Kinh nghiệm xây dựng nền hành chính phục vụ ở nước ngoài

(Dân trí) - Ở Canada, khi đứa trẻ sinh ra, bệnh viện truyền những thông tin về đứa trẻ qua mạng đến Sở Thống kê của thành phố là xong, chứ bố mẹ không cần phải đi làm giấy khai sinh cho đứa trẻ.

Có lẽ chẳng mấy khi người ta phải có cái tờ giấy khai sinh, mọi thứ đã có trên mạng rồi. Chính vì thế mà khi cần có tờ giấy khai sinh, người ta phải điền vào một cái mẫu khai, gửi đến Sở Thống Kê, để Sở gửi bản sao giấy khai sinh đến cho mình, trong đó phải trả lời một mục là “Lý do cần giấy khai sinh”.

 

Hai bạn Hạnh-Dũng (Việt Nam) muốn làm giấy khai sinh Việt Nam cho con gái mình. Theo hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) thì phải có giấy chứng sinh. Nghĩ rằng cái giấy khai sinh của Canada tức là giấy chứng sinh, Hạnh yêu cầu Sở Thống Kê (của Canada) gửi cho bản giấy khai sinh của đứa trẻ, trong đó có lý do cần giấy khai sinh là để xin cấp giấy khai sinh Việt Nam tại ĐSQ Việt Nam ở Ottawa.
 
Tôi phải lo làm thủ tục đó và đã đến Sở Thống kê vài lần, vì có một vài nhầm lẫn. Lần nào cũng vậy, người viên chức giải quyết công việc đều rất tươi cười, giải quyết công việc cực kỳ nhẹ nhàng. Kể cả khi có sự nhầm lẫn, tôi rất ngại, nói rằng tôi lại phải làm phiền bà lần nữa rồi, bà ấy đều trả lời không sao đâu, ông cứ nói đi.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Gửi hồ sơ đi Ottawa được khoảng một tuần thì có điện thoại từ sứ quán gọi về nói rằng phải lấy giấy chứng sinh ở bệnh viện chứ không thể dùng cái giấy khai sinh của Canada làm chứng sinh được. Hỏi nhiều người, kể cả bác sĩ, họ đều trả lời rằng chưa hề nghe nói đến cái giấy chứng sinh. Tuy nhiên tôi vẫn đến bệnh viện để hỏi.
 
Người ta hướng dẫn tôi đến Phòng Quản lý Hồ sơ, tại đó tôi lại được gặp một người rất niềm nở hỏi rằng có thể làm gì để giúp tôi được. Tôi trình bày là cần có cái giấy chứng nhận đứa bé đã sinh ra ở đây vào ngày đó, được đặt tên là, và có bố tên là, mẹ tên là… vân vân, theo yêu cầu của ĐSQ Việt Nam. Họ nói rằng họ cũng chưa làm cái giấy như thế bao giờ, nhưng sẵn lòng làm một cái thư “To whom it may concern” với các thông tin theo yêu cầu. Và hôm sau tôi đã nhận được cái thư như thế.

 

Đứa trẻ sinh ra trong 3 tuần đầu vẫn thuộc trách nhiệm của bệnh viện. Sau khi xuất viện, bệnh viện phải cử y tá đến nhà hướng dẫn cách tắm, cách chăm sóc tại nhà. Từ tuần thứ tư là thuộc trách nhiệm của Y tế khu vực. Họ tự liên hệ với gia đình, tự giới thiệu, cho số điện thoại để mình gọi khi có việc cần, chứ không phải là mình phải ra đăng ký với họ.
 
Đứa trẻ được đi khám sức khỏe, cân đo, mỗi tháng một lần. Nhưng có lần giữa hai kỳ khám tôi muốn cân cho con bé, tôi ra chỗ y tế khu vực, hỏi rằng tôi có đứa cháu ngoại, muốn đem đến cân nhờ một cái được không.
 
Bà y tá, mắt sáng ngời lên như là có việc gì mừng lắm: “Được chứ, được chứ, sao lại không, cháu đâu rồi?” Rồi bà đưa mắt nhìn ra ngoài như muốn làm ngay. Tôi nói là tôi chỉ hỏi xem có được không, rồi hôm khác mới đem cháu đến. Bà ấy nói rằng bất cứ lúc nào cũng đươc, cứ đem đến là sẽ có y tá cân đo cho cháu.
 
Bất cứ việc gì, ở đâu, hễ cứ có việc là thái độ của họ cứ như là bắt được vàng. Tôi có cảm tưởng là có việc làm, họ mừng lắm. Giống y như khi mình vào cửa hàng, người bán háng cứ quấn quýt lấy mình để giới thiệu nhằm bán được thứ này thứ kia.
 
Về nhà, đọc báo, thấy chính phủ mình đang cố gắng xây dựng một nền hành chính phục vụ. À, thì ra họ đã có nền hành chính phục vụ từ lâu rồi...
 
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Mai

                    Trường Đại học Reginia, SK, Canada

 

LTS Dân trí - Bài viết ngắn trên đây của TS. Nguyễn Trọng Mai từ Canada gửi về cho thấy các dịch vụ hành chính cũng như dịch vụ y tế rất thuận tiện; thái độ của những nhân viên công vụ hết sức niềm nở, lịch sự, chu đáo trong công việc của mình. Những câu chuyện cụ thể đó cho thấy nước họ đã xây dựng được nền hành chính phục vụ (như nhận xét của tác giả) đáp ứng hết sức thuận tiện những nhu cầu dịch vụ của người dân, kể cả những ngoại kiều.

 

Đấy là những kinh nghiệm đáng để chúng ta tham khảo trong việc xúc tiến cải cách những thủ tục hành chính còn nhiều rườm rà với mục đích đem lại thuận tiện cho người dân cũng như nâng cao hiệu quả làm việc và thu gọn bộ máy hành chính đang còn cồng kềnh hiện nay.