Nghệ An:

Luật sư nhận định pháp lý vụ bỗng dưng bị “đổ nợ” lên đầu!

(Dân trí) - Từ một quyết định sai, vị PGĐ bị gánh một khoản nợ “khổng lồ” lên đầu. Cũng chính vì quyết định vô lý này mà ông không được giải quyết các chế độ theo quy định suốt nhiều năm qua. Và ông quyết đi đòi công lý nhưng gặp quá nhiều khó khăn nên ông đã khởi kiện ra tòa.

Khốn khổ vì đổ nợ lên đầu

Trong đơn gửi Báo điện tử Dân trí, ông Hoàng Xuân Ý (SN 1956, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) - nguyên GĐ Xí nghiệp xây dựng số 8, nguyên PGĐ Công ty xây dựng số 6, thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội) - nay là Công ty cổ phần Trung Đô phản ánh về việc suốt nhiều năm qua ông không được công ty giải quyết các chế độ đúng theo quy định của pháp luật.

Thậm chí cá nhân ông phải chịu hàm oan khi phía công ty bỗng dưng ra một quyết định sai trái gán cho ông một khoản nợ “khổng lồ” lên đến hơn 860 triệu đồng. Từ ngày “bỗng dưng” gánh khoản nợ từ trên trời rơi xuống, nhiều năm liền ông Ý mòn mỏi đi đòi công lý ở khắp nơi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tuy nhiên, vào tháng 8/2005, ông Ý không may bị tai nạn nặng phải điều trị và “nghỉ phép” trong khoảng thời gian rất dài (hết năm 2006). Do di chứng của vụ tai nạn chưa thể đi làm nên ông Ý tiếp tục xin tạm nghỉ việc để ở nhà điều trị bệnh.

Những năm tháng đi đòi công lý, ông Ý gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở.
Những năm tháng đi đòi công lý, ông Ý gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở.

Cũng trong khoảng thời gian này, thì Công ty xây dựng số 6 tiến hành cổ phần hóa, đồng thời Xí nghiệp xây dựng số 8 cũng giải thể. Dù vẫn đảm nhiệm chức vụ PGĐ Công ty nhưng cá nhân ông Ý không được thông báo về việc công ty tiến hành cổ phần hóa, không được sắp xếp vào vị trí nào trong công ty, hay quyết định nghỉ việc nào.

Khi công việc cổ phần hóa tại Công ty xây dựng số 6 đâu vào đó, thì không lâu sau đó ông nhận được 3 quyết định do GĐ Công ty là ông Nguyễn Bá Hoan ký về việc giải quyết cho ông nghỉ theo chế độ dôi dư, đồng thời hoàn tất thủ tục để nhận tiền trợ cấp. Khi ông Ý đến làm thủ tục để nhận tiền chế độ thì bị yêu cầu đối chiếu công nợ theo Quyết định số 648/GĐ-TCKT.

Không hề hay biết mình nợ công ty khi nào mà lên tới hơn 860 triệu đồng, một khoản nợ vô lý nên ông Hoàng Xuân Ý không chấp nhận và yêu cầu phía công ty phải đối chiếu lại công nợ.

“Phía công ty đã hoàn toàn sai về đối tượng thu hồi nợ. Bởi vì đây là nợ công của Xí nghiệp xây dựng số 8 không phải nợ của cá nhân tôi. Mọi khoản vay vốn, tài khoản đều đứng tên của Xí nghiệp xây dựng số 8 doanh nghiệp nhà nước không phải là của cá nhân. Họ căn cứ vào quyết định này để trừ tiền lương, tiền chế độ nghỉ dôi dư, không làm hồ sơ để giải quyết chế độ cho tôi theo quy định là hoàn toàn sai”, ông Ý bức xúc.

Đơn ông Ý khởi kiện Công ty xây dựng số 6 ra tòa.
Đơn ông Ý khởi kiện Công ty xây dựng số 6 ra tòa.

Trao đổi với PV Dân trí, LS. Trần Thị Thúy - Công ty luật Hợp danh Thái Bình Dương phân tích: Tại Quyết định 648/QĐ-TCKT của Công ty xây dựng số 6 (Cty XD) là hoàn toàn sai về đối tượng thu hồi nợ. Bởi vì ông Hoàng Xuân Ý - nguyên GĐ đốc Xí nghiệp xây dựng số 8 (gọi tắt là XNXD số 8) từ năm 1994 và nguyên Bí thư Đảng ủy - PGĐ Công ty xây dựng số 6 từ năm 1998 đến năm 2006. Ông Hoàng Xuân Ý không phải là người lao động bình thường tại Công ty 6. Ông Ý cũng không phải là người ngoài Công ty XD số 6, mà là GĐ XNXD số 8, là Bí thư Đảng ủy công ty, là PGĐ Công ty làm nhiệm vụ quản lý XNXD số 8 và quản lý công ty theo Quyết định và ủy quyền của GĐ Công ty XD số 6.

Ngày 21/9/2004, GĐ Công ty xây dựng số 6 ban hành Quyết định số 648/GĐ-TCKT yêu cầu ông Hoàng Xuân Ý phải thanh toán số nợ hơn 860.000.000 đồng. Ông Hoàng Xuân Ý khẳng định, đây là số nợ xuất phát từ hoạt động kinh doanh của XNXD số 8 và Công ty 6. Các khoản tiền cơ chế đều xuất phát từ các công trình do công ty ký kết hoặc ủy quyền cho XNXD số 8 ký kết và giao cho XNXD số 8 thực hiện. Các khoản tiền huy động vốn, khấu hao tài sản cố định đều đứng tên XNXD số 8. Không có khoản nợ nào đứng tên cá nhân ông. Vì vậy, ông Hoàng Xuân ý chỉ là người đại diện cho XNXD số 8, đại diện cho Công ty 6 dưới sự ủy quyền của GĐ công ty thực hiện nhiệm vụ.

LS Trần Thị Thúy phân tích: tại điều 93 Bộ luật dân sự quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân” (khoản 1). “Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện” (khoản 3 Điều 93 Bộ luật dân sự).

Quyết định thu nợ của Công ty xây dựng số 6 đối với ông Ý mỗi tháng 850 ngàn đồng.
Quyết định thu nợ của Công ty xây dựng số 6 đối với ông Ý mỗi tháng 850 ngàn đồng.

“Việc ông Ý bị "gán nợ" hơn 860 triệu đồng theo Quyết định số 648/QĐ-TCKT ngày 21/9/2004 là nợ xuất phát từ hoạt động kinh doanh của XNXD số 8 (trực thuộc công ty 6). Do đó, ông Ý không phải vay mượn hoặc nợ của công ty. Số nợ này, là nợ của XNXD số 8 đối với Công ty 6. Cho nên, Công ty 6 phải ban hành Quyết định thu hồi nợ đối với XNXD số 8 mới đúng.

Ông Hoàng Xuân Ý chỉ là người đại diện cho XNXD số 8, thực hiện quản lý hoạt động của XNXD số 8 và của Công ty 6. Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 93 BLDS thì ông ấy không phải chịu trách nhiệm về số nợ của XNXD số 8”, LS Thúy phân tích thêm.

Vì vậy, việc giám đốc công ty 6 ban hành Quyết định 648/QĐ-TCKT yêu cầu ông Hoàng Xuân Ý phải thanh toán 860.000.000 đồng cho công ty là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ý.

Trừ tiền lương của ông Hoàng Xuân Ý là vi phạm pháp luật

Cũng theo LS Trần Thị Thúy, sau khi ban hành Quyết định số 648/GĐ-TCKT ngày 12/9/2004, ngày 04/10/2004, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Công ty xây dựng số 6 tiếp tục ban hành Quyết định số (không số)/GĐ-TCKT quyết định thu hồi nợ của ông Hoàng Xuân Ý qua lương kể từ tháng 8/2004, số tiền thu là 850.000 đồng/tháng.

Căn cứ Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002, công ty chỉ được trừ tiền lương của người lao động trong những trường hợp sau:

Việc thu hồi tiền công ty đã tạm ứng tiền lương cho người lao động khi bản thân hoặc gia đình người lao động gặp khó khăn; khi người lao động phải tạm thời nghỉ việc để làm nghĩa vụ công dân từ một tuần trở lên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 67 BLLĐ

Công ty thu hồi tiền tạm ứng tiền lương khi người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo khoản 3 Điều 67 của BLLĐ.

Công ty thu hồi tiền bồi thường thiệt hại về tài sản, vật chất do người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất theo quy định tại Điều 89 BLLĐ.

Như vậy, trong trường hợp của cá nhân ông Hoàng Xuân Ý không nằm trong các trường hợp bị trừ lương theo quy định của nghị định 114/2002/NĐ-CP. Do đó, công ty 6 trừ tiền lương của ông Hoàng Xuân Ý là vi phạm pháp luật về lao động.

Bên cạnh đó, Điều 43, Bộ luật lao động sửa đổi năm 2002 quy định: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”.

Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH, ngày 22/11/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi giải quyết chế độ cho người lao động: (điểm d, mục 1, phần IV).

+ Làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

+ Trong thời hạn 7 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận được kinh phí từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư, doanh nghiệp có trách nhiệm trả trực tiếp, một lần tại doanh nghiệp cho người lao động các khoản trợ cấp theo phương án đã được phê duyệt”. (điểm d, mục 1, phần IV).

LS. Trần Thị Thúy - Công ty luật Hợp danh Thái Bình Dương.
LS. Trần Thị Thúy - Công ty luật Hợp danh Thái Bình Dương.

Khi chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động ngoài việc có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động (Điều 43 BLLĐ), còn có trách nhiệm: “Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc” (điểm c, khoản 1 Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội).

Như vậy, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được kinh phí, Công ty có trách nhiệm phải trả trợ cấp, trả hồ sơ BHXH cho ông Hoàng Xuân Ý.

Tuy nhiên, đã hơn 10 năm ông Hoàng Xuân Ý vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp lao động dôi dư, chưa được nhận lại hồ sơ BHXH theo quy định của Bộ luật lao động và Nghị định 41/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước (số tiền mà ông Hoàng Xuân ý được nhận trợ cấp là 76.000.000đ).

Việc làm trên của công ty là vi phạm quy định của Bộ luật lao động, Nghị định 41/2002/NĐ-CP, Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH, là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Ý.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung vụ việc trên.

Nguyễn Duy