Làm gì để người dân miền núi sống gắn bó với rừng?

(Dân trí) - “Chúng ta thường nghe nói rừng vàng, biển bạc. Nhưng thực tế những người đang sống trên “vàng”, lại có cuộc sống khó khăn vất vả nhất, nếu không nói là nghèo nhất!

Vậy, làm gì để người miền núi sống gắn bó với rừng, đang là câu hỏi khó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu và giải đáp”.

Thực trạng cuộc sống của đồng bào miền núi

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn rằng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của nước ta rơi vào miền núi chiếm đa số. Nhất là từ khi Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng, việc khai thác lâm sản được kiểm soát chặt chẽ, sức ép việc làm và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi gặp nhiều khó khăn.
 
Làm gì để người dân miền núi sống gắn bó với rừng?  - 1
Thanh niên và học sinh tham gia trồng cây đầu xuân 2010

Chỉ tính riêng huyện Con Cuông (Nghệ An) có 13 xã, thị trấn, thì đã có 11/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 100% xã thuộc diện khó khăn đặc biệt. Tỷ lệ hộ đói nghèo ở đây chiếm 60 - 70%, tỷ lệ hộ cận nghèo chắc chắn cũng không nhỏ, bởi do ruộng nương ít, tầng phù sa mỏng, chế độ gió, ánh sáng và cả kỹ thuật canh tác thấp, nên năng suất không cao.

Trước đây do đất rộng người thưa, bà con lấy số lượng diện tích bù cho sản lượng, phát 5-7 ha rừng làm nương rẫy đủ lương thực cho cả nhà. Rừng còn lắm muông thú, cung cấp nguồn thực phẩm cho họ quanh năm. Hiện nay kinh tế hàng hoá chưa có gì, ngành nghề không có, hai mũi nhọn là trồng trọt và chăn nuôi theo tập quán nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu không cho năng suất cao; sản xuất còn mang tính tự cấp, tự túc.

Nghề rừng chủ yếu là khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, mỗi ha được hỗ trợ 50.000 đồng/năm. Các nhu cầu sinh hoạt, học hành, mua sắm đòi hỏi lớn, trong khi thu nhập từ nông nghiệp thấp. Vùng sâu, vùng xa, biên giới nếu quanh năm bếp nhà đỏ lửa, thôn bản đủ lương thực đã quý lắm rồi, nếu không nói huyện phải thường xuyên trợ cấp, cứu tế lương thực cho họ.

Chưa nói đến vấn đề giao thông đi lại khó khăn, con lợn, con gà nuôi được khó bán. Thực trạng về đời sống của nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, trong khi mục tiêu thoát nghèo đã cận kề!

Đến thực trạng rừng bị tàn phá

Trong những năm gần đây xuất hiện nhiều trận lũ lịch sử. Hiện tượng lở đất, lũ cuốn, mùa hè thì nhiệt độ nắng nóng cao, nguyên nhân là do rừng bị tàn phá nặng nề làm cho khả năng giữ nước, điều hoà khí hậu kém. Nếu như diện tích rừng nước ta trước năm 1945 có trên 14 triệu ha, thì nay chỉ còn một nửa, mặc dù mấy năm nay Chính phủ đã nỗ lực đầu tư để trồng rừng.

Nhưng số diện tích trồng thêm không bằng số diện tích rừng bị phá đi. Chỉ lấy số liệu diện tích rẫy được phát của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) mỗi huyện phải phát trên 5.000 ha rẫy/năm, đã là một con số không nhỏ; Ngoài ra hiện tượng khai thác rừng lén lút, bất hợp pháp để lấy gỗ, lâm sản hàng năm cũng không nhỏ.

Chưa kể đến nhu cầu của đồng bào lấy gỗ làm nhà, lấy củi để đun nấu … Nhiều cánh rừng nhìn ngoài còn xanh, nhưng khi đi sâu vào trong rừng thì mới biết bị tàn phá. Khi mà dân đói, thì chắc chắn không thể giữ được rừng, bởi họ phải phá rừng để trỉa lúa, trồng ngô, phải khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã… để đổi lấy hàng hoá tiêu dùng và cung cấp nguồn thực phẩm nuôi sống họ!

Nên tập trung đầu tư lút để giữ rừng, Bảo vệ an ninh quốc phòng

Theo chúng tôi, Nhà nước cần làm thí điểm một số vùng bằng cách đầu tư lút theo hộ và ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng với bà con theo từng hộ. Mỗi hộ ở miền núi hiện nay cơ bản đã theo mô hình gia đình ít người, đa số 4-6 người /hộ. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào ở miền núi đủ lương thực ăn quanh năm, nơi đó yên ổn.
 
Làm gì để người dân miền núi sống gắn bó với rừng?  - 2
Nên đầu tư trồng rừng theo hướng lút để bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống ...

Lâu nay các chương trình dự án vào miền núi rất nhiều, nhưng do đầu tư dàn trải, tập trung công trình cộng đồng vừa khó quản lý lại bị thất thoát lớn. Nếu đầu tư thằng vào hộ gia đình, do họ quản lý sử dụng. Mỗi hộ có ngôi nhà kiên cố, có một số đồ dùng sinh hoạt, một diện tích đất sản xuất. Nơi nào không có đất bằng sản xuất, mỗi tháng cấp bổ sung một cơ số lương thực và giao cho họ quản lý một diện tích rừng, nếu ai không quản lý, không bảo vệ tốt sẽ bị cắt mọi tiêu chuẩn.

Khi rừng của họ, họ sẽ có trách nhiệm, ngoài quản lý, bảo vệ, họ được khai thác các lâm sản phụ, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng nguyên liệu… sẽ cho họ thêm thu nhập. Không ai yêu rừng và gắn bó với rừng, bằng bà con các dân tộc thiểu số miền núi; không ai có kinh nghiệm trồng rừng và bảo vệ rừng bằng họ. Khi họ đã có ăn, có mặc, có cái để nghe nhìn, họ sẽ yên tâm gắn bó với rừng, có đuổi họ đi khỏi rừng, họ cũng không đi, kiên quyết bám trụ lại.

Cách đầu tư lút này, sẽ tạo nên một đội ngũ công nhân lâm nghiệp giữ rừng “không lương” mà chỉ cần đầu tư ban đầu cho họ. Ngoài việc giữ rừng còn có một nhiệm vụm rất quan trọng là Bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc phòng, mà lực lượng tại chỗ không ai khác là nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, đang ngày đêm giữ đất, giữ rừng và giữ yên bờ cõi.

Mục tiêu đại hội X, đã đề ra, Việt Nam phấn đấu thoát nghèo vào năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Chúng ta phải xác định đây là hai nhiệm vụ, sứ mạng lịch sử to lớn mà nhân dân trao gửi.

Khi mà những điểm mốc để chúng ta hoàn thành sứ mạng trên đã cận kề, thì câu hỏi: Làm gì để người miền núi thoát nghèo và yên tâm giữ rừng, giữ yên bờ cõi? đang đặt lên vai các nhà hoạch định chính sách xã hội phải giải đáp… càng sớm, càng tốt.
 
Phùng Văn Mùi