Ba phút cùng luật sư:

Không dừng xe theo lệnh của CSGT là chống người thi hành công vụ?

(Dân trí) - Hiện ngày càng xuất hiện nhiều tình trạng người dân chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của CSGT mà không biết trong nhiều trường hợp, hành vi này có thể bị xử lý hành chính rất nặng, thậm chí là xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

Theo luật sư, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, CSGT yêu cầu dừng xe, lập biên bản thì chỉ bị xử phạt hành chính. Còn nếu có hành vi chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT khi họ thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình thì trong nhiều trường hợp có thể bị xử lý hình sự.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh - cộng tác viên Thư viện pháp luật, sẽ tư vấn cho bạn đọc rõ hơn các tình huống pháp lý của trường hợp này.

Không tuân thủ lệnh dừng xe của CSGT có thể bị xử lý hình sự?

Vừa qua tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc một thiếu tá CSGT bám vào gương chiếu hậu bên trái xe tải yêu cầu dừng lại thì trượt ngã và bị bánh sau xe tải trên cán lên người tử vong tại chỗ. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố tài xế xe tải về tội chống người thi hành công vụ. Luật sư có thể cho biết là quyền hạn của cảnh sát giao thông trong những vụ việc này như thế nào, thưa ông?

Theo quy định Điều 5 Thông tư 01/2016/BCA thì CSGT có quyền:

(1) được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ;

(2) xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật;

(3) được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.

Khi CSGT thấy xe tải có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì có quyền yêu cầu tài xế dừng phương tiện. Đây là hành vi nhằm thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của CSGT.

Theo luật sư, khi CSGT thấy phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì có quyền yêu cầu tài xế dừng phương tiện. Đây là hành vi nhằm thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của CSGT.
Theo luật sư, khi CSGT thấy phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì có quyền yêu cầu tài xế dừng phương tiện. Đây là hành vi nhằm thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của CSGT.

Như vậy, trong các trường hợp CSGT yêu cầu dừng xe mà tài xế không tuân thủ, vẫn cố chạy rồi bị bắt lại thì có bị xử lý tội chống người thi hành công vụ hay không?

Tùy vào hành vi mà xem xét xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Đối với việc xử phạt hành chính thì theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.

Đối với việc xử lý hình sự thì người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ; hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ.

Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm; hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến bảy năm nếu có thêm tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.

Nếu trong trường hợp tài xế biết CSGT đang đứng chặn trước đầu xe nhưng vẫn cố tình nhấn ga chạy và gây ra hậu quả như làm CSGT bị thương hoặc chết, thì hành vi này bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Với những trường hợp này thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS năm 1999; hoặc giết người theo Điều 93 BLHS năm 1999 (nếu hậu quả làm chết người).

Lúc này, hành vi chống người thi hành công vụ trở thành các tình tiết định khung tăng nặng của tội cố ý gây thương tích hoặc của tội giết người.

Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)