Kinh nghiệm tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT hằng năm tập trung toàn tỉnh tại thành phố Huế. Điều này cho thấy những khó khăn, thuận lợi gì và có kinh nghiệm gì đáng trao đổi với các tỉnh bạn?

Nếu tổ chức các hội đồng thi  tại các trường THPT hoặc cụm trường liên huyện, thành phố thì sẽ rất tiện lợi cho các em học sinh khi đi thi, cũng như việc đưa đón của các bậc phụ huynh. Nhưng tổ chức tập trung ở thành phố có gây nhiều khó khăn cho thí sinh và phụ huynh không?

Thật may mắn, cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu này, tôi đã có dịp đến Thừa Thiên Huế làm nhiệm vụ thanh tra coi thi theo sự ủy quyền của Bộ GD-ĐT và được thấy rõ những kết quả đạt được qua việc tổ chức kỳ thi tại đây.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Năm 2011, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế có 15.149 thí sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp, trong đó có 13.880 học sinh THPT và 1.269 thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên. Với tổng số thí sinh đăng kí dự thi trên đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã quyết định thành lập 33 hội đồng thi đặt tại trung tâm thành phố Huế.
 
Nếu lấy Sở Giáo dục và Đào tạo làm trung tâm thì hội đồng xa nhất nằm ở phía Bắc sông Hương cũng chỉ cách Sở 4km. Cùng với việc thành lập các hội đồng thi và chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, thiết bị,  ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều động 1.838 cán bộ làm nhiệm vụ lãnh đạo hội đồng, thư kí và giám thị coi thi.
 
Cùng với số lượng lớn cán bộ trên đây, ngoài cán bộ Y tế, bảo vệ và phục vụ, ngành công an còn điều động 146 cán bộ, chiến sĩ đến bảo vệ trực tiếp tại các hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra kì thi.

Với cách tổ chức thi tập trung toàn tỉnh như trên, điều gì đã giúp cho ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế có được sự thành công trong việc điều hành và thực hiện quy chế thi của Bộ đối với kì thi tốt nghiệp THPT mà toàn xã hội đang thực sự quan tâm. Có thể nói rằng, để có được 15 năm liên tục duy trì hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung đạt kết quả tốt, trước hết phải nói đến sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành; sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên và đặc biệt là sự đồng thuận của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh.

Đến với Huế, trước kì thi vài ngày, chúng tôi bắt gặp nhiều chuyến xe của các trường THPT phối hợp với các huyện và các tổ chức đưa các em về thành phố nơi gần địa điểm thi. Đến đây, ngoài những em có người thân đón về nhà, số còn lại đã được sắp xếp chỗ ăn, ở thuận lợi.
 
Lúc này đây là lúc các Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên cùng chung tay, góp sức để hỗ trợ các em và tạo cho các em có điều kiện tốt nhất để bước vào kì thi. Thật cảm động, trong 33 hội đồng thi của tỉnh, có 29 hội đồng thi được Hội Chữ thập đỏ của tỉnh niêm yết danh sách thông báo những thí sinh là con em người dân tộc và các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau mỗi buổi thi được ăn cơm miễn phí. Ngày mai khi các em trưởng thành bước vào đời, trong hành trang của các em chắc hẳn không bao giờ quên những bữa cơm nghĩa tình đó.
 

Kinh nghiệm tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Nhờ việc tổ chức thi tập trung, công tác tổ chức và điều hành của Ban Chỉ đạo thi cũng như các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo được phối hợp tốt, nhịp nhàng từ khâu tổ chức đến thực hiện. Mọi người tham gia công tác thi và đến cả thí sinh, ai nấy đều làm tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Trong thời gian diễn ra các môn thi, trước và xung quanh các hội đồng thi là một bầu không khí rất yên tĩnh. Phải cho đến khi sắp kết thúc giờ thi mới thấy sự xuất hiện của người thân cũng như các nhà hảo tâm đến đón các sĩ tử.

Chiều 4/6/2011 sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, tại trụ sở Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, với sự có mặt của Ban Chỉ đạo thi và Đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo được điều động từ trường đại học Sư phạm, đại học Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT đã công bố kết thúc kì thi an toàn, không có bất kì một sự cố nào dù là nhỏ xảy ra. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ và các em học sinh đã thực hiện tốt quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kì thi diễn ra an toàn và nghiêm túc thực sự.

Từ thực tế tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung như Thừa Thiên Huế, theo tôi các địa phương nên tham khảo cách tổ chức này và nếu có điều kiện thì từng bước triển khai. Đây cũng chính là một trong những cơ sở để thực hiện tốt quy chế thi của Bộ, góp phần đảm bảo tính nghiêm túc trong thi cử và động viên được sự đóng góp của toàn xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.

 

                                                                                    Võ Tá Trung

                                    Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

 

LTS Dân trí- Bài viết trên đây của một thầy giáo là thành viên trong đoàn thanh được Bộ GD-ĐT ủy quyền, là tiếng nói đáng tin  cây về sự đánh giá nghiêm túc việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiều năm qua, tỉnh này tổ chức tập trung các điểm thi ở thành phố và biết phối hợp  chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT với các ngành công an, y tế, các tổ chức chức xã hội và đoàn thể, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo các hội đồng thi cũng như giúp đỡ các thí sinh có điều kiện ăn ở thuận lợi trong các ngày diễn ra kỳ thi.


Đây là kinh nghiệm tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 15 năm qua của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các tỉnh, thành phố có điều kiện tương tự có thể tham khảo kinh nghiệm đó để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra hằng năm.