Thanh Hóa:

Lạm thu đầu năm học: Thu thì dễ… trả lại khó!

(Dân trí) - Thực tế việc lạm thu ở trường học đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Phụ huynh học sinh bức xúc nhưng cũng đành “cắn răng” chịu đựng không phản ánh được với ai hoặc có chăng phản ánh cũng không đến nơi hoặc không được để ý đến.

Cứ đến đầu năm học, các phụ huynh học sinh phải cố gắng lo liệu các khoản đóng góp lên tới vài triệu đồng (thường là trên 3.000.000/học sinh cấp tiểu học). Một số tiền không hề nhỏ và quá sức đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Những năm trước vấn đề này cũng được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhưng xem ra các địa phương coi như sự việc không xảy ra trên địa bàn mình. Và rồi vụ việc lại rơi vào im lặng cho đến khi năm học qua đi và năm học mới lại đến.

Lạm thu đầu năm học: Thu thì dễ… trả lại khó!   - 1
Nhiều trường học để xảy ra tình trạng lạm thu, tuy nhiên vấn đề thanh kiểm tra và xử lý vẫn chưa được làm mọt cách mạnh mẽ và quyết liệt từ ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng như các địa phương.

Năm học mới 2011 - 2012, một lần nữa, các phương tiện thông tin đại chúng lại gióng lên hồi chuông cảnh báo và chỉ đích danh đến từng khoản thu ở một trường cụ thể thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương sở tại mới bắt đầu vào cuộc và bắt đầu từ văn bản số 5584/BGD ĐT-KHTG ngày 23/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Thanh Hoá, tiếp theo công văn của Bộ Giáo dục là các văn bản số 1021/SGD&ĐT-KHTC ngày 19/7/2011 và số 1399/SGD&ĐT-KHTC ngày 28/9/2011của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các khoản thu trong các trường học và cơ sở giáo dục - năm học 2011 - 2012. Tuy nhiên, bất chấp các văn bản của Sở, các trường vẫn lạm thu nhiều khoản. Và chính quyền đã phải vào cuộc.

Ngày 07/10/2011, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra văn bản số 6762/UBND-VX về việc "Tiếp tục chấn chỉnh lạm thu đối với các trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch thành phố, các huyện, thị tiếp tục gửi văn bản chỉ đạo các trường rà soát và chi trả các khoản thu trái qui định cho học sinh.

Ngày 5/11/2011, trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa mới tiến hành họp phụ huynh để thông báo các khoản trả thu sai qui định và phải hoàn trả gồm các khoản: Tiền xây dựng trường: 600.000đ; tiền điện, nước, vệ sinh, bảo vệ, ..: 192.000đ; tiền đóng góp sửa chữa, bảo trì phòng máy tính: 15.000đ/tháng; tiền thu vượt qui định tiền bán trú; tiền học tin học.

Tuy nhiên, với đủ các lý do khó khăn, nhà trường đã quyết vận động các phụ huynh "tự nguyện" ủng hộ nhà trường khoản thu: Tiền điện, nước, vệ sinh, bảo vệ ... là 192.000đ bằng cách ký vào sổ "tự nguyện ủng hộ". Còn các khoản khác thì cũng không thông báo thời gian trả lại.

Một điều đáng nói nữa là hầu hết các khoản thu đáng nhẽ phải đóng hàng tháng thì hầu hết các nhà trường đều đóng tiền liền một lần vào đầu năm học như các khoản: Học phí, tiền học bán trú, tiền học tin học, ... gây khó khăn thêm cho các bậc phụ huynh. Như vậy có phải là lạm dụng quyền hạn không? Số thu này sẽ được quản lý như thế nào tại các trường? Nếu sòng phẳng thì khi hoàn trả phải được tính lãi đầy đủ cho các phụ huynh, nhưng chỉ trả mỗi tiền gốc cũng cố tình dây dưa không thực hiện.

Vậy tại sao khi thu tiền của các phụ huynh thì dễ mà đến khi hoàn trả lại khó như đến vậy? Phải chăng phường Lam Sơn và Ban giám hiệu trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cố tình tìm cách né tránh các chỉ đạo của chính quyền cấp trên là UBND thành phố Thanh Hoá và UBND tỉnh cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá.

Không biết đến bao giờ mới thực sự chấm dứt được việc lạm thu ở các trường học? Và đến bao giờ mới có sự minh bạch, công khai rõ ràng các dạy - học, thu - chi ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo tính "công bằng - dân chủ - văn minh" trong các trường học?

Là một người dân và cũng là một phụ huynh tôi rất mong ngành Giáo dục cũng như các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng cần kiên quyết hơn nữa trong các vấn đề thu - chi, vấn đề dạy thêm - học thêm tại các cơ sở giáo dục hiện nay để người dân nghĩ về người thầy, cô với ý nghĩ tôn nghiêm, kính trọng thực sự.

Từ những bức xúc của phụ huynh học sinh, phóng viên Dân trí, đã trao đổi với thầy Lê Đình Huy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám để tìm hiểu cụ thể: “Thực hư như thế nào thì chúng tôi đã triển khai trong cuộc họp phụ huynh rồi. Những đơn vị nói đi đôi với làm như chúng tôi lại gặp rắc rối!? Cấp trên chưa thấu hiểu những khó khăn về cơ sở vật chất ở dưới. Về phía nhà trường khi họp phụ huynh chúng tôi đã nêu ra các giải pháp, nếu phụ huynh nào không ủng hộ thì chúng tôi sẽ trả lại các khoản như vệ sinh, tiền điện, nước uống, bảo vệ…”, thầy Huy cho biết.

Lạm thu đầu năm học: Thu thì dễ… trả lại khó!   - 2
Cần chấm dứt tình trạng lạm thu tại các trường tránh gây bức xúc trong dư luận và giới phụ huynh.

Về phía lãnh đạo phường Lam Sơn, bà Nguyễn Thị Ngà, Phó chủ tịch UBND phường Lam Sơn giải thích: “Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm sau khi cấp trên có văn bản chỉ đạo. Phường đã chỉ đạo các trường họp toàn bộ phụ huynh để thông báo các văn bản của các cấp. Báo cáo các khoản thu với phường, nếu khoản nào sai thi phải trả lại. Riêng tiền đóng góp xây dựng, vì mới thu 80% và công trình đang xây dựng nên địa phương đang mất cân đối về vốn, chúng tôi đang đề nghị với thành phố hỗ trợ để có nguồn trả lại cho phụ huynh. Trên thực tế, vấn đề xây dựng cơ sở vật chất ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi triển khai chủ trương, cách làm của các trường không đúng gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Để giáo dục phát triển thực sự rất cần đến sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Cách làm của các trường là sai”.

Hiện nay, vấn đề lạm thu không chỉ xảy ra tại một vài trường, một vài địa phương mà rất nhiều trường trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên qua công tác thanh, kiểm tra vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ mới kiểm tra được 14 đơn vị, trong khi đó, có nhiều trường để xảy ra tình trạng lạm thu đã được các phương tiện truyền thông phản ánh vẫn chưa bị “sờ gáy” gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
 
Liệu Sở GD&ĐT Thanh Hóa có “giơ cao đánh khẽ”, xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”?. Những vấn đề này cần phải được làm rõ, không chỉ để chấn chỉnh tình trạng trên mà để nó không còn tái diễn ở các năm học tiếp theo.

Phụ Huynh - Duy Tuyên