Đắk Nông:

Lấy đất rừng phòng hộ để sản xuất, người dân “đòi” tiền hỗ trợ, đền bù?

(Dân trí) - Sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho hơn 1700 ha để trồng và bảo vệ rừng phòng hộ theo quy hoạch thì người dân liên tục vào diện tích đất của Công ty Phú Gia Phát để xâm canh, huỷ hoại rừng vừa trồng. Người dân cho biết, họ là người khai phá nên muốn vào trồng rừng thì… phải đền bù, hỗ trợ.

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, tại tiểu khu 1260 (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô) có khoảng 300 hộ đang xâm canh trên đất rừng phòng hộ. Trong đó có 75 hộ dân xã Buôn Chóah; hơn 100 hộ xã Đắk Drồ và TT. Đắk Mâm (huyện Krông Nô) và một số hộ của huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk).

Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) cho biết, phần lớn người dân trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chỉ có 3 hộ trồng cây công nghiệp dài ngày. Về nguồn gốc đất, khu vực trên là đất rừng phòng hộ, người dân xâm canh thành đất sản xuất.

Được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất nhưng giữa công ty và người dân xâm canh trái phép liên tục xảy ra tranh chấp
Được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất nhưng giữa công ty và người dân xâm canh trái phép liên tục xảy ra tranh chấp

Một cán bộ huyện Krông Nô cho hay, đất tại tiểu khu 1260 đều không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn ngang nhiên sang nhượng, mua bán dù đây là đất rừng phòng hộ và đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH TMDV SX KS Phú Gia Phát (Công ty Phú Gia Phát).

Theo vị cán bộ này, đây là điểm nóng về việc tranh chấp đất đai nhiều năm nay, do phía công ty triển khai kế hoạch trồng rừng phòng hộ, trong khi người dân kiên quyết không trả nếu không được nhận tiền đền bù.

Ông Trần Mạnh Hùng (trú thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóah) cho biết, gia đình ông đến đây sinh sống từ đầu năm 2003, khi ấy khu đất rộng khoảng 2,8 ha không ai canh tác nên gia đình ông đến phát cỏ, tỉa hoa màu. “Nếu muốn chúng tôi trả lại đất, đơn vị trồng rừng phải đền bù cho gia đình tôi”, ông này nói.

Cây rừng và cơ sở vật chất liên tục bị người dân phá, nhổ bỏ để xâm canh
Cây rừng và cơ sở vật chất liên tục bị người dân phá, nhổ bỏ để xâm canh

Tương tự, ông Trần Quý Mãn (trú thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóah) cũng cho hay, từ năm 2001 gia đình ông đã canh tác 4,8 ha đất ở tiểu khu 1260. Nguồn gốc của đất là do họ tự khai phá từ những năm 90 của thế kỷ trước và canh tác từ đó đến nay mà không xảy ra tranh chấp với bất cứ ai. “Chúng tôi chấp nhận chuyển đi nhưng nhà nước phải kiếm đất hoặc hỗ trợ chúng tôi đi nơi khác mua đất để làm”, ông Mãn kiên quyết.

Được biết, đây là dự án trồng rừng phòng hộ (trồng rừng không thu hoạch gỗ mà nhằm tạo cảnh quan môi trường sinh thái) nên theo đơn vị trồng rừng, Công ty chỉ thực hiện theo kế hoạch được UBND tỉnh giao, chứ không thể đền bù. Tuy nhiên, các hộ dân đang xâm canh trên diện tích đất trên một mực yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ thì mới chấp nhận trả lại đất.

Sự việc nhiều lần được đẩy lên cao, khiến cho người dân và công ty xảy ra xô xát. Điển hình là ngày 26/5 khi các hộ dân thuộc xã Buôn Choáh, Buôn Ol (TT. Đắk Mâm) chia làm 2 tốp chặn xe vận chuyển cây trồng đồng thời tổ chức nhổ, bẻ cây rừng mới trồng tại khoảnh 3, tiểu khu 1260. Chiều cùng ngày, khoảng hơn 100 người kéo vào lán cùng nhau đập phá đồ đạc, phá sập lán trại 100m2 của công ty. Vụ xô xát khiến 3 người bị thương.

Thay thế cây rừng phòng hộ bằng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày
Thay thế cây rừng phòng hộ bằng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày

Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 10.934 cây, gồm muồng, hương, cà te, sao, dầu bị nhổ, bẻ gốc, toàn bộ máy móc thiết bị đều bị phá. Nghiêm trọng hơn, người dân còn đốt, đập phá 15 chiếc xe máy và 1 nhà ở của công nhân trồng rừng, gây thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Ngay sau đó, Cơ quan công an huyện Krông Nô đã ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại tài sản nhưng nhiều đối tượng có liên quan vẫn chưa bị khởi tố đề điều tra, xử lý về hành vi này.

Ông Lê Minh Quân, Phó giám đốc Công ty Phú Gia Phát cho biết, đây là dự án trồng rừng phòng hộ, phục hồi môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch Hang Động núi lửa. Công ty đã nhiều lần vận động, tuyên truyền và đưa ra các giải pháp để cùng bà con phát triển như: giao khoán cho bà con trồng rừng, cho mượn đất canh tác một số loại cây nông nghiệp mà không che khuất cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng…

““Ngoài ra, đối với người dân tham gia trồng lại rừng, bà con được nhận toàn bộ kinh phí trồng (tiền công) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ 39 triệu đến 44 triệu đồng/ha/4 năm tuỳ từng khu vực. Tuy đã vận động và giải thích nhưng chỉ có một số người dân chấp nhận trả lại đất, phần lớn còn lại tiếp tục xâm canh và huỷ hoại cây rừng do công ty trồng gây thiệt hại rất lớn về tài sản đồng thời ảnh hưởng tới kế hoạch phục hồi rừng”, ông Quân cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Thịnh, Đoàn luật sư Đắk Lắk cho biết, theo quy định tại Điều 75,76,83 Luật Đất đai năm 2013 thì những hộ gia đình, cá nhân xâm canh, sản xuất trên đất được quy hoạch để trồng rừng phòng hộ không thuộc diện đền bù, bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Hành động sản xuất và phá hoại cây rừng (kể cả cây mới trồng) của người dân đều là hành vi vi phạm pháp luật.

PV