viên nhà trường chật hẹp, lại chịu nhiều loại tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào, làm cho học sinh thiếu tập trung và giờ học kém hiệu quả.

Nằm sát quốc lộ 1A, trường THPT số 1 Mộ Đức (Thị trấn Mộ Đức - Quảng Ngãi) thường bị "tra tấn" bởi tiếng xe chạy rầm rập, cùng tiếng còi xe kêu inh ỏi. Còn Trường THPT Trần Quốc Tuấn (thành phố Quảng Ngãi) thì không chỉ bị ảnh hưởng bởi những âm thanh của xe cộ mà còn bị hành hạ bởi tiếng loa, tiếng nhạc, tiếng người nói, gọi oang oang ở các hàng quán, bến xe, khu dân cư ở xung quanh dội vào.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hầu hết các trường học lớn bé của nước ta phải chịu chung số phận như hai trường đơn cử trên vì phần nhiều được xây dựng ở nơi gần đường sá, trung tâm khu dân cư, nơi gần chợ quán, các đơn vị, cơ quan. Chẳng hiểu vì sao người ta lại thích xây dựng trường lớp ở những chỗ như vậy ? Cái lợi thì ít, cái hại thì nhiều. Cái hại thấy rất rõ là tiếng ồn, nhiều âm thanh hỗn tạp từ bên ngoài áp vào làm cho giờ dạy và học của thầy - trò ít nhiều bị ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả.

Mặt khác, trường học gần nơi trung tâm, đường sá có nhiều phương tiện xe cộ lưu thông thì thường xảy ra tai nạn và tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là giờ tan trường. Hậu quả của hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng,gây chết người trước cổng trường là bài học đắt giá cho chúng ta, trong đó có vấn đề chọn địa điểm để xây dựng trường lớp.

Nếu theo qui định của nhà nước, trường chuẩn quốc gia phải đạt 10m2 trên đầu học sinh (trường không đạt chuẩn 8m2 trên một học sinh) thì hiếm có trường nào đủ tiêu chuẩn trên. Các trường học xây dựng lâu đời ở các thành phố, thị xã nếu  muốn mở rộng diện tích, khuôn viên cho đủ chuẩn quả là rất khó khăn. Thế nhưng nhiều ngôi trường mới được xây dựng trong những năm gần đây, lại ở nơi diện tích đất còn tương đối rộng rãi, thỏai mái mà sao vẫn chịu chung tình cảnh diện tích, khuôn viên chật chội đến nỗi không có sân chơi, chỗ để xe cho học sinh và thầy cô giáo. Nhiều trường bức xúc trước không gian, khuôn viên và phòng ốc để đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy và học, khi số lượng học sinh mỗi năm ngày càng tăng, cho nên hai, ba năm lại phải làm đơn từ, cất công đi xin chính quyền địa phương chút đất mở rộng. Đâu phải chính quyền địa phương nào cũng "thấu hiểu" cho trường học, cần có diện tích chuẩn cho môi trường giáo dục. Xem xét thấy nhà trường nào bức xúc quá mới dè xẻn cấp thêm chút diện tích. Thậm chí có trường chờ mỏi mắt mà không thấy có hy vọng gì. Muốn được "ban phát" thêm chút đất, ban giám hiệu phải giỏi “ngoại giao”, tới lui và xin xỏ chính quyền địa phương. Kể cũng lạ, nhiều trường trong thời gian hè rãnh rỗi, thưa vắng học sinh lại không lo sửa chữa hoặc xây dựng mới phòng ốc mà cứ  đầu vào năm học hoặc giữa năm học mới khởi sự việc ấy. Âu cũng chỉ tại việc rót,cấp kinh phí chậm trễ, qua nhiều khâu nhiêu khê. Muốn nhanh, muốn được việc thì phải “chung chi”, có lót tay ít, nhiều.  Cái thói của cán bộ, nơi giữ tiền bây giờ nó vậy!

Vì sự thiếu qui hoạch chi tiết, tổng thể trong xây dựng, thiết kế  trường lớp, phòng học nên nhiều trường học xây nên chẳng ra trường học, trông nhếch nhác chắp vá thế nào. Có tình trạng , trường học xây dựng và sử dụng chưa được mấy năm đã thấy không phù hợp, bất tiện, lại tính chuyện sửa sang, thậm chí phá đi xây lại, tốn kém và gây lãng phí lớn về tiền bạc của nhà nước, nhân dân. Hãy đến các trường tiểu học thuộc dự án ODA dành cho nhiều địa phương của Việt Nam ( trước năm 2000) do người Nhật Bản thiết kế, giám sát mà xem. Rất chắc chắn,thông thoáng, hòan chỉnh và hợp lý, từ chọn hướng ( tránh ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp), bố trí các cửa chính, của sổ đến kích cỡ bàn ghế dành cho từng lứa tuổi học sinh các khối lớp. Mình bao giờ bằng họ trong thiết kế trường lớp, phòng học nhỉ?

Xây dựng, thiết kế trường lớp, môi trường giáo dục cũng đang là một vấn đề mà ngành giáo dục, các cấp chính quyền cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Vì xây dựng, thiết kế trường lớp, phòng ốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, đến sức khỏe của các em học sinh. Xin nêu ra đây một số kiến nghị cụ thể:

- Thứ nhất, chính quyền địa phương cần có nhận thức đầy đủ về môi trường, không gian giáo dục, không chỉ nghĩ trước mắt, chỉ có trường, có phòng học là đủ mà nên có nhãn quan nhìn xa trông rộng, có qui hoạch chiến lược và lâu dài cho trường, lớp. Cần dành cho nhà trường sự ưu đãi cần thiết về không gian, diện tích tương đối rộng rãi, cao, thoáng, đúng chuẩn trường học; địa điểm xây dựng phải cách đường có đông xe cộ đi qua, cách nơi tập trung dân cư, chợ quán để tránh tiếng ồn và tai nạn giao thông.   

- Thứ hai, các cấp quản lý giáo dục, nhà trường cũng cần có "tầm" và có kế hoạch trong việc xây dựng phòng ốc sao cho thoáng, đẹp, sử dụng được lâu dài, cách bài trí các khu, các dãy nhà làm việc, khu vệ sinh, dãy phòng học và khuôn viên, sân bãi sao cho hài hòa, tiện lợi, trồng được nhiều cây xanh, bóng mát, tạo một không gian sư phạm, giáo dục tốt.

                                                                   Thanh Bình

                                                                        Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Từ xưa, ông cha ta đã khẳng định: “Có an cư mới lạc nghiệp”. Riêng đối với “nghiệp” giáo dục càng cần sự “an cư” với những tiêu chuẩn cần thiết để trở thành trường chuẩn quốc gia. Nhưng rất đáng tiếc là tiêu chuẩn đó chưa được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, nhất là tình hình đất đai ngày một lên giá vùn vụt. Giải quyết việc cấp đất cho doanh nghiệp thường thuận lợi hơn việc cấp cho giáo dục vì không nhìn thấy ngay cái lợi trước mắt!

Mong các cấp có thẩm quyền về sử dụng đất đai hiểu cho: đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho “Quốc sách hàng đầu”, vì vậy, nên ưu tiên dành đất đai và địa điểm thích hợp cho việc xây dựng trường sở. Điều đó thể hiện sự chăm lo rất thiết thân đối với con em chúng ta, cũng là chăm lo xây dựng thế hệ tương lai của đất nước.