Nạn trộm cắp trong môi trường giáo dục

(Dân trí) - Một vấn đề khá nhức nhối, bức xúc trong môi trường giáo dục hiện nay, đó là tình trạng học sinh, sinh viên bị trộm cắp đồ đạc, vật dụng học tập... ngày càng gia tăng.

Em N. T. T.N, học lớp 12, nhà nghèo, cha mẹ tần tiện, dành dụm cả năm mới mua cho chiếc xe đạp mới, giá 1,2 triệu đồng để có phương tiện đi lại thuận lợi, vì nhà ở xa trường. Đến trường lớp, em N dựng xe cẩn thận vào trong hàng và có khóa lại. Nhưng tới ngày thứ 6, sau 5 ngày có xe mới, tan buổi học, em N ra lấy xe như mọi ngày thì chiếc xe đã không cánh mà bay mất. N loay hoay tìm mãi, nhỡ có bạn nào dắt để vị trí khác, song chẳng thấy đâu. Em N đành chạy vào báo cho các thầy tổ giám thị mà miệng nói không nên lời, nước mắt giàn giụa, vì mất xe, không còn phương tiện để đi học. Nghe lời thầy cô, em N làm giấy báo mất xe gởi đến công an huyện. Sự việc trôi qua đã gần cả năm trời mà vẫn không thấy tin tức, hi vọng gì về chiếc xe của mình bị  mất cắp. 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chuyện bị mất xe đạp, máy tính bỏ túi, tiền bạc... của học sinh xảy ra như cơm bữa ở nhiều trường học tỉnh Quảng Ngãi, nhất là bậc THCS và THPT. Các em bị mất cắp có báo nhà trường, thầy cô giáo biết và mong được giúp đỡ, nhưng trong chừng mực, mức độ trách nhiệm của mình, nhà trường thầy cô cũng chỉ biết nhắc nhở, khuyên bảo các em nên cảnh giác kẻ xấu và thông báo với công an về tình hình mất cắp trong trường, lớp. Chúng tôi còn được biết, có  nhiều em học sinh khi ra nhà vệ sinh hoặc trên đường đi học về đến chỗ vắng, thỉnh thoảng bị thanh niên, học sinh xấu chặn lại " xin đểu" kiểu: Ê mày có đồng nào đưa cho tụi tao tiêu coi. Nếu không đưa, liền bị trấn lột, bị ăn đấm đá ngay và nhận  lời đe dọa theo kiểu "xã hội đen": "mày mà báo lại thầy cô, cha mẹ là hết đường sống  với bọn tao." T.V.T, học sinh lớp 9, nhà ở cạnh nhà tôi, hôm trước đi học về, mặt mày đầy vết bầm, về nhà T lặng thinh,cố giấu cha mẹ. Thấy con mặt mày có vết bầm, cha mẹ  liền gặng hỏi, hỏi mãi cu cậu mới thổ lộ, con bị mấy đứa trong  cùng khối lớp trấn lột, do không có tiền đưa nên bị đánh. Báo chí từng đưa tin có em học sinh lớp 9, vì thiếu tiền chơi game nên đã ra tay sát hại một em nhỏ lớp 3 lớp trong nhà vệ sinh để lấy... 100.000 đồng. Tình trạng "khủng bố", trấn lột, đem thế chấp vật dụng để lấy tiền của bạn ở những học sinh, thanh thiếu niên cá biệt, hư hỏng hiện nay là hết sức đáng lo ngại. Vì sợ bị trả thù, tiếp tục bị đánh đập nữa nên không ít em giấu nhà trường và gia đình như trường hợp em T nêu ở trên.

 

Ở các trường đại học, cao đẳng thì thế nào? Thời trước cũng có chuyện một số sinh viên đói, khát sinh ra ăn cắp vặt, thế chấp đồ đạc, nhưng mức độ không đáng kể. Còn bây giờ, tình hình trộm cắp trong sinh viên phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều. Mấy đứa em tôi học đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng, Qui Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh từng là nạn nhân của 8 lần trộm cắp và trấn lột, lúc mất mấy trăm ngàn, khi mất vài cái áo, cái quần mới may....Kẻ xấu, trong đó có sinh viên, lợi dụng kí túc xá, khu tập thể, chỗ trọ  lúc đông người ra vô, trời tối hoặc lúc đi sinh viên cả phòng đi vắng, tham gia hoạt động văn nghệ, cắm trại...bẻ khóa, lẻn vào phòng, thấy những gì lấy được, bán được tuôn sạch. Sinh viên H.V.T, lớp kế toán k 45, trường cao đẳng tài chính Quảng Ngãi, cho biết"  Sinh viên ở tập thể, kí túc xá như tụi cháu bị mất cắp đồ đạc, vật dụng học tập thường hay xảy ra lắm. Có bữa, một phòng mất 6, 7 cái điện thoại di động, biết đối tượng lấy đấy nhưng chẳng thể nào có chứng lý đành chịu. Ngoài tiền mặt ra, kẻ xấu hay nhắm tới điện thoại di động, máy tính xách tay, vì gọn nhẹ, dễ tiêu thụ." Để bắt quả tang và xử lý được những đối tượng trộm cắp, trong đó có nội bộ học sinh, sinh viên, đang hoành hành nơi trường lớp từ phổ thông đến đại học, cao đẳng, không hề dễ dàng gì. Đối tượng này tỏ ra khá khôn ngoan và tinh vi, biết cách ứng phó trước những tình huống bất lợi. Nhiều vụ việc mất cắp được báo lên, thầy cô giáo giám thị, bảo vệ các trường cũng từng  tung ra những " nghiệp vụ" như công an hay làm: lục soát, kiểm tra, đấu tranh " tội phạm", nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Nguyên nhân, tình trạng trộm cắp trong học sinh, sinh viên gia tăng là do môi trường xã hội bên ngoài có nhiều phức tạp, một số ít học sinh, sinh viên nhiễm thói ăn chơi, đùa đòi, buông thả, thỏa sở thích cá nhân, khi hết tiền tiêu xài, nảy sinh thói ăn cắp. Hành vi xấu ấy, làm cho trật tự nơi trường lớp bất ổn, tâm lí lo lắng, hoang mang, nghi ngờ, cảnh giác lẫn nhau trở nên thường trực trong nhiều học sinh, sinh viên, phá đi lứa tuổi hồn nhiên, vô tư vốn có ở họ.

 

Ngoài sự giữ gìn, cảnh giác của cá nhân học sinh , sinh viên, nhà trường, thầy cô giáo, nơi quản lý, giáo dục các em cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về ý thức đạo đức cũng như hiểu biết, kiến thức pháp luật cho mọi học sinh, sinh viên. Cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những trường hợp trộm cắp, trấn lột xảy ra trong môi trường giáo dục.

                                                

        Thanh Bình

                                                                  Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Nhà trường vốn là môi trường đạo đức chuẩn mực mà để xảy ra tình trạng trộm cắp phổ biến như sự phản ảnh của bài viết trên đây quả là điều đáng lo ngại.

 

Đứng trước tình hình đó, Nhà trường cũng như chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để tìm ra những biện pháp đồng bộ và có tính khả thi nhằm kiên quyết ngăn chặn tình trạng trộm cắp trong nhà trường.

 

Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những kẻ trộm cắp dù là kẻ thâm nhập từ bên ngoài  hay là chính những học sinh, sinh viên trong trường, đều có ý nghĩa giáo dục và răn đe đối với mọi người. Đấy cũng là biện pháp tích cực nhằm xây dựng “Nhà trường thân thiện và học sinh tích cực” theo mục tiêu thi đua của ngành giáo dục.