Mùa lễ hội xuân này…

(Dân trí) - Sau Tết là mùa lễ hội. Năm nào công tác chuẩn bị cũng đều được thông báo là chu đáo, cẩn thận. Hy vọng các lễ hội thực sự đi vào lòng người, gìn giữ được nét văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng người dân vẫn còn đó những nỗi lo…

 
Mùa lễ hội xuân này… - 1
Trẩy hội chùa Hương (ành: tintuc.xalo.vn).
 

Là đất nước có nhiều lễ hội (tới hơn 8.000 trên cả nước mỗi năm), đa số diễn ra vào mùa Xuân. Về sự phong phú của lễ hội cũng như việc lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của nhân dân từ ngàn xưa, GS – TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nói khi trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên:

 

Lễ hội mùa Xuân trong quan niệm âm dương, trời đất kết thúc mùa Xuân kết thúc khí Âm và khí Dương lên. Trong quan niệm vũ trụ luận Phương Đông, khi âm dương hài hòa kết hợp thì tạo ra mùa màng tốt tươi và sức khỏe của con người cũng tốt và cây cỏ và súc vật đâm chồi nảy lộc, là mùa sinh nở, mở đầu một năm, cho nên lễ hội tập trung vào mùa Xuân. Trong quá trình lịch sử lễ hội từ nguồn gốc nông nghiệp  được bổ sung thêm các sự kiện lịch sử, thờ các anh hùng lịch sử và được tôn thờ bởi những giao lưu văn hóa với các nước và bổ sung bằng các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, khiến cho lễ hội hiện nay rất phong phú”.

 

Ông cũng nhấn mạnh:  Đến dự lễ hội để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, tôn vinh người có công với dân, với nước... là đạo lý, là nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Ðến dự lễ hội để được vui chơi, giải trí, được bồi đắp đời sống tinh thần một cách bổ ích và phong phú là điều cần được tôn trọng, khuyến khích. Song, biến lễ hội thành nơi thực hành “mê tín, dị đoan”, hay chạy theo lợi nhuận mà lấy mục đích kinh tế thay cho mục đích văn hóa... lại là điều phải chấn chỉnh kịp thời”.

 

Là những người dân đất Việt, ai chẳng mang trong trái tim mình tình yêu đất nước,  chẳng có tâm thức trở về cội nguồn, càng mong muốn được hiểu thêm về những nét văn hóa của mỗi vùng miền, sự đặc sắc của những nghi thức tâm linh và đặc biệt là được hòa mình vào bầu không khí hân hoan chào đón Xuân mới với bao ước vọng mới…

 

Từ trước Tết, nhóm bạn trong Nam ngoài Bắc chúng tôi đã hẹn nhau: Mùng 6 Tết mở  màn mùa lễ hội tại chùa Hương, mùng 10 Yên Tử… Rồi cứ xen kẽ lịch vừa đi làm, vừa tranh thủ hành hương kết hợp du xuân.

 

Vài lần đi hội chùa Hương rồi mà trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác náo nức, như thủa nào cô thôn nữ mới lớn chuẩn bị đi lễ chùa: dậy từ lúc “hoa cỏ còn mờ hơi sương” để “vấn đầu, soi gương”. Để rồi được thả hồn phiêu diêu với cảnh quan tuyệt đẹp “Đò đi qua Bến Đục/Mọi người ngắm nhìn em/ Thẹn thùng em không nói…”

 

Dù bây giờ các dịch vụ phục vụ lễ hội đã rất phong phú, nhưng vốn tính cẩn thận, cũng hơi lo lắng về các vụ “chặt chém” giá cả và cả an toàn vệ sinh thực phẩm, nên nhóm chúng tôi phân công rất cụ thể công tác hậu cần.

 

Người lo hấp lại bánh chưng, đồ xôi, người luộc gà, người lo mua hoa quả, vàng hương… Trước lễ, sau thụ lộc, vừa tươi ngon,  vừa lành và quan trọng là đảm bảo toàn món “sạch” theo “chuẩn Isso…”. Cánh đàn ông lo xe cộ, liên lạc với chỗ thuê đò quen “cho tình cảm”, chuẩn bị đồ uống và cả khỏe tay nắm thêm vài vắt cơm nắm, giã lọ muối vừng phục vụ các nàng ăn chay cho thanh tịnh.

 

Chắc chúng tôi sẽ né được vấn đề nan giải luôn được du khách rất quan tâm trong các mùa lễ hội hàng năm là an toàn thực phẩm, không phải giơ cổ ra chịu các kiểu “chặt chém” trong dịch vụ ăn uống, hoặc cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó” về thịt thú rừng...

 

Nhưng cũng còn phải chờ xem thông báo về những cái mới của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay sẽ trở thành hiện thực ra sao. Nhất là về khâu  hoàn thiện hạ tầng; cấm hoạt động các loại loa đài phát thanh quảng cáo tự phát; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định giá thuyền, đò…
 
Mùa lễ hội xuân này… - 2
Du khách hành hương lên Yên Tử.

 

Công tác chuẩn bị cho ngày khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch (12/2) cũng được thông báo đã chu toàn để lễ hội diễn ra an toàn, tốt đẹp, tạo thuận lợi cho người dân về đất Phật, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn giao thông.

 

Mùa lễ hội năm nay, trước tình trạng “chặt chém” về giá gửi xe dịp Tết tại những nơi công cộng như chùa chiền, công viên, khu vui chơi… trên cả nước, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến góp ý về công tác tổ chức lễ hội của các cơ quan chức năng. Đồng thời bày tỏ mong muốn giới chức các địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra các tệ nạn cũng như những “biến tướng” tinh thần của lễ hội.

 

Tôi cũng từng có dịp được tham dự một số lễ hội của các nước bạn, trong đó có cả những lễ hội diễn ra tại các quốc gia rất đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc. Điều tôi cũng như các bạn khác nhận thấy  là dù dòng người hành hương của họ đông hơn ở ta rất nhiều lần, số lượng người quy tụ tại các điểm diễn ra lễ hội cũng có quy mô lớn hơn gấp bội, nhưng xem ra họ rất biết cách tổ chức sao cho khoa học, văn minh mà vẫn gìn giữ được những nét bản sắc độc đáo.

 

Nhưng quan trọng hơn cả, tôi cũng đồng ý với nhận xét của đa số bạn đọc,  đó là đa số người dân nước bạn có ý thức cao hơn nhiều người dân nước ta!!! Nhất là ý thức thu hút du khách đã đến là nhớ và sẽ quay trở lại!!!

 

Kiều Anh