Nên nhìn hai chiều về Đại học Việt Nam

Đọc bài viết của bạn Thái Hà tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng trước một cái nhìn còn quá nhiều tiêu cực về nền giáo dục đại học của Việt Nam. Đánh giá sự việc gì cũng vậy, cần có cái nhìn hai chiều mới phản ánh đúng sự thật.

Tôi cũng là một sinh viên đang du học tại Úc và may mắn đã có một quãng thời gian học trong một trường đại học ở Việt Nam - Trường Đại Học Hà Nội, một ngôi trường mà tôi luôn tự hào.Và dù thời gian tôi sống và học tập tại Úc cũng chưa lâu, chỉ 6 tháng thôi, nhưng tôi cũng có được những cảm nhận đầu tiên về nền giáo dục và cuộc sống tại đây. Úc là một đất nước nói tiếng Anh và hiển nhiên giáo trình phải được viết bằng tiếng Anh. Đây là một điều tất yếu. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng với những sinh viên đã được đào tạo và học tiếng Anh tại Việt Nam, những sinh viên của đại học Hà Nội hay đại học Ngoại Thương là một ví dụ, thì việc đọc và hiểu những giáo trình này không có gì là khó khăn. Đó là điều đầu tiên.

 

Điều thứ hai tôi muốn nói là tôi không hoàn toàn phủ nhận tất cả những vấn đề bạn nêu ra nhưng có lẽ khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì chúng ta cần nhận định theo hai chiều. Đúng có thể nói giáo trình và những tài liệu của Úc được biên soạn rất bài bản.Thậm chí khi bạn mua một cuốn sách bạn sẽ nhận được mật khẩu để truy nhập vào kho tư liệu online. Tại đây bạn sẽ có đủ tất cả những slides phục vụ cho việc học tập. Nhưng các bạn có biết giá một cuốn sách mới bên Úc được bán với giá là bao nhiêu không? Khoảng AUD $100 hoặc có những cuốn sách tôi mua tới $130 ( tôi đang nói tới những cuốn sách chuyên ngành) và ở thời điểm hiện tại chúng tương đương với khoảng 1.700.000 VND tới hơn 2 000.000 VND. Thử hỏi sẽ có bao nhiêu sinh viên Việt Nam có điều kiện để mua những cuốn sách này.

 

Hay đơn giản tôi nói tới tiền học phí. Một kỳ học 3 hoặc 4 tháng trung bình bạn sẽ phải trả từ 8.000 tới 10.000 đô Úc.Với số tiền học phí lớn như vậy có lẽ việc đầu tư để có những giáo trình hay tài liệu học tốt nhất không có gì là khó hiểu. Có lẽ bất cứ ai đã từng tìm hiểu về Úc đã được biết rằng giáo dục cũng chính là một ngành kinh doanh đem lại những khoản thu khổng lồ cho nước Úc. Và bạn nghĩ những khoản thu đó tới từ đâu? Xin thưa phần nhiều từ những sinh viên quốc tế chúng ta chứ không phải từ những sinh viên bản địa. Hay bạn có thể nghĩ rằng số tiền học phí tôi nêu trên ở một quốc gia phát triển như Úc có lẽ không là gì. Không, ngay cả với công dân Úc, có đủ tiền học phí cho cả 3 năm học cũng là cả một vấn đề lớn.

 

Còn về nội dung của những giáo trình học tập, tôi có thể khẳng định rằng nội dung của chúng ta không thua kém gì nước Úc, có chăng sẽ chỉ là cách tiếp cận và cách hiểu của mỗi sinh viên chúng ta thế nào mà thôi. Hoặc có thể bạn Thái Hà sang Úc quá sớm và chưa nhận ra rằng hiện tại có nhiều trường đại học ở Việt Nam đang học sách của nước ngoài. Đại học Hà Nội là một minh chứng. Như vậy chẳng có lý do gì để nói các dạng bài tập của Úc hay hơn của chúng ta.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không thể phủ nhận tác dụng của khoa học công nghệ, quả thật Úc đã ứng dụng công nghệ trong hệ thống giáo dục, điều này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh sinh viên. Blackboard hay portal là những ví dụ. Nhưng một lần nữa tôi phải nhấn mạnh những khoản tiền cho hệ thống công nghệ thông tin cho những phòng máy đắt tiền tất cả đều từ những khoản học phí “đáng nể” và vô vàn những khoản thu khác từ những hoạt động kinh doanh của các trường đại học Úc với Sinh viên quốc tế. Còn nước chúng ta??? Học phí ở mức hiện tại với nhiều gia đình đã là quá khó khăn. Có nhà thậm chí phải bán thóc bán lợn để nuôi con ăn học.Vậy chi phí sẽ ở đâu ra cho những thiết bị khổng lồ đó. Đúng có thể nhà nước đã đầu tư nhưng con số đó có lẽ còn phải tăng thêm nhiều nữa may ra có thể giúp phát triển hệ thống thông tin.

 

Vấn đề khác nữa bạn nói đó là không một thứ gì học trong chương trình của Úc là không giúp ích trong công việc sau này. Tôi có thể lấy ví dụ ngay một môn học được gọi là Introduction to University Study. Họ sẽ dạy bạn những điều như nếu không muốn tv làm ảnh hưởng đến việc học tập của bạn thì chỉ xem ít thôi... Bạn trả 2.000 đô để được học những điều như thế này đấy. Tôi tự hỏi không biết chúng sẽ giúp ích hay không nữa.

 

Hay một điểm mà có lẽ tôi không thể nào quên đó là có những sinh viên đang du học ở đây không biết giải phương trình bậc một bậc hai một ẩn.Vậy mà cuối kỳ lại vẫn nhận được kết quả là HD ( high distinction tương đương khoảng trên 8 phẩy ở Việt Nam). Các bạn có biết vì sao không.Vì trước kỳ thi một hai tuần những gì có trong kỳ thi sẽ được giáo viên tập trung và gần như đã có lời giải hết rồi. Sinh viên ngồi đọc lại rồi áp dụng là có thể làm được bài.Cái này tôi không biết có sáng tạo và bao trùm được các nội dung như đề ở Việt Nam của chúng ta hay không. Hay đơn giản có những môn ở đây gọi là open-book exam. Nghĩa là bạn được mở sách khi làm bài thi cuối kỳ.Và điều bất ngờ là 8 câu hỏi thì có tới 6 câu y nguyên trong sách và đã có sẵn lời giải.( Cuốn sách đó được viết và in bởi một giảng viên trong trường).Tất cả những gì bạn cần làm là copy lại.Cả một kỳ học phấn đấu học chăm chỉ và điểm cuối kỳ của tôi cũng chỉ bằng những người cả kỳ chơi và cuối tuần học cách copy hiệu quả.Tôi đã nhận được biết bao lời nói phấn khởi từ những cậu bạn khi nói rằng họ không hiểu gì cả mà vẫn làm được trên 80 phần trăm...

 

Sinh viên chúng ta giờ đây đâu có chuyện tới trường chép rồi học vẹt nữa.Họ cũng học rất khoa học, cũng rất thực tế.Cũng có những hoạt động mà tôi cảm thấy rằng còn mạnh mẽ hơn tại các trường ở Úc.Những câu lạc bộ Marketing, câu lạc bộ tiếng Anh, hay câu lạc bộ guitar của chúng ta vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn sinh viên vừa giúp các bạn trau dồi kiến thức chuyên ngành.Vậy xin hỏi bạn bạn có những hoạt động này khi sống tại Úc không.Câu trả lời là không? Giờ đã có những sinh viên của chúng ta ra trường làm việc tại các tập đoàn lớn như Unilever, đó là do tài năng của họ.Họ đã học ở đâu.Xin thưa Việt Nam.Đó có được coi là chạy vạy xin việc là lương hai triệu không đủ ăn không???

 

Đã có ai biết rằng tại những trường của Úc nhiều khi bạn sẽ gặp nhiều sinh viên Trung Quốc nhất chưa.Họ tới đây nhiều khi không phải để học.Tiếng Anh thậm chí họ còn chưa học vững.Họ tới đây để ăn mặc đẹp để có một nền giáo dục của " Úc" khi mà có cả những cuốn sách tiếng Trung Quốc tại Úc.Vì sao lại vô lý tới vậy.Vì họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền.

 

Tôi còn chưa kể đến vô vàn những tệ nạn mà có lẽ tôi không thể nào kể hết tại đây.

 

Các bạn ạ, tôi không phủ nhận những gì còn yếu kém của chúng ta, không phủ nhận những ưu thế của những nền giáo dục phát triển khác trên thế giới nhưng có lẽ sẽ chỉ có những người trong cuộc, những du học sinh khi sang Úc và thấm thía cuộc sống của Úc mới hiểu chính xác những gì tôi đang nói.Úc sẽ là một miền đất hứa cho những ai thực sự có ý thức sang Úc bằng chính thực lực và nỗ lực của mình. Những trường đại học ở Việt Nam tôi muốn gửi lời nhắn nhủ với các bạn sinh viên hiện tại và tương lai rằng, tất cả phụ thuộc vào các bạn, thành công hay thất bại cơ bản là ở mỗi con người. Hãy tự tin ở chính mình, ở thầy cô chúng ta, đất nước chúng ta và tương lai của chúng ta.Tôi cũng hy vọng sẽ được Dân trí trích dẫn bài viết của mình để các bạn sinh viên có một cái nhìn toàn diện hơn. Một đồng xu có hai mặt, bất cứ điều gì cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó. Các bạn hãy nhìn nhận ở cả hai mặt đó.

 

 

                                                        Huy Dang

                                                huydânghnu@gmail.com

 

LTS Dân trí - Quan điểm toàn diện bao giờ cũng là cần thiết và đúng đắn cho việc đánh giá bất kỳ một sự vật nào. Nói riêng việc đánh giá một nền đại học lại càng cần như vậy. Không thể đem vài trường của ta để so sánh với vài trường đại học bất kỳ của nước ngoài rồi rút ra kết luận là tương đương, hơn hoặc kém họ.

 

Những năm gần đây, do tác động của công cuộc đổi mới, một số trường đại học hàng đầu của nước ta đã được trang bị tốt hơn, đội ngũ giảng viên đã được tăng cường một bước, chương trình và giáo trình cũng như phương pháp đào tạo đã có một bước cải tiến theo xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung nền đại học của chúng ta vẫn trong tình trạng lạc hậu, nhất là sự phát triển ồ ạt các trường đại học và cao đẳng những năm gần đây càng làm cho chất lượng giáo dục đại học suy giảm hơn do bất cập về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên.

Dù ở trong hoàn cảnh nào, sự nỗ lực phấn đấu của sinh viên vẫn có ý nghĩa quyết định tương lai của chính mình. Biết sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn thì vẫn thành đạt, ngược lại được học tập trong điều kiện đầy đủ nhưng bản thân người học lại lười nhác thì cũng không nên trò trống gì. Nhiều tấm gương thực tế đã chứng minh điều đó.