Không quản lý được giá vé gửi xe, lẽ nào vì... quá khó!

(Dân trí) - “Chúng tôi không thể ngày nào, giờ nào cũng phục ở bãi xe xem họ có vi phạm hay không...” - Câu trả lời của PGĐ sở Tài chính HN về việc loạn giá gửi xe khiến người dân càng thêm bức xúc trước sự "chịu trách nhiệm" của cơ quan hữu quan.

Tình trạng giá vé gửi xe niêm yết một đằng, thu một nẻo (thậm chí tùy ý "hét" giá) gây bức xúc cho nhiều người dân từ rất lâu, nhưng bất chấp vụ việc đã được nhiều cư dân phản ánh, báo đài cũng là tiếng không ít mà giá vé vẫn cứ theo đồ thị tăng dần.
 
Thậm chí có nhiều người gửi đơn tố giác cũng như nêu đích danh các điểm trông xe “móc túi” khách hàng, vậy nhưng càng ngày giá vé gửi xe ở những nơi đó lại càng được nâng lên cao hơn tới những mức "kỷ lục". Một ví dụ bị coi là điển hình là điểm trông giữ xe ôtô tại bờ Hồ, đối diện Nhà hát múa rối nước.
 
Các nhân viên trông giữ xe ở đây không chỉ thu 30.000 đồng một lượt gửi, mà cứ cho xe vào bến là thu 50.000 đồng. Ai dám thắc mắc, sẽ bị dội một gáo nước lạnh tanh: “Giá chung rồi (?!)”. Mà khu vực quanh bờ Hồ vốn rất khan hiếm bãi đỗ xe. Gần đó chỉ có mỗi phố Bảo Khánh nhưng đoạn đường rất ngắn, nên chỉ trông giữ được vài xe là hết công suất. Vì thế dù biết là bị “chặt chém”, nhưng các "thượng đế" cũng chỉ có một lựa chọn là "ngậm bồ hòn làm ngọt”, chứ không thì biết giấu xe ở đâu?
 
Không quản lý được giá vé gửi xe, lẽ nào vì... quá khó! - 1

Bà Phù Thị Hồng Hà, PGĐ sở Tài chính Hà Nội (Ảnh Quang Phong).

 

Cũng như với bao trường hợp cực chẳng đã khác, người dân càng mong ngóng sự thực thi của những cơ quan hữu quan, những người có trách nhiệm bao nhiêu, thì  họ thường lại càng thất vọng bấy nhiêu trước phản hồi của cơ quan chức năng. Cụ thể trong trường hợp giá vé gửi xe này là trả lời của bà Phù Thị Hồng Hà, PGĐ sở Tài chính Hà Nội trên Dân trí.

 

Đã quan tâm tới vụ việc, hầu như ai cũng có thể đơn giản hiểu rằng: để tình trạng loạn giá vé gửi xe lâu đến như vậy, trước hết trách nhiệm thuộc về sở Tài chính. Rồi sau đó mới những bên liên quan thuộc các cấp quận, huyện, xã, phường... Và sau cùng là người chủ bãi trông giữ xe.

 

Vậy cho nên, cũng dễ hiểu vì sao người dân phản ứng gay gắt lại với vẫn cách trả lời kiểu “trách nhiệm... không thuộc về ai” và "lỗi chính do... khách quan" nghe đã quá quen tai này.

 

Cơ quan chức năng không thể trả lời buông xuôi như thế được. Như thế là làm không hết trách nhiệm của mình. Đổ lỗi cho khách quan là quá nhiều công việc và không thể làm được vậy sẽ cho thấy đó là người không đủ năng lực. Bất kể một việc làm sai trái nào xuất hiện thì cơ quan quản lý phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn mới là đúng trách nhiệm.

 

Theo tôi nghĩ,  nếu kết hợp với dân thì không khó gì phát hiện những sai trái. Hãy làm một đường dây nóng để dân phản ánh qua điện thoại về địa điểm, ngày giờ, và chỉ cần vài ba người có thể xử lý được ngay khi các điểm làm sai, trái quy định. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo cần có biện pháp tổ chức thực hiện, không nên trả lời trên báo chí một cách không trách nhiệm như vậy” - Trần bình: gtvttw1@gmail.com.  

 

Vẫn luôn là những điệp khúc cũ của các nhà quản lý, đó là “tướng đổ cho đồng”; hoặc là “không quản lý được thì cấm”. Suy cho cùng là đâu vẫn hoàn đó, và chỉ có người dân là chịu thiệt thòi.

 

Tuần trước, tôi có dịp đưa 1 cháu ở Ba Vì về Viện Mắt TW để khám & mổ mắt. Khi ra lấy xe máy, tôi đưa vé xe cùng với 3 nghìn đồng cho người trông xe, thì được nhắc nhở là 5 nghìn.

 

Đó là 1 bệnh viện cấp TW, nơi mà mỗi ngày có đến cả nghìn lượt người vào gửi xe. Vậy thử hỏi cấp nào sẽ chịu trách nhiệm & can thiệp đây” - Cung Đình Hoàn: cdhoan@yahoo.com   

 

Cách trả lời cho thấy sự quan liêu của cơ quan chức năng. Không đưa ra được 1 cách nào khắc phục, mà chỉ khiến nhiều người hoang mang bởi thấy rằng tình trạng rất phức tạp - không thể khắc phục. Thế thì cơ quan quản lý tồn tại làm gì?

 

Quy định 1 khung giá cụ thể - Thông báo rộng rãi cho toàn dân biết và tự bảo vệ quyền lợi của mình - Thiết lập các đường dây nóng và xử lý ngay các trường hợp vi phạm bằng cách không cấp phép nữa - cấp cho đối tượng khác thay thế...

 

Phải đưa ngay ra các giải pháp, phải tham khảo học hỏi xem Đà Nẵng làm thế nào; chứ không phải thái độ điềm nhiên kêu "Khó - không làm được" ” - Huong: doremi_af@yahoo.com   
 
Không quản lý được giá vé gửi xe, lẽ nào vì... quá khó! - 2

(Nguồn ảnh: vtc.vn)

 

Không cần biết về sự vi phạm của các bãi giữ xe phổ biến ở mức nào, cũng không cần biết lực lượng của Sở Tài chính Hà nội ra sao, trách nhiệm của họ là phải lập được trật tự giá giữ xe theo quy định trong địa bàn thành phố - Hoàng Chính: chinhdohoang@yahoo.com   

 

Phát biểu như bà Hà, PGĐ Sở Tài chính HN như vậy coi như là Sở Tài chính bất lực với những gì đã xảy ra, trong khi họ có biết bao nhiêu những công cụ, bao nhiêu những luật định để đưa việc gửi xe vào quy củ , đúng quy định của nhà nước. Cuối cùng là chỉ người dân phải chịu những thiệt thòi.

 

Thôi lại giao sang cho bên Công an, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Chỉ thương ngành Công an việc gì cũng đến tay ”- Nguyễn Hoàng Sơn: hoangsondv@yahoo.com.vn   

 

Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu? Ai cũng biết chuyện này, chỉ có cơ quan quản lý là biết ít ít! Tại sao không rút giấy phép của các bãi giữ xe vi phạm. Nếu làm được như vậy chắc chắn không còn tình trạng này. Có lần tôi phản ánh với bãi xe "tại sao không thu đúng với giá niêm yết trên thẻ", thì được câu trả lời thách thức, coi trời bằng vung. Phải chăng đã có người "bảo đảm"” - Nguyễn Thành Sơn: thanhsonsply@gmail.com   

 

Tôi không đồng ý với nhận định của bà Hà. Là công dân Hà Nội, tôi không mọng đợi Hà Nội có thể thực hiện việc không thu phí như Đà Nẵng. Chỉ mong Sở Tài chính HN và các cơ quan khác quản lý chặt để tránh tình trạng thu phí cao hơn quy định” - Nam Hai: gdfg@yahoo.com   

 

Không phải là hàng ngày các cán bộ phải đi rình ở các bài đỗ xe, mà có nên chăng lập 1 đường dây nóng công khai trên báo đài, mạng để khi người tiêu dùng bị “móc túi” sẽ gọi điện phản hồi. Lúc đó cơ quan chức năng vào cuộc.

 

Nếu không xử lý triệt để thì thật bất công. Chúng tôi học hành mấy năm đại học ra đi làm được mấy triệu bạc thì bị đánh thuế công khai, trong khi họ không cần phải tốn tiền học mà lại thu siêu lợi nhuận mà nhà nước thì không thu được đồng thuế nào?  - Nguyen Linh: cogaihanhdong85@yahoo.com   

  

Tôi có 1 chếc xe máy và từng bị rất nhiều bãi giữ xe “cứa”. Biết nhưng không làm gì được. Tôi không ngại tốn vài cuộc điện thoại tố cáo và theo đến cùng những bãi xe nào “móc túi” hầu bao tôi. Nhưng tôi không biết tố cáo với ai hết. Nếu UBND phường lập đường dây nóng và bắt buộc các bãi giữ xe phải niêm yết giá công khai rồi mới cấp phép, nếu có người tố cáo hoặc kiểm tra định kì mà không thấy niêm yết thì lập biên bản rút giấy phép, xem có chủ bãi xe nào dám xem thường pháp luật hay không? Chuyện rất dễ và đơn giản như vầy, nhưng sao lại quá khó đối với tôi khi tôi muốn trực tiếp "tố" bãi giữ xe?” – Duong: haithailand@yahoo.com

 

 Cách làm đó của Đà Nẵng là rất tốt, có giá trị nhân văn cao. Nhưng việc trông giữ xe không gắn quyền lợi với trách nhiệm sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề. Vào viện gửi xe không mất tiền, nếu mất xe ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” - Bà Hà trả lời như vậy không thể được. Người trông xe được ăn lương từ bệnh viện thì sẽ phải chịu trách nhiệm chứ ai.

 

Cũng như chúng ta ăn lương từ đồng thuế của dân, phải làm hết trách nhiệm của mình. Còn về phía sở Tài chính Hà Nội, nếu không kiểm tra hết được, hãy lập đường dây nóng để người dân tố giác, và khi đã biết thì  mong các cơ quan chức năng làm tròn trách nhiệm- Quang Tien: quangtieens@gmail.com

 

Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Quang Tien: quangtieens@gmail.com, đó là “Chúng ta ăn lương từ đồng thuế của dân, phải làm hết trách nhiệm của mình”. Vậy thiết nghĩ khi nhận thấy chưa làm hết trách nhiệm thì cần biết cách nhận lỗi và nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục.

 

Bách Linh