Nạn phá rừng do đâu?

Hiện nay, tình trạng phá hoại môi trường đang ở mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh các tác nhân như ô nhiễm do chất thải công nghiệp, thiên tai… thì tình trạng chặt phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm đang diễn ra một cách tràn lan.

Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động, giao đất giao rừng, rồi xử lý những kẻ vi phạm… nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên nghiên cứu kỹ những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng tràn lan để đề xuất với Chính phủ những giải pháp hữu hiệu trước khi quá muộn. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước đã bảo vệ rừng thành công, tìm cách vận dụng vào thực tiễn trong nước, từng bước rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho hợp lý. Cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan có trách nhiệm quản lý và đông đảo nhân dân để xây dựng chiến lược, sách lược bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.            

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Từ góc nhìn cá nhân, chúng tôi cho rằng bên cạnh các nguyên nhân như sự phát triển quá “nóng” của kinh tế, cuộc sống khó khăn của người dân, sự tha hóa, buông lỏng trách nhiệm của những người có chức năng bảo vệ rừng…thì quan niệm của nhiều người về những tác dụng “thần kỳ” của các lâm sản là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phá rừng, tận diệt các lâm sản đặc biệt.

Đây là một nguyên nhân thuộc phương diện “ẩn”, nên lâu nay ít được quan tâm phân tích một cách thấu đáo, và có thể coi như là một thiếu sót của giới truyền thông. Chúng tôi cho rằng, nếu “thông” được phương diện này, chúng ta đã hạn chế được không ít những biểu hiện tận diệt thiên nhiên.                     

Đơn cử như trường hợp “chiến dịch” nuôi gấu rầm rộ trước đây. Nhiều gia đình đã đầu tư số vốn rất lớn để nuôi gấu lấy mật, với hi vọng sẽ thu được siêu lợi nhuận từ món thần dược này. Bởi vì trong dân gian lâu nay vẫn đồn đại về những tác dụng thần kì của mật gấu như chữa được ung thư, trường sinh bất lão, cường dương…Thật ra, mật gấu cũng có những tác dụng chữa bệnh nhất định, rõ nét nhất là tác động hoạt huyết, sát trùng, bổ gan…nhưng không đến mức “thần diệu” như lời đồn thổi. Và mật gấu rừng mới tốt, còn mật gấu nuôi, khi hút mật không bảo đảm vệ sinh có khi uống vào còn bị nhiễm trùng. Thế là mật gấu bị thất sủng, xuống giá trầm trọng, và đàn gấu nuôi lâm vào tình cảnh khốn cùng, bị chủ bỏ bê không chăm sóc, đến mức nhà nước phải có những biện pháp đặc biệt để hỗ trợ.                          

Cũng vì những lời đồn thiếu căn cứ về những tác dụng kì diệu của cao hổ cốt mà đàn hổ trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để mua hổ về nấu cao, với hi vọng sẽ có một vị thuốc đại bổ, bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ, chữa khỏi thấp khớp, bại liệt, ung thư, cải lão hoàn đồng…Cơn “khát” cao hổ cốt nóng đến mức đã hình hành những đường dây tội phạm săn bắt, buôn bán hổ, bất chấp những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Rồi chuyện người ta dùng đủ loại xương động vật để giả xương hổ lừa khách hàng, thậm chí dùng cả…xi măng để làm giả xương hổ.                                                        

Trong khi đó, thực chất cao hổ cốt cũng chủ yếu chỉ có tác dụng trị phong thấp, bổ xương cốt mà thôi, không có gì là “thần dược” ghê gớm cả. Những tác dụng thần kì của nó chưa được khoa học kiểm chứng. Mặt khác, nếu chế biến không đúng cách, bảo quản không tốt, cao hổ cốt còn có hại cho sức khỏe người dùng. Không biết khi mọi người dân biết được điều này, cơn sốt cao hổ cốt có hạ nhiệt?       

Hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, song vẫn tồn tại những tên cò mồi, các đường dây mua bán cao xương hổ, thậm chí có những trại chăn nuôi hổ ở nước ngoài, nếu người nào có nhu cầu, người ta vẫn có thể đưa hổ đến tận nơi, tất nhiên là với một cái giá “cắt cổ” mà chỉ có các “đại gia” mới “chịu được nhiệt”.                               

Gần đây nhất là cơn sốt gỗ huỳnh đàn (sưa, trắc thối) khiến cho các cơ quan chức năng một phen bở hơi tai để đối phó. Tất cả chỉ bắt nguồn từ những lời đồn thổi, thêu dệt về những tác dụng đặc biệt của loại gỗ này, không hề được kiểm chứng bởi bất cứ một cơ quan khoa học nào. Nào là “Có gỗ huỳnh đàn trong nhà sẽ trừ được tà ma. Bột gỗ huỳnh đàn đem ướp xác sẽ trường tồn với thời gian. Năm 2008, Olympic diễn ra tại Trung Quốc nên người ta cần trùng tu một số tượng trong các cung vua bằng gỗ huỳnh đàn...” (Báo Lao động ngày 15/8/2007).    

Thật chẳng khác gì “chuyện cổ tích”, thế nhưng người ta vẫn tin, vẫn mê mải chạy theo cơn sốt gỗ huỳnh đàn và bao kẻ đã phất lên một cách siêu tốc nhờ những niềm tin thiếu căn cứ ấy. Giờ thì cơn sốt ấy đã hạ nhiệt, nhưng những cánh rừng bị tàn phá, những hàng cây tại các đường phố, trường học, khu dân cư…bị triệt hạ thì biết bao giờ mới được phục hồi.                                                    

Chuyện con tê giác bị dồn đến bước đường cùng, sừng của nó đắt hơn vàng và vô số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến con vật hiền lành, hình dáng cổ quái này cũng xuất phát từ những lời đồn thổi hết sức vu vơ, mang đầy màu sắc huyền thoại: “Một ít bột mài từ sừng tê giác có thể giúp người nhược dương trở thành người đàn ông phi thường trong phòng the, ngay cả Viagra cũng phải chào thua(?)”. Trong khi đó, các tài liệu đông y chỉ cho rằng, tác dụng của sừng tê giác là vị thuốc “thanh huyết, giải độc và định kinh”! Thậm chí nhiều người còn tin rằng, sỏi mật của con tê giác có tác dụng “cải tử hoàn sinh” (Vietnamnet ngày 20/8/2004).                                                        

Xuất thân từ một nền văn hóa nông nghiệp, phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên, người Việt Nam có sẵn một tâm lý sùng bái tự nhiên, luôn đề cao giá trị các sản vật thiên nhiên một cách quá mức. Thời hiện đại, khi nền sản xuất công nghiệp đang xóa dần các vết tích thiên nhiên hoang dã thì niềm “hoài cổ”, sùng bái của một số người càng trở nên mãnh liệt. Tất cả những gì thuộc về thiên nhiên hoang dã đối với họ đều là quý, hiếm, đặc sản, “kì diệu”…và tìm mọi cách để được thưởng thức, chiếm hữu. Một số người còn coi việc được sở hữu, thưởng thức những sản vật thiên nhiên hoang dã là thể hiện đẳng cấp đại gia, sành điệu, thượng lưu. Một số kẻ cơ hội tìm cách hối lộ các quan chức bằng các sản phẩm thiên nhiên hoang dã, quý lạ.          

Chúng tôi đã đến nhà một số người và thấy họ trưng bày ở phòng khách những bộ da hổ, da hươu độn bông trông y như thật, những chiếc sừng bò tót, những bình rượu ngâm bào thai động vật, ngâm chân gấu, trong vườn nuôi nhốt nhiều loại chim quý, những cây cổ thụ bị cắt ngắn, uốn éo thành các hình thù theo ý chủ nhân…Khi giới thiệu với khách, một số người tỏ ra rất tự hào.

  Họ không biết rằng, niềm đam mê, tự hào của mình đã góp phần gây tội ác hủy diệt thiên nhiên. Nếu chúng tôi nói như vậy, sẽ có người cho rằng chúng tôi thần kinh không bình thường. Đáng buồn thay, có không ít người là cán bộ, quan chức cũng có thói quen học đòi trưởng giả như vậy.

Có cầu thì sẽ có cung, cầu càng lớn thì cung càng phát triển. Những món lợi nhuận khổng lồ từ lâm sản quả là có sức hấp dẫn ghê gớm, khiến không ít người bất chấp cả tính mạng. Nghe kể chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, cõng gỗ huỳnh đàn vượt rừng bất chấp súng nổ sau lưng…mà chúng tôi không khỏi rùng mình. Biết bao người đã phải bỏ mình nơi chốn rừng thiêng nước độc vì miếng cơm manh áo, vì khát vọng làm giàu nhanh chóng. Tất cả đã khiến cho những giải pháp chống phá rừng mang tính chất hành chính đều bất lực, nạn phá rừng vẫn cứ ngang nhiên hoành hành.       

Tai hại nhất là sự phá rừng có tổ chức được sự hậu thuẫn của các cấp chính quyền. Những món lợi lớn từ rừng khiến người ta tìm mọi cách xin để được “chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng”, “trồng cây công nghiệp”, “phát triển khu du lịch”…và kết quả là hàng ngàn héc ta rừng hàng trăm năm mới hình thành đã bị xóa sổ nhanh chóng bởi các phương tiện máy móc hiện đại.                     

Còn biết bao giai thoại về các kì phẩm, tuyệt sản của thiên nhiên mà chưa được khoa học giải thích, hoặc sự lý giải của các nhà khoa học chưa được phổ cập dẫn đến tình trạng tận diệt thiên nhiên như tác dụng kì diệu của trầm hương, kì nam, xương bìm bịp, xạ hương, rùa vàng…và biết bao nhiêu lời đồn thổi trong dân gian đầy màu sắc hoang đường, nhưng tác động hủy diệt thiên nhiên thì rất nhanh chóng và hữu hiệu.                    

Đã đến lúc, cần nhìn nhận đâu là “cái gốc” của hiện tượng hủy diệt môi trường, tàn phá thiên nhiên, nếu không thì mọi nỗ lực sẽ như “bắt nhái bỏ đĩa”, không đi đến đâu. Theo chúng tôi, nhà nước cần có chính sách để các nhà khoa học vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “bạch hóa” những huyền thoại, lời đồn thổi vô căn cứ trong dân gian, góp phần nâng cao dân trí. Cần tìm ra những mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hài hòa, “gìn giữ cho muôn đời sau” chứ không “ăn xổi”, “ăn lạm vào tương lai” như hiện nay.                                       

Sâu xa hơn, cần có những giải pháp để chấn hưng tinh thần nhân ái, yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên của cha ông, phát huy cách ứng xử văn minh, nhân đạo đối với thiên nhiên.

Trần Quang Đại 

LTS Dân trí - Nạn phá rừng cũng như hủy hoại những lâm sản dưới tán rừng đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, dẫn đến những thảm họa như bão lụt, lũ quét lũ ống, lở đất, xói mòn đất, làm thay đổi khí hậu bất thường, sinh ra nhiều loại dịch bệnh…Vì vậy, bảo vệ rừng vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi thiết thân của mọi người dân.

Muốn cho đất nước phát triển bền vững, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ rừng. Trồng cây, gây rừng là một việc làm có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ kính yêu đã phát động toàn dân tham gia Tết trồng cây và Người luôn gương mẫu thực hiện. Việc làm đó vừa đem lại hiệu quả thiết thực vừa có ý nghĩa giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người dân, từ các cụ già cho đến các cháu thiếu nhi.

Tết trồng cây đã trở thành một phong tục, một nếp sống văn minh của nhân dân ta, cần tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.