Thu hồi đất tại Tây Hồ - Hà Nội:

Nên có sự hỗ trợ thoả đáng cho công sức khai hoang, cải tạo, quản lý đất

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) khiếu nại về việc UBND quận Tây Hồ ra Quyết định 1879/QĐ/UBND ngày 20/9/2007, thu hồi 241m2 đất của chị Lệ mà không hề tính đến phương án đền bù cho công phục hoá đất của gia đình bà.

Theo trình bày của bà Lệ, năm 2001, gia đình chị Lệ có nhận chuyển nhượng của bà Hoàng Thị Ninh một ngôi nhà trên mảnh đất rộng 894m2 tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trong đó 637m2 có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Theo như bà Ninh cho biết, mảnh đất của bà Ninh chuyển nhượng cho chị Lệ là của bố mẹ để lại.
 
Phần đất không có giấy chứng nhận mà UBND quận xác định là lấn chiếm có diện tích 241m2 có nguồn gốc như sau:
 
Năm 1980, hợp tác xã và UBND xã Phú Thượng có hợp đồng cho Sở Công an TP Hà Nội dùng để cho phạm nhân khai thác đất sản xuất gạch xây dựng.
 
Năm 1989, Sở Công an trả lại mặt bằng lúc đó mảnh đất toàn vũng, hố sâu chừng 3-4m, hoang hóa không ai quản lý. Gia đình bà Ninh và các hộ xung quanh đã có công san lấp, cải tạo và sử dụng ổn định.
 
Tại thời điểm đó UBND xã và Hợp tác xã không ngăn cản mà còn động viên các hộ gia đình khai hoang phục hóa. Gia đình bà Ninh có mặt bằng để trồng hoa, cây cảnh và nộp thuế cho xã trên diện tích 894m2 từ đó đến năm 2000. Sau khi nhận chuyển nhượng mảnh đất trên từ nhà bà Ninh, gia đình chị Lệ tiếp tục nộp thuế đất từ năm 2001 cho đến nay.
 
Nên có sự hỗ trợ thoả đáng cho công sức khai hoang, cải tạo, quản lý đất - 1


Mảnh đất bà Lệ cho rằng bà đã có công tôn tạo nên khi nhà nước thu hồi thì cũng phải bồi thường cho bà

Ngày 20/9/2007, UBND quận Tây Hồ có quyết định số 1879/QĐ/UBND thu hồi 241m2 của gia đình chị Lệ mà không hề tính đến phương án đền bù, hỗ trợ công cải tạo cũng như công quản lý, tài sản trên mảnh đất đó.

Ngày 12/10/2010, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi Trường quận Tây Hồ, ông Chính cho biết: “Sau khi Trại tù chuyển đi, diện tích mảnh đất được Sở Công an TP.Hà Nội bàn giao cho UBND xã chỉ còn là các hố sâu do khai thác đất đóng gạch, người dân đã tự ý san lấp, phục hóa đưa vào sản xuất nông nghiệp."
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu các hộ dân có được đền bù, hỗ trợ khi quận thu hồi đất vì họ đã có công phục hóa đất và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước?.
 
Ông Chính cho biết: “Trong trường hợp này nếu mảnh đất đó không có hồ sơ vi phạm thì sẽ được hỗ trợ. Thậm chí, mảnh đất không có tranh chấp, khiếu kiện, không có hồ sơ vi phạm thì người dân còn có quyền yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai 2003. Nhưng vì mảnh đất trên có hồ sơ vi phạm nên chúng tôi không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được…”.
 
Phóng viên Dân trí cũng đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Hùng Võ xung quanh vấn đề này, ông Võ cho rằng: "Việc cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Đối với đất đai hoang hóa do người dân tự khai phá, được chính quyền địa phương xác nhận thì có thể áp dụng theo Nghị định 84/2007 của Chính phủ về Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai. Việc người dân san lấp ao hồ và sử dụng diện tích đất này, nếu điều đó được hợp tác xã đồng ý là được. Nghị định 84 đã nêu khá rõ ràng về những trường hợp như vậy”.
 
Thiết nghĩ, nếu UBND quận Tây Hồ xác định được rõ mảnh đất 241m2 đất của chị Lệ là đất lấn chiếm thì có thể tiến hành thu hồi, nhưng trong quá trình trước gia đình bà Ninh và chị Lệ đã có sự tôn tạo, cải tạo, sử dụng và nộp thuế đầy đủ trên mảnh đất đó thì cũng nên được xem xét và được hỗ trợ về công tôn tạo, cải tạo, quản lý và tài sản trên đất cho chị Lệ.
 
PV