Luật sư “trần tình” nỗi khổ khi đi làm sổ đỏ

(Dân trí) - Hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở mà người dân vẫn thường gọi "Sổ đỏ" luôn là câu chuyện của sự ì ạch, chậm trễ và vòng vo...

Luật sư “trần tình” nỗi khổ khi đi làm sổ đỏ - 1
Luật sư Trương Anh Tú đang trao đổi cùng PV Dân trí.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết quan điểm của luật sư dưới góc nhìn  pháp lý cũng như thực trạng mệt mỏi, tốn kém cả công lẫn của mỗi khi người dân phải làm công việc này. 

Trên địa bàn thành phố Hà Nội vấn đề này được coi là điển hình mặc dù pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục và thời gian cấp "sổ đỏ" cho người dân.

Tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về cấp giấy chứng nhận  quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất quy định:

"Điều 12. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận

Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định như sau:

1. Không quá năm mươi (50) ngày làm việc đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu.

2. Không quá ba mươi (30) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

3. Không quá hai mươi (20) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời gian quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian trích đo địa chính thửa đất.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này."

Tại Quyết định 117/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về "cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất với đất cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội" có quy định cụ thể về thời gian cấp "sổ đỏ" như sau:

Điểm b khoản 2 Điều 24. Hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất quy định tại Điều 14 bản Quy định này

b) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, thị xã thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra hồ sơ, xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được chứng nhận về quyền sử dụng đất, chứng nhận quyền sở hữu tài sản và xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Thời gian giải quyết không quá mười (10) ngày làm việc;

- Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì chuẩn bị hồ sơ kèm theo trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính), viết Giấy chứng nhận và gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định; đồng thời gửi số liệu địa chính và tài sản gắn liền với đất đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận làm thông báo gửi UBND phường, xã, thị trấn để thông báo cho người xin cấp Giấy chứng nhận biết; Thời gian giải quyết không quá bảy (07) ngày làm việc;

Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu gửi số liệu địa chính và tài sản gắn liền với đất, cơ quan Thuế có trách nhiệm xác định nghĩa vụ tài chính gửi lại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

Trường hợp người xin cấp Giấy chứng nhận đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT. Khi người được cấp Giấy chứng nhận trả nợ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính và tài sản gắn liền với đất đến cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính và thực hiện xóa nợ theo quy định.

c) Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã thực hiện các công việc sau:

Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã cấp Giấy chứng nhận và ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất.

d) Sau khi cấp Giấy chứng nhận, trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện căn cứ thông báo thuế của cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và người được cấp Giấy chứng nhận nộp nghĩa vụ tài chính (thời gian người xin cấp Giấy chứng nhận thực hiện nghĩa vụ tài chính không tính vào thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận);

đ) Trong thời hạn không quá một (01) ngày làm việc sau khi người được cấp Giấy chứng nhận nộp đủ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thu giấy tờ gốc về đất, tài sản gắn liền với đất, vào sổ cấp Giấy chứng nhận và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp."

Trên thực tế thời gian quyết của các UBNB quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội thường lâu hơn so với quy định của pháp luật. Trong khi đó người dân thường không hiểu pháp luật cũng đành phải chờ đợi, chạy đi chạy lại nhiều lần và chịu "tốn kém" để được làm sổ đỏ.

Không chỉ người dân, các Văn phòng luật sư khi nhận công việc làm "sổ đỏ" cho khách hàng cũng phải nhận không ít những khó khăn và trở ngại về thủ tục và thời gian. Thường thì các thủ tục giấy tờ được "vẽ" thêm rất nhiều và phức tạp khiến người dân không biết phải làm sao, ngay cả luật sư đôi lúc ngỡ ngàng vì quá nhiều thứ rườm rà đến khó hiểu trong khi điều 50 Luật đất đai đã quy định rất ngắn gọn các thủ tục giấy tờ cần có để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.

Thường vấn đề khó khăn và chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ cho người dân đang diễn ra phổ biến, nhưng người dân cũng chỉ biết than vãn với nhau rồi lại thôi. Hầu như không một ai lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho mình phần vì không hiểu biết pháp luật, phần vì sợ rằng nếu có lên tiếng liệu hồ sơ của mình có được giải quyết? Đã từng có những văn phòng luật sư khi đi làm thủ tục này lên tiếng kiến nghị về sự chậm trễ, song đều không nhận được câu trả lời từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những biện pháp tối ưu trong vấn đề kiểm soát chặt chẽ việc cấp "sổ đỏ" của các UBND quận, huyện. Đồng thời có những phương thức để tiếp thu các ý kiến, những phản ánh của người dân góp phần đảm bảo cho tính thực thi của pháp luật cũng như tính công bằng của xã hội.

Vũ Văn Tiến (ghi)