Thanh Hoá - Bài 1:

Mong ngóng tìm danh dự cho người lính sau hơn 50 năm hi sinh!

(Dân trí) - Sau hơn 50 năm kể từ ngày người thân nhập ngũ, phục vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình mới nhận được thông báo về phần mộ liệt sĩ. Nhưng đã nhiều năm qua, thân nhân của người lính đã hi sinh, “gõ cửa” nhiều cơ quan, ban ngành với mong muốn được giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách.

Tìm thấy phần mộ liệt sĩ sau hơn 50 năm

Báo điện tử Dân trí nhận được đơn kiến nghị của anh Đinh Quang Hoạt, thôn Thiết Đinh, xã Định Tường (Yên Định, Thanh Hóa) về việc giải quyết chế độ, chính sách cho chú ruột hi sinh trong kháng chiến.


Nhiều năm qua, anh Đinh Quang Hoạt gõ cửa nhiều cơ quan, ban ngành mong giải quyết chế độ, chính sách cho người chú đã hi sinh

Nhiều năm qua, anh Đinh Quang Hoạt "gõ cửa" nhiều cơ quan, ban ngành mong giải quyết chế độ, chính sách cho người chú đã hi sinh

Trong đơn trình bày nêu, ông Đinh Quang Biên (SN 1946, xã Định Tường, Yên Định, Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 1/1966 vào đơn vị Binh trạm 14, Binh Đoàn 559 với cấp bậc B2. Ông Đinh Quang Biên hi sinh ngày 21/10/1966.

Sau hơn 50 năm kể từ ngày nhập ngũ, đến đầu tháng 6/2015, gia đình anh Hoạt mới nhận được thông tin phần mộ của ông Đinh Quang Biên an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung, thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sau khi nhận được thông tin về phần mộ, gia đình anh Hoạt đã vào thăm viếng mộ. Đồng thời, gia đình cũng đã được các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cung cấp các hồ sơ về “Liệt sĩ Đinh Quang Biên”.


Ông Đinh Quang Ban (em trai ông Đinh Quang Biên) và anh Hoạt tại phần mộ liệt sĩ Đinh Quang Biên ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình

Ông Đinh Quang Ban (em trai ông Đinh Quang Biên) và anh Hoạt tại phần mộ liệt sĩ Đinh Quang Biên ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình


Bia ghi tên các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung (Ảnh do gia đình cung cấp)

Bia ghi tên các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông trường Việt Trung (Ảnh do gia đình cung cấp)

Từ năm 2015, anh Hoạt đã được ủy quyền thay mặt gia đình đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Đinh Quang Biên. “Kể từ khi chú tôi hi sinh, gia đình không có bất kỳ thông tin gì về phần mộ. Đến đầu tháng 6/2015, gia đình nhận được thông báo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về phần mộ liệt sĩ Đinh Quang Biên đang được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông Trường Việt Trung, Lô 01, hàng 09, mộ 06”.

Điều đáng nói là, trên phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Nông Trường Việt Trung, cũng như các hồ sơ như: Danh sách liệt sĩ, giấy xác nhận phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình và Phòng LĐ-TB&XH huyện Bố Trạch, UBND thị trấn Việt Trung... đều ghi là liệt sĩ Đinh Quang Biên.


Ông Đinh Quang Huệ, anh trai ông Đinh Quang Biên

Ông Đinh Quang Huệ, anh trai ông Đinh Quang Biên

Niềm vui tìm thấy phần mộ người thân đến với anh gia đình anh Hoạt thật bất ngờ. Nhưng cũng từ thời điểm đó đến nay, anh Hoạt đã phải chạy đôn, chạy đáo, “gõ cửa” nhiều cơ quan, ban ngành để được giải quyết chế độ chính sách cho người chú của mình.

“Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, gia đình đã làm thủ tục đề nghị Tỉnh đội Thanh Hóa làm thủ tục truy tặng cho chú tôi là liệt sĩ, nhưng chúng tôi nhận được trả lời là chú tôi không đủ điều kiện để được công nhận là liệt sĩ”, anh Hoạt thắc mắc.

“Theo cơ quan chức năng cho biết, chú tôi đã được báo tử là quân nhân từ trần, đã trả chế độ một lần, nhưng lại không đưa ra được minh chứng là đã trả cho ai và người nhận là ai”, anh Hoạt khẳng định.


Ông Đinh Quang Ban, em trai ông Đinh Quang Biên

Ông Đinh Quang Ban, em trai ông Đinh Quang Biên

“Để chú tôi được truy tặng liệt sĩ, theo đúng chế độ quy định của Nhà nước đối với người có công trong kháng chiến, để bản thân người hi sinh và gia đình không bị thiệt thòi và lãng quên. Chúng tôi đề nghị Nhà nước xem xét lại toàn bộ hồ sơ, làm lại chế độ cho người có công, hi sinh vì nền độc lập dân tộc của đất nước”, anh Hoạt mong muốn.

Gia đình thiệt thòi quá

Theo nội dung phiếu duyệt hồ sơ ngày 23/2/2016, của Ban chính sách, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, nêu: Hồ sơ quân nhân Đinh Quang Biên đã được báo tử là quân nhân từ trần.

Với mong muốn làm rõ danh phận cho người chú đã hi sinh của gia đình, anh Hoạt đã tìm đến một số đồng đội cùng đơn vị, cùng tham gia phục vụ trong quân đội, cũng như trực tiếp chứng kiến thời điểm ông Biên hi sinh. Trong đó có ông Hoàng Văn Nho (SN 1948), ông Trịnh Văn Thuần (SN 1937), ông Lê Đình Thi (SN 1946), đều ở huyện Yên Định.


Danh sách liệt sĩ tại được lưu tại nghĩa trang Liệt sĩ

Danh sách liệt sĩ tại được lưu tại nghĩa trang Liệt sĩ

Theo nội dung giấy xác nhận của các nhân chứng có nêu, ông Đinh Quang Biên sau khi được huấn luyện ở phía Bắc và được đưa vào chiến trường phía Nam thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để chiến đấu. Từ ngày nhập ngũ đến ngày ông Biên hi sinh là gần một năm.

Vào sáng ngày 21/10/1966, khi đang điều trị bệnh sốt rét tại Binh trạm thì máy bay giặc ném bom, ông Biên đã bị thương rất nặng. Ông Biên đã được đồng đội đưa vào Quân y viện 41 để cấp cứu, nhưng do bị thương quá nặng nên ông đã không qua khỏi.

“Việc được hưởng chế độ hay không chúng tôi không quan tâm, nhưng vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là danh dự của người lính hi sinh vì nền độc lập dân tộc của nước nhà mà 50 năm nay đã bị lãng quên”, nhân chứng trình bày.


Ông Hoàng Văn Nho (SN 1948) - Đồng đội cùng đơn vị và là người trực tiếp chứng kiến tại thời điểm ông Biên hi sinh

Ông Hoàng Văn Nho (SN 1948) - Đồng đội cùng đơn vị và là người trực tiếp chứng kiến tại thời điểm ông Biên hi sinh

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Văn Nho - một trong những nhân chứng, chia sẻ: “Chúng tôi đi lính ở Phủ Lý, tập luyện sau đó vào miền Tây Quảng Bình làm lính vận tải. Nhiều người đi cùng chúng tôi về làm lãnh đạo này, lãnh đạo kia rồi về hưu. Tôi thấy gia đình quá thiệt thòi, bố mẹ thì mất cả rồi. Kể ra, bố mẹ còn sống được hưởng thụ tý chứ thiệt thòi cả”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên đến bạn đọc.

Điều 17 (NĐ Số: 31/2013/NĐ-CP). Điều kiện xác nhận liệt sĩ

1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:

a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;

c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.

Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;

d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;

e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

g) Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;

i) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:

Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.

Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;

k) Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ;

l) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.

2. Không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với:

a) Những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị;

b) Những trường hợp chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.

Duy Tuyên