Môi trường làm việc đã khiến tôi ra đi!

Diễn đàn Dân trí điện tử đã có nhiều bài phản ánh về thực trạng đáng buồn của giảng viên trẻ. Điều trăn trở nhất của chúng tôi là môi trường làm việc. Tôi đã rơi vào hoàn cảnh giở khóc giở cười trong môi trường đó.

Tôi nguyên là giảng viên khoa Vật lý của một trường ĐH ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, một ngôi trường trực thuộc Bộ Giáo dục. Hiện nay tôi đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Sau 5 năm gắn bó với nghề dạy học, tôi cũng đã phải nộp đơn xin thôi việc với lý do không khác với các anh chị em giảng viên khác đã từng bỏ biên chế nhà nước, bỏ môi trường Đại học để ra ngoài làm việc, có cuộc sống bảo đảm và  tương lai sáng sủa hơn.

Nếu chỉ nhìn nhận vấn đề qua chế độ lương bổng thì tôi nghĩ chưa hẳn như vậy vì nhiều anh em giảng viên trẻ đang sống được với đồng lương còm cõi đó thôi. Khéo thu, khéo chi thì rồi cũng đảm bảo được cuộc sống trên mức tối thiểu. Vấn đề mà tôi muốn đề cập ở đây chính là môi trường làm việc đã ảnh hưởng như thế nào tới quyết định ra đi của những giảng viên đại học, trong đó có tôi.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Mặc dù hiện tại tôi đang làm tại một công ty nước ngoài với mức lương nằm ở dạng khiêm tốn là gấp 4 lần mức lương của một giảng viên trẻ ở bất kỳ một trường đại học nào trên nước ta, còn môi trường làm việc thì hết sức chuyên nghiệp với các chứng chỉ ISO quốc tế song tôi vẫn thường xuyên tự hỏi lý do chính của mình nghỉ việc tại trường ĐH là gì? Có phải chăng là đồng lương còm cõi,  không đảm bảo cho cuộc sống của tôi và gia đình. Tôi xin khẳng định là không, bởi vì xét về khía cạnh lương thì tôi cảm thấy còn khả dĩ hơn nhiều người làm trong những ngành nghề khác. Đồng lương của chúng tôi tuy nhìn lên thì chưa bằng ai nhưng nhìn xuống thì không đến nỗi nào.

Song, chúng tôi, những giảng viên trẻ đâu chỉ có một mối quan tâm tới lương, điều mà chúng tôi trăn trở nhất là môi trường làm việc. Khi chúng tôi mới về trường ĐH, với thân phận là Giảng viên trẻ, chúng tôi đã hết sức nép mình và tôn trọng các bậc cha chú, “lão làng” bởi trong Giáo dục hai tiếng kinh nghiệm nó to tát lắm, nó quyết định nhiều thứ lắm.

Không chỉ những ngày đầu như thế mà mãi tới sau này, đã qua 4-5 năm công tác, chúng tôi vẫn bị coi là những đứa trẻ, những người chưa có kinh nghiệm... Tại sao tôi nói vậy, vì hầu hết các công việc trong khoa đều do các bậc lão làng phụ trách và quyết định hết. Chúng tôi được coi như là những người khách trong chính ngôi nhà của mình mà thôi. Không thèm hỏi han đến ý kiến của mình, không cần biết đến tâm tư nguyện vọng của mình trước những công việc trọng đại của khoa của nhà trường. Chỉ khi mọi việc được quyết định xong và chính thức thông báo và quyết định gửi về khoa thì chúng tôi mới được cho hay thì sự việc đã rồi.

Một môi trường làm việc như thế nhưng các vị “lão làng” lại cứ ngỡ rằng cơ chế mà mình tạo ra đang ổn định lắm, đang tốt đẹp lắm nên phải hết sức giữ chân giảng viên để ổn định đội ngũ. Cứ xem cái cách mà các vị làm để tránh “chảy máu chất xám” thì mới đáng buồn thay cho cung cách làm việc và năng lực quản lí của bộ não nhà trường.

Đó là lúc tôi viết đơn xin thôi việc, nhà trường đã hết sức gây khó khăn bằng những quyết định và chế độ rất khó hiểu và vô lý. Ngoài việc buộc tôi phải bồi thường toàn bộ kinh phí đào tạo do đi học cao học về mà không phục vụ đủ thời gian cam kết lại còn bắt tôi phải nộp lại toàn bộ lương trong thời gian đi học. Nhà trường cũng từ chối chi trả trợ cấp thôi việc cho tôi theo luật định... 

Qua sự việc này tôi thấy những vị đứng đầu một ngôi trường Đại học mà không nắm vững những văn bản Luật, Nghị định của chính phủ và các thông tư quy định, hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách thôi việc rất rõ ràng nhưng các vị cố tình không hiểu, hay không cần tham chiếu tới. Phải chăng các vị cứ nghĩ rằng quyết định, suy nghĩ của mình là cao hơn luật pháp. Chỉ tới khi thanh tra Bộ Giáo dục, báo Pháp luật và Tuổi trẻ vào cuộc thì các vị mới chịu sửa đổi những cái sai đó. Có lẽ các vị hết sức coi thường những giảng viên trẻ tuổi, cho rằng chúng không biết gì.

Tôi và bạn bè của mình đã phải nỗ lực tranh đấu giành giật lại lẽ phải và công bằng cho mình bằng các phương tiện truyền thông đại chúng và khiếu nại lên cấp trên mới có được sự quan tâm đúng mức. Tuy sự việc chưa được giải quyết theo đúng với luật định nhưng bước đầu chúng tôi cảm thấy hài lòng với sự tiếp thu và lắng nghe của Bộ Giáo dục, của Vụ tổ chức cán bộ.

Chỉ xét riêng về cung cách làm việc, cách giải quyết chính sách từ một lá đơn xin thôi việc của giảng viên trẻ, cũng có thể thấy môi trường làm việc của trường đại học là như thế nào. Qua đây cũng giúp hiểu thêm vì  sao có nhiều người thầy bỏ trường, bỏ lớp ra ngoài làm, mặc dù họ vốn là người yêu nghề và yêu sinh viên đã dành cho họ những tình cảm tốt đẹp. 

Nguyễn Văn Dung

LTS Dân trí - Vẫn là nỗi niềm tâm tư của một giảng viên trẻ đã từng phải làm việc trong một môi trường bị đối xử thiếu dân chủ và thiếu tấm lòng nhân ái của lớp người đi trước đối với lớp trẻ sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Đáng tiếc đấy là môi trường đại học, một môi trường sư phạm mà không mô phạm trong cách “đối nhân xử thế” với chính những đồng nghiệp trẻ tuổi của mình.

Việc chăm lo xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, dân chủ, tạo điều kiện làm việc có hiệu quả cho mọi người là trách nhiệm cao nhất của người lãnh đạo. Môi trường làm việc đó phải được xây dựng trên những quy chuẩn làm việc công khai, minh bạch, được mọi người tham gia ý kiến xây dựng và hoàn thiện. Đấy cũng là cơ sở để phát huy tinh thần tự giác và ý thức cộng đồng trách nhiệm của mọi người trong tổ chức, không phân biệt người mới, người cũ, người già hay người trẻ... Giá trị đích thực của mỗi con người được thể hiện trung thực bằng kết quả công việc, dù đấy là môi trường giáo dục hay bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào.