Bài học tiết giảm điện:

Mất lòng tin của dân, thiệt hại lớn về kinh tế

(Dân trí) - Bây giờ thì mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm vì “chiến dịch” tiết giảm điện của ngành điện lực đã không còn (trừ trường hợp bất khả kháng). Nhưng bài học tiết giảm điện thì các cơ quan chức năng từ trên xuống đều phải “soi” lại...

Từ ngày 1/7/2010, đêm về con trẻ không phải khóc, quấy mẹ vì nóng không ngủ được, các khách sạn đã hạ nhiệt, không bị “cháy phòng”; Các ki-ốt bán xăng không còn cảnh tấp nập mua xăng chạy máy nổ, các khu gia cư không còn khét lẹt mùi xăng dầu, đêm đã trở lại yên tĩnh hơn…

Sau hơn hai tháng thực hiện tiết giảm điện, giờ ngồi lại tính xem được mất những gì, để chúng ta rút kinh nghiệm. Nếu nói được, theo tôi chúng ta được một bài học sâu sắc về công tác dự báo tình hình năng lượng điện cho sự nghiệp Công nghiệp hoá trong tương lai và bài học về sự quản lý ngành điện của Chính phủ, để có kế hoạch và phương pháp quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn.

Còn nếu nói cái chưa được, mổ xẻ nó ra chúng tôi thấy rằng nhiều cái cần bàn lắm. Trước hết do tiết giảm điện không đúng lúc, không phải thời điểm khi nắng nóng trên 40 độ, vào giữa mùa hè nóng cháy da, ngành điện mới cho các nhà máy nhiệt điện đi vào trùng tu, bảo dưỡng hay sửa chữa; Không phải khi dân cần điện ngành điện mới bắt đầu tính chuyện mua điện của nước ngoài bù vào nguồn năng lượng điện thiếu.

Giá như những vấn đề này, ngành điện tổ chức làm khi trời xuân mát mẻ, khi nguồn nước trong đất tại các ruộng, đồng chưa bị nắng hạ thiêu đốt thì sẽ không có sự thiệt hại gì? Cái mất đầu tiên là ngành chủ quản không làm tốt công tác tham mưu, dự đoán tình hình cho Chính phủ.

Cái mất thứ hai mà ai cũng thấy là ruộng đồng thiếu nước, lúa, ngô, lạc đậu… chết cháy đầy đồng, ao hồ không có nước cá chết hàng loạt làm thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp và nông dân. Cái mất thứ ba là trong khi tiết giảm điện, không những không giảm được số lượng điện năng, mà trái lại theo thống kê chung nhà nào trong thời gian bị tiết giảm điện, đồng hồ điện cũng tăng lên gấp đôi tháng không tiết giảm điện.

Chúng tôi tham khảo một số người có nhiều hiểu biết về sử dụng năng lượng, họ cho rằng chỉ số công tơ điện vừa qua tăng do mấy lí do hợp lý sau đây: Thứ nhất trong quá trình khởi động các máy như: Tủ lạnh, Máy điều hoà nhiệt độ, máy giặt… trước đây các sợi đốt các bóng dèn luôn trong trạng thái “no điện” nay khi có khi mất, thời gian mất cả ngày, thời gian đốt nóng các bóng đèn cho máy khởi động nhiều lần hơn, làm cho chỉ số công tơ điện tăng; Thứ hai trong thời gian mất điện các dụng cụ tích nạp điện không hoạt động, khi có điện, tất cả đều dùng để nạp, dự phòng khi mất để sử dụng làm cho công tơ điện tăng;

Thứ ba là do suy nghĩ mất điện, trước đây sử dụng nhiều, nay tháng chỉ có ít ngày, thời gian sử dụng không nhiều, nên không tắt các dụng cụ, thiết bị cũng làm cho công tơ điện báo nhiều hơn. Cái mất thứ tư đó là lòng tin của nhân dân về sự phục vụ của ngành điện và khả năng đáp ứng yêu cầu cho công nghiệp hoá- Hiện đại hoá khó thực hiện trong những năm tới.

Chưa nói đến lòng tin của nhân dân kể cả cán bộ, đảng viên vào năng lực quản lý của Nhà nước đối với ngành điện cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Chưa nói đến vì nắng nóng, nhu cầu dùng điện làm mát đã thành thói quen, mất điện lưới, làm thị trường hàng điện bất ổn định, các loại máy phát điện của các hộ gia đình phải làm việc vừa tăng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế của các hộ gia đình là không tránh khỏi.

Dự thảo bổ sung, sửa đổi cương lĩnh xây dựng kinh tế đất nước 1991- 2000, mà Đảng ta đang đưa xuống các cơ sở, lấy ý kiến của các nhà khoa học, tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và mỗi giai tầng xã hội để đạt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước có nền công nghiệp phát triển năm 2020.

Thiết nghĩ rằng ngay từ bây giờ chúng ta phải tính toán: Liệu nguồn điện năng đến năm đó có còn phải tiết giảm như hiện nay nữa không? “Lưng vốn” điện của chúng ta hiện nay đến đâu?! Để có kế hoạch lộ trình thích hợp.

Phùng Văn Mùi