Làm sao các bé lớp 1 phải khổ thế?

Tôi là một người mẹ có con gái 5 tuổi, còn một năm nữa cháu mới phải đi học, nhưng ngay từ bây giờ tôi đã thấy rất lo lắng vì con mình sắp trở thành… “nạn nhân” của lớp1!

 

Đọc trên hầu hết các mặt báo đều thấy đăng tải những bài viết của bạn đọc khắp mọi miền về thực trạng giáo dục phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học và đáng lưu tâm hơn nữa là đối với các cháu bé mới vào lớp Một. Tôi thực sự bức xúc vì đối tượng của thực trạng này là các cháu bé, nghĩa là vừa mới chập chững qua tuổi mầm non để bước vào làm quen với mặt chữ, mặt số, tập viết, tập đọc, tập làm tính... Vậy mà với cách giáo dục lớp Một như thế này, các bé đã phải chịu quá nhiều áp lực, mất ăn mất ngủ, bỏ cả các thói quen được đàn hát, vui chơi,... khi ở nhà với gia đình để dồn hết sức lực và thời gian ít ỏi của buổi tối vào việc làm bài tập.

 

Điều tôi muốn nêu lên ở đây để các bậc phụ huynh cùng suy nghĩ và bàn luận, đó là: việc con cháu chúng ta phải chịu khổ sở như vậy là do đâu? Chúng ta phải cùng nhau tìm cho ra câu trả lời, bởi lẽ trước khi mong cho các con thành TÀI, tôi tin chắc rắng điều quan trọng đầu tiên các bậc làm cha mẹ mong muốn là con cái mình được KHỎE MẠNH và HẠNH PHÚC.

 

Với câu hỏi nêu trên, tôi xin phép đưa ra ý kiến trả lời ban đầu: Chắc chắn không phải do cha mẹ muốn con mình phải chịu áp lực như vậy ngay khi vào lớp Một.

 

Từ bài viết “Nỗi lòng người cha có con sau 3 tuần vào lớp Một” và vô số bài viết khác đến từ các bậc phụ huynh khắp cả nước, TP Hà Nội, tôi có thể khẳng định một điều rằng phần lớn cha mẹ đều rất:

 

- Khổ sở - vì thương và lo cho con.

 

- Bức xúc - với thực trạng dạy học lớp Một nói riêng và giáo dục phổ thông nói chung.

 

- Cuối cùng thì mỗi người đành tự tìm lấy cho mình một giải pháp khác nhau. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá có thể cho con theo học các trường tư, chi phí trung bình từ 3-4 triệu/ tháng, nhưng bù lại có thể yên tâm hơn một chút vì chí ít nếu có vấn đề gì thì phụ huynh còn có thể trao đổi hay góp ý trực tiếp với cô giáo hoặc hiệu trưởng nhà trường mà không e ngại “có nên không hay kẻo rồi con mình lại phải chịu hậu quả” như nỗi lòng người cha trong bài viết này. Một số gia đình khác may mắn có người quen hoặc cố mà tìm ra mối quen biết để gửi gắm con vào một trường công có uy tín nào đó rồi chịu khó “chăm sóc” cô giáo cho tốt để hòng mong con mình được cô “chăm sóc” tốt hơn, hoặc ít ra thì cũng không đến nỗi làm cho con sợ hãi như trong bài viết của người cha này.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vậy nếu không phải cha mẹ gây áp lực thì nỗi khổ này do ai đem đến cho các con ạ? Có phải là do giáo trình lớp Một và cấp tiểu học của Bộ GD & ĐT đưa ra không? Theo tôi được biết thì Bộ GD&ĐT cho rằng chương trình là vừa sức, nên mới có văn bản cấm dạy trước chương trình lớp Một cho trẻ mầm non.

 

Không phải do cha mẹ, không phải do chương trình của Bộ Giáo dục, vậy thì ai bắt các con phải khổ thế? Có phải do nhà trường và cô giáo muốn các con chúng ta biết đọc, viết, biết làm toán, biết nói tiếng Anh... sớm hơn, giỏi hơn, đẹp hơn không ạ? Nếu vậy thì là “hơn” ai ở đây? “Hơn” các bạn cùng lứa ở các trường khác ạ? Và “hơn” để làm gì? Để cho thành tích của cô, của nhà trường có bề dày “hơn” chăng? Nếu quả đúng như vậy thì ai sẽ là người thẩm tra, cho điểm, đánh giá thành tích của nhà trường? Tôi nghĩ chúng ta ai làm gì cũng đều có mục đích cả. Vậy mục tiêu của chương lớp Một là gì? Là để các bé bắt đầu (xin được phép nhắc lại) làm quen với mặt chữ, mặt số, tập cầm bút, tập viết, tập đọc, tập làm tính... Thế thì các cô giáo lớp Một cứ phải bắt các con học trước như vậy, dạy nhanh như vậy là với mục tiêu gì?

 

Tôi nhớ lại thời đi học trước đây, chúng ta được học qua lớp vỡ lòng trước khi vào lớp một. Đây chính là lớp học chuyển tiếp từ lứa tuổi mầm non vào phổ thông. Ở lớp vỡ lòng, chúng ta được học chữ O bằng hình ảnh con gà gáy "Ò Ó O O..", được học cách cầm bút sao cho đúng, ngồi thế nào cho không bị vẹo lưng, để sách thế nào cho không bị cận mắt v.v... nhưng điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà tôi muốn nêu ra ở đây là không có Vụ nào, Bộ nào đánh giá học lực của học trò vỡ lòng cả. Và khi vào đến lớp Một, cả cô và trò cứ thế yên tâm mà dạy và học theo đúng chương trình. Thời nay các con đã học hệ phổ thông 12 năm thay vì 10 năm như trước kia, vậy bước “vỡ lòng vỡ ruột”, hay nói nôm na là “vỡ chữ” cho các con thì nhồi vào đâu ạ? Nếu Bộ đã cấm dạy trước ở cấp mầm non thì đương nhiên nó phải thuộc vào lớp Một rồi. Vậy mà vừa bước vào lớp Một, cô giáo đã coi như đương nhiên các con phải biết rồi, xin hỏi các con phải “vỡ chữ” ở đâu và vào thời gian nào đây?

 

Người cha trong bài viết nói trên cũng như tôi và hàng triệu người cha, người mẹ khác nữa đều có chung một nỗi lòng: Làm sao để những đứa con bé bỏng của chúng ta, vừa rời cổng trường mầm non, thay vì những nỗi sợ hãi đến rơi nước mắt, các cháu mỗi sáng được hớn hở chào cha mẹ bước vào lớp Một, chiều về hoan hỉ khoe “bố mẹ ơi, hôm nay con đã viết được chữ A, B, C...rồi này”. Vâng, để được như vậy chúng ta biết làm gì và biết hỏi ai đây?

 

Với nỗi lòng như vậy của một người mẹ, tôi muốn nhờ Diễn đàn Dân trí kính chuyển đến Vụ Tiểu học, Bộ GD & ĐT câu hỏi này. Thiết nghĩ, nếu Bộ ra qui định cấm dạy trước chương trình thì cũng phải có cơ chế giám sát kiểm tra vấn đề này ở các trường tiểu học. Và theo tôi, nếu không đặt vấn đề đánh giá học lực giỏi /dốt ở lớp Một thì sẽ nhẹ đi được phần lớn gánh nặng tâm lý cho cả các con cũng như cô giáo và nhà trường.

 

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, xin được chia sẻ và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của tất cả các bậc phụ huynh trên cả nước.

 

 

                                                 N.P.C

 

LTS Dân trí - Câu hỏi đặt ra từ bài viết này rất đúng với tâm trạng của những ông bố bà mẹ vừa mới cho con vào lớp 1 hoặc chuẩn bị cho con vào lớp 1 trong năm tới. Đấy cũng là câu hỏi hệ trọng đặt ra với các cấp quản lý giáo dục, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Vụ Tiểu học cũng như mỗi trường tiểu học.

 

Điều đặc biệt đáng lưu ý là việc chỉ đạo thực hiện sự phân phối chương trình trong toàn năm học, đừng dồn ép các cháu phải cắm đầu cắm cổ học lấy học để ngay từ ngày đầu bước chân vào lớp 1. Đã có chủ trương không cho các cháu học trước thì phải có thời gian quá độ để các cháu làm quen dần khi mới bước chân vào lớp 1. Điều này Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cấp quản lý bên dưới cần chỉ đạo nhất quán cho toàn ngành thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện cho mọi trẻ em vào lớp 1 đều được học từ đầu của chương trình lóp 1; cô giáo phải dạy đúng tiến độ quy định, không được dạy lướt, dạy nhanh phần đầu, tạo ra áp lực lớn đối với các cháu không đi học trước.

 

Trạng thái tinh thần và kết quả học tập của các cháu học sinh lớp 1 còn phụ thuộc vào một yếu tố có ý nghĩa quyết định là đức độ Người Mẹ và nghệ thuật làm Thầy của cô giáo. Không có phẩm chất cao quý đó, giáo viên dạy lớp 1 không thể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang khai tâm và khai trí cho con em chúng ta.