Ba phút cùng luật sư:

Lăng mạ, tấn công cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ bị xử phạt thế nào?

(Dân trí) - Từ “tâm điểm” quận 1 (TPHCM), hoạt động xử lý nạn lấn chiếm lòng, lề đường đang được mở rộng ở các đô thị trên cả nước và được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè bị người vi phạm chửi bới, thậm chí là bị hành hung.

Nhiều người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán phản ứng gay gắt khi bị cơ quan chức năng dẹp bỏ phần lấn chiếm cũng là điều dễ hiểu vì ảnh hưởng lớn đến hoạt động làm ăn của họ. Tuy nhiên, theo luật sư, việc lăng mạ, tấn công đoàn chức năng đi dọn dẹp vỉa hè là hành động rất nguy hiểm vì có khả năng bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ giải đáp rõ hơn các hình thức xử lý đối với hành vi lăng mạ, tấn công cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè.

Lăng mạ, tấn công cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ bị xử phạt thế nào?

Thời gian qua, chủ trương xử lý nạn lấn chiếm lòng, lề đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các vi phạm này, những cán bộ thi hành công vụ thường xuyên gặp sự phản ứng từ phía những người vi phạm, thậm chí có trường hợp bị tấn công. Vậy, dưới góc nhìn pháp lý, các hành vi cản trở, tấn công cán bộ, người thi hành công vụ trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ phải đối mặt với những hình thức xử phạt nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.”

Như vậy, hành vi tấn công những cán bộ tham gia công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè được xem là hành vi tấn công người thi hành công vụ. Tùy theo mức độ mà người có hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư, hành vi lăng mạ hay tấn công cán bộ dẹp vỉa hè đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư, hành vi lăng mạ hay tấn công cán bộ dẹp vỉa hè đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Cụ thể là sẽ xử lý như thế nào thưa ông?

Nếu mức độ vụ việc không nghiêm trọng, hành vi của người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cụ thể là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Nếu vụ việc nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 257 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Còn phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần hoặc Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Trong trường hợp các cán bộ tham gia thường dẹp vỉa hè bị người dân phản ứng bằng hành vi chửi mắng, lăng mạ thì có bị xử lý gì không thưa luật sư?

Nếu là tranh luận hay phản ứng thông thường thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Còn người nào có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi này sẽ bị xử phạt theo khoản 2 điều 20 Nghị định 167/2013 của Chính phủ, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Nếu hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009”.

Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)