“Loạn” thu phí đến bao giờ?

Báo Nông thôn ngày nay ngày 6/4/2009 có bài “Nông dân vẫn oằn lưng đóng phí” phản ánh hiện tượng “loạn thu phí” vẫn đang hoành hành ở một số xã thuộc tỉnh Tiền Giang.

Tưởng như chuyện này đã “đi vào dĩ vãng” nhưng không ngờ nó vẫn tồn tại, như một vết thương nhức nhối.  

Khốn đốn vì quá nhiều loại phí

Bài báo cho biết: Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy xã Hòa Định, Chợ Gạo, Tiền Giang phải đóng phí xây dựng giao thông nông thôn cả nợ cũ và đóng mới là 700.000 đồng; xã quy định mỗi năm phải đóng 20.000 đồng quỹ đền ơn đáp nghĩa và 30.000 đồng tiền xây dựng giao thông nông thôn trên mỗi công đất (bằng 1/10 hoặc 1/7 héc ta). Xã Bàn Long, Châu Thành thu đến 370.000 đồng tiền xây dựng đường bê tông/công đất. Anh Nguyễn Văn Miên (xã Quơn Long) là con liệt sĩ cũng phải đóng quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (xã Hòa Định) bức xúc: “Quá nhiều loại phí mà tôi không thể nhớ hết. Xã nói là đóng tự nguyện, nhưng lại quy định mức thu. Ai không đóng thì cán bộ của xã liên tục xuống “vận động”. Họ xuất hiện nhiều và nói này nói nọ chẳng khác gì “buộc” chúng tôi phải đóng”.

Bà Trần Thị Diệu, xã Bàn Long, huyện Châu Thành buộc phải vay mượn nộp đủ cho xã gần 2,5 triệu đồng thì mới được làm giấy tờ đất…Nhiều người dân xã này phải è cổ ra mà đóng phí: ông Hai Bé phải đóng gần 5 triệu, ông Ba Dừa phải đóng gần 7 triệu, bà Nguyễn Thị Kim Mỹ vừa thoát nghèo cũng phải đóng mức 370.000 đồng/công đất. 

Bài báo đăng ảnh ông Hồ Xắn O, xã Bàn Long, Châu Thành, đã 85 tuổi, sức yếu, nghèo nàn vẫn đang “nợ” tiền làm đường của xã.       

Năm 2007, báo Nông thôn ngày nay có loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” khiến dư luận bức xúc. Đầu năm 2009, lại xuất hiện tình trạng xà xẻo tiền hỗ trợ ăn Tết của người nghèo xẩy ra hầu khắp trên địa bàn cả nước. Tình trạng tiêu cực ở các địa bàn nông thôn vẫn còn xẩy ra, mối quan hệ giữa cán bộ và người dân vẫn còn những biểu hiện thiếu “thân thiện”.

Điều đáng nói là những vi phạm như vậy diễn ra trên diện rộng, trong thời gian dài và có nhiều biểu hiện nghiêm trọng.

Sự việc này cho thấy những góc khuất trong công tác quản lý cán bộ, trong việc triển khai quy chế dân chủ cơ sở và việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp và nông thôn, nông dân, hoàn toàn xa lạ với bản chất của chế độ. Vì vậy, cần có những đề án, giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

“Loạn thu phí” - phép nước thua lệ làng  

Trước tình trạng “loạn thu phí” trái pháp luật, gây bất bình trong nhân dân, ngày 01 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg, nêu rõ: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.                       

Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây”.

Về nguồn thu của Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Điều 1 “Điều lệ quản lý và sử dụng quỹ đền ơn đáp nghĩa” (Ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ) quy định: “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng bằng sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm và tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng”.

Như vậy, về mặt pháp lý, các văn bản của nhà nước đã rất đầy đủ, rõ ràng, nhưng hầu như chưa được phổ cập đến cơ sở, hoặc do cán bộ cơ sở cố tình lờ đi để thực hiện mục tiêu “tận thu” của mình. Một số địa phương ra những quy định buộc người dân phải đóng góp, hoặc một đằng thì nói tự nguyện nhưng mặt khác lại giao chỉ tiêu, hoặc coi việc đóng góp như một điều kiện để cấp, chứng nhận các loại giấy tờ vốn là chức năng của chính quyền địa phương.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Bệnh thành tích, tâm lý vụ lợi, quyền uy của một số cán bộ cơ sở là nguồn gốc của tình trạng “loạn thu phí” hiện nay.      

Người dân vốn “không thích lôi thôi” với chính quyền, lại không hiểu biết về luật pháp nên đành bấm bụng nộp, mặc dù nhiều người hoàn cảnh rất khó khăn và không biết những khoản tiền chắt chiu của mình được sử dụng như thế nào.                      

Vì vậy, để chống “loạn thu”, giải pháp đầu tiên nên tính đến là phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến tận người dân. Khi người dân đã nắm rõ các quy định của pháp luật, cán bộ không dễ tự tiện làm trái mà không bị phản ứng.

Mặt khác, theo chúng tôi, một nguyên nhân quan trọng khiến hiện tượng tiêu cực diễn ra trầm trọng và kéo dài là do chúng ta chưa có cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin chống tiêu cực từ phía người dân một cách nhanh chóng, tích cực. Đa số người dân đều cho rằng có sự bao che, nâng đỡ từ phía các cơ quan cấp trên cho các cán bộ cơ sở có sai phạm. Nhiều hành vi tiêu cực đã bị phát hiện tố cáo song quá trình xử lí lại thường chậm trễ và nếu có thì thường “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí có hiện tượng lãnh đạo cấp dưới sai phạm lại chuyển lên cấp cao hơn.

Có gì bất thường khi mà hầu hết các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phanh phui và lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhiều sự việc gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mà đáng ra có thể tránh được nếu như cơ quan chức năng có sự phản ứng kịp thời, tích cực từ thông tin do người dân cung cấp. 

Từ đó, cần gấp rút xây dựng những hành lang pháp lý quy định việc tiếp nhận và xử lý thông tin trong mối quan hệ nhà nước-công dân một cách nhanh chóng, tích cực. Cần có chế tài xử lý đối với những cơ quan quản lý cấp trên chậm trễ trong việc xử lý thông tin chống tiêu cực hay xử lý không thỏa đáng. Hiện nay, với sự phát triển của mạng điện thoại và internet, thì việc trao đổi thông tin giữa người dân và cơ quan công quyền hết sức dễ dàng. Vấn đề là ở chỗ người quản lý có thực sự muốn nghe “tiếng dân” hay không mà thôi.          

Một trong những nguyên nhân khiến cho tệ nạn tham nhũng ở Phần Lan hầu như bị triệt tiêu là do việc tố các hành vi tham nhũng hết sức thuận tiện. Người dân chỉ cần ngồi ở nhà và gửi qua email, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng xác minh và xử lý.  

Đó là chuyện bên Tây. Ở ta có một người viết đơn phản ánh những tiêu cực trong nội bộ đơn vị và nộp cho cơ quan cấp trên. Xin lưu ý là nếu không quá bức xúc hay tình trạng vi phạm không quá nghiêm trọng thì không ai làm thế. Thay vì tiếp nhận đơn và xác minh sự việc, người cán bộ phụ trách cơ quan tiếp dân của huyện nọ cứ “xoay” người viết đơn rằng đây là đơn khiếu nại hay đơn tố cáo!

Nhiều đơn tố cáo tiêu cực lại được “kính chuyển” cho chính đối tượng bị tố cáo để “xem xét, giải quyết, trả lời”.

Nhiều người tố cáo tiêu cực bị quy kết là tố cáo vì “động cơ cá nhân”, và đơn của họ không được xem xét. Đây là một quan niệm hết sức phi lý. Cứ cho là ai đó tố cáo vì động cơ cá nhân (có ai hành động mà không có “động cơ cá nhân” đâu), miễn là có tiêu cực thì phải xử lý chứ. (Còn chuyện tố cáo sai sự thật thì người tố cáo sẽ bị xử lý, cái đó các cơ quan chức năng đã nắm rất rõ).

Cứ làm khó người tố cáo tiêu cực kiểu đó, thì không biết bao giờ mới chống được tiêu cực.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng thiết tha mong mỏi: “Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu…”. Dân là gốc;  không vun gốc, cây khó mà tốt tươi, bền vững, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Gốc có vững, cây mới bền-Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.        

Trần Quang Đại

LTS Dân trí - Với bản chất của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân của chúng ta, các cấp chính quyền luôn có trách nhiệm lắng nghe ý kiến người dân và xử lý kịp thời những điều băn khoăn thắc mắc cũng như những dơn khiếu nại, tố cáo của người dân.

Nhằm khắc phục tình trạng “loạn thu” những khoản phí không hợp lý đối với người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị bãi bỏ những khoản đóng góp không đúng quy định hoặc không đúng với tinh thần tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng thu phí tràn lan vẫn còn tồn tại ở một số vùng nông thôn, gây ra nhiều khó khăn và tạo nên sự bất bình của người dân.

Các cấp chính quyền ở các địa phương này đã sâu sát và lắng nghe ý kiến của người dân hay chưa mà không ngăn chặn kịp thời tình trạng thu phí vô lý như vậy ?!