Làm sao để có chữ Tâm?

Diễn đàn Dân trí đã có bài viết cảnh báo về tình trạng thiếu hụt chữ Tâm trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội ta. Quả thật chữ Tâm cần lắm, cần ở mọi lúc, mọi nơi, mọi việc và cần cho mọi người. Vậy chữ Tâm được biểu hiện như thế nào?

Nguyên nhân thiếu hụt chữ tâm là do đâu ? 

Theo suy nghĩ của tôi, chữ "Tâm" không chắc đã đào tạo được bởi nó được thể hiện trong cuộc sống một cách tự nhiên dưới muôn vàn hình vẻ và không có khuôn mẫu, không có chuẩn mực rõ ràng... Hình thức biểu hiện có thể giống nhau nhưng nội dung, hàm ý có thể khác nhau một trời một vực. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Một người có thể có "Tâm" với việc này lại không có "Tâm "  với việc kia...

Phải chăng người có "Tâm" với một công việc nào đó thường thể hiện sự say sưa và hết mình cho công việc đó? Khi nào chúng ta có thể hết mình cho công việc? Phải chăng đó là một công việc chúng ta yêu thích, đúng với sở trường của mình, và đem lại lợi ích thực sự trong cuộc sống?

Điều này liên quan tới việc chọn ngành nghề, chọn công việc của mỗi người trong xã hội.

Một giáo viên làm sao có chữ "Tâm" khi họ không yêu thương con trẻ và mong muốn dẫn dắt con trẻ khám phá sự hiểu biết trong thế giới bao la ...để con trẻ tìm thấy hứng thú và biết nuôi những ước mơ trong cuộc đời?

Một bác sĩ làm sao có chữ "Tâm" khi họ không yêu nghề, không có sự cảm thông trước nỗi đau của người bệnh?

Một đầu bếp làm sao có chữ "Tâm" khi vô cảm trong công việc chế biến các món thức ăn, không tìm thấy hứng thú trong công việc này?

Một nhà kinh doanh chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì có thể có chữ "Tâm" hay không?

Việc chọn ngành nghề theo cảm tính, không dựa trên cơ sở nào, hoặc bị động thực hiện theo ý muốn của cha mẹ, lời khuyên của bạn bè... là một trong những nguyên nhân gây ra thiếu chữ "Tâm" trong công việc.

Việc sắp xếp nhân sự không dựa trên cơ sở năng lực và nguyện vọng của cán bộ, mà chỉ là sự áp đặt hoặc theo tình cảm cá nhân,... cũng là một trong những nguyên nhân gây ra thiếu chữ "Tâm" trong công việc...

Ngày nay khi chọn nghề vào đời hay sắp xếp nhân sự có thể tham khảo thêm các trắc nghiệm tâm lý đánh giá tiềm năng trí tuệ, sở trường, nguyện vọng đích thực... của người dự tuyển. Chỉ tiếc rằng nhiều khi do chủ quan, sự định kiến, tầm nhìn hạn chế…đã ảnh hưởng đến việc chọn nghề cũng như cơ hội được sống, được làm việc với chữ "Tâm" của mỗi người. Và từ chỗ thiếu hụt chữ "Tâm", mọi sự cố có thể nảy sinh và dẫn tới hậu quả khó lường trong cuộc sống.

Lâm Âu
vanlam@fpt.vn

LTS Dân trí - Vấn đề  của tác giả viết bài trên đây đặt ra khá rộng và lý thú về những chủ đề xoay quanh chữ Tâm, nhưng mới góp bàn được một phần.

Có đúng là việc chọn nghề có ảnh hưởng quyết định đến chữ Tâm trong khi hành nghề? Chữ Tâm có những biểu hiện như thế nào và có liên quan gì với đạo đức và nhân cách con người hay không? Cần làm gì để trau dồi và nuôi dưỡng chữ Tâm trong mỗi chúng ta? Và có thể dạy học sinh chữ Tâm được không ?

Đấy là những vấn đề bổ ích và thiết thực đối với cuộc sống hôm nay. Rất mong nhận được ý kiến tiếp tục trao đổi về chủ đề này gửi đến Diễn đàn Dân trí Điện tử.