Mục đích thực sự của giáo dục tiểu học là gì?

Vừa qua, trong một dịp về nước, lần đầu tiên tôi được đi họp phụ huynh cho con. Nhưng buồn thay, đã choáng váng trước các mục tiêu của nhà trường, nơi con tôi đang theo học lớp 1. Tôi nghĩ, chắc không ít các bậc phụ huynh có chung cảm nhận như tôi.

 

Tôi thật lòng cám ơn Dân trí đã quan tâm tới đề tài giáo dục trong nhà trường, một vấn đề đặc biệt quan trọng của toàn xã hội ta hiện nay, bởi giáo dục là xây dựng nền tảng đạo đức và lối sống của con người trong tương lai.

 

Chúng ta sẽ không thể có một Việt Nam văn minh, hiện đại nếu không sửa chữa kịp thời những thiếu sót và bất cập hiện nay trong nhà trường.

 

Giáo dục trong gia đình phải bắt đầu từ khi trẻ mới sinh. Điều này các nhà khoa học đã có nhiều bằng chứng. Vậy giáo dục trong nhà trường quan trọng nhất khi nào, có phải từ lớp 1? Mục đích chính của giáo dục tiểu học là gì, đâu có phải chỉ là biết đọc, biết viết, biết làm tính đố. Trên thực tế, đó là mục đích của đa phần các giáo viên hiện nay, vì hiệu quả giảng dạy tính theo điểm số.

 

Đứa trẻ nào trong tương lai sẽ thành đạt: xin thưa rằng không phải là những đứa trẻ có IQ cao hay điểm số tốt ở thời kỳ đi học tiểu học với cách giáo dục hiện nay. Vì theo phương pháp giáo dục hiện nay, các cháu phải học hoàn toàn thụ động. Lời văn hay là lời văn giống của cô giáo, bài vẽ đẹp là bài phải giống hình mẫu, không có sự tưởng tượng... Một đứa trẻ hiếu động, hay tìm tòi thường hay đưa ra những câu hỏi và hành động có thể không có trong đáp án, vì vậy có thể nhận được các phản ứng âm tính từ giáo viên.

 

Chúng ta có thể tìm lại một bài báo trên mạng nói về số phận của các “thần đồng” cách đây 5-10 năm, giờ các em ra sao? Em thì học hành chật vật, em thì có dấu hiệu tự kỷ...Vậy quyết định của thành công là gì: đó chính là EQ (Emotional Quotient). Nếu chỉ số IQ đơn thuần đo lường  về trí lực, còn chỉ số EQ ngoài việc đo về cảm xúc, còn có thể đo cả tâm lực và trí lực.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Muốn có EQ cao, cùng với sự tích lũy về tri thức, các em tự khám phá bản thân mình. Biết mình, biết ta để có thể tích lũy vốn sống, học cách sống và làm việc trong tập thể một cách hiệu quả nhất. EQ không phải bẩm sinh mà có, nó được hình thành và phát triển qua quá trình rèn luyện của con người. EQ của con cái chúng ta sẽ có từ đâu, từ hành xử của bố mẹ chúng ở nhà, từ các thầy cô giáo ở trường.

 

Vì thế, nếu con bạn vào lớp 1 mà chưa biết đọc, chưa biết viết thì cũng là chuyện hết sức bình thường ở các nền giáo dục khác. Nhiệm vụ của các cô giáo lớp 1 là dạy chúng biết chữ, như bố mẹ chúng ê a hồi lớp 1 ngày xưa. Anh bạn tôi là một bác sỹ phẫu thuật tim mạch nổi tiếng, rất khó khăn mới có thể giải thích cho cô vợ người Nhật Bản hiểu lý do tại sao con gái họ phải đi “thi tuyển đầu vào” ở trường tiểu học LQĐ, Hà Nội. Sau khi thi xong, chị vợ òa khóc nức nở vì con gái dù đã được các bác sĩ xác định có chỉ số IQ rất cao nhưng vẫn chỉ được 2 điểm 0. Chị coi đó là một sự xúc phạm với trẻ em. Tại sao con chị lại buộc phải đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1? Tại sao xã hội phát triển mà con em chúng ta lại cơ cực đến thế, căng thẳng đến thế. Không lẽ, tất cả trẻ em Việt Nam IQ đều quá thấp nên buộc phải đi học trước, buộc phải biết đọc, biết viết trước, vì nếu không sẽ không qua được chương trình lớp 1. Gượng ép như thế, tiêu cực như thế thì làm gì còn hứng thú học hành. Vở toàn điểm 10 nhưng liệu EQ hay IQ có hình thành được không hay thui chột.

 

Mục đích của các em trong giai đoạn tiểu học một phần là tiếp thu những kiến thức khoa học đơn giản, phần quan trọng là hình thành nền tảng ban đầu của nhân cách con người - yếu tố quyết định sự thành bại của các em trong tương lai. Đọc, viết, làm toán không thể thiếu, nhưng cũng đừng quên dạy các em cách làm người. Dạy không ở đâu xa, chính từ bố mẹ, thầy cô. Điểm số cao là rất tốt, nhưng đừng lấy đó làm trọng, đừng bắt con em chúng ta thành cái máy in điểm 10 mà bản thân chúng chẳng hiểu điểm 10 đó có ý nghĩa gì không. Xin dạy các em biết học cách cảm nhận cuộc sống và giá trị của nó. Biết yêu thì mới biết trân trọng và giữ gìn. Đó là chân lý.

 

Cũng là chưa quá muộn nếu các nhà quản lý nhìn lại mục tiêu của giáo dục. Trẻ em hôm nay, đất nước ngày mai. Tôi rất mong chúng ta thảo luận vấn đề này, để mỗi ngày đến trường với các em là một niềm vui, mỗi ngày ở trường là một viên gạch lát con đường các em vào đời. Mong rằng con đường ấy sẽ ngày một rộng rãi và sáng sủa.   

 

Romemùa thu 2009

Hoa Nguyen

 

LTS Dân trí - Mong muốn của một người mẹ (hay người cha) viết bài trên cũng là nguyện vọng của nhiều ông bố bà mẹ có con vào học lớp 1. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, các trường tiểu học của chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến nội dung giáo dục toàn diện và phù hợp với lứa tuổi của các em. Không nên quá coi trọng việc “dạy chữ” mà coi nhẹ các hoạt động giáo dục khác, nhất là những hoạt động vui chơi sáng tạo, tạo điều kiện cho các em bộc lộ tính cách và năng khiếu của mình.

Điều đặc biệt đáng quan tâm là các trường tiểu học phải chấp hành thật nghiêm quy định phân phối chương trình lớp 1 của Bộ Giáo dục- Đào tạo, không dạy quá nhanh trong thời gian đầu, không khuyến khích các em phải học trước chương trình lớp 1; càng không được tự ý đặt ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 1. Đấy là điều rất vô lý, không chấp hành đúng kỷ cương của ngành, các cấp quản lý giáo dục cần nghiêm cấm.