Tư vấn pháp luật:

Không đủ căn cứ để ra quyết định sa thải

(Dân trí) - Tôi làm việc tại một trường đại học từ ngày 28/9/2006 với thời gian tập sự 1 năm. Sau đó tôi được nhà trường xét hết tập sự và được nhận vào làm chính thức với hợp đồng không xác định thời hạn.

Do hoàn cảnh gia đình nên tôi viết đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động gửi tới nhà trường ngày 21/4/2010, trong thời gian này tôi vẫn ở tại trường làm việc tuy nhiên nhà trường không bố trí công việc cho tôi. Đến ngày 28/6/2010 tôi nhận được quyết định sa thải tôi kể từ ngày 05/05/2010 với lý do: “tự ý bỏ cơ quan” (tháng 4/2010 không chấm công tôi 4 ngày từ ngày 26-29/4).

Trong thời gian chờ quyết định chấm dứt HĐLĐ của nhà trường tôi không được thông báo họp và tham dự bất kỳ cuộc họp nào xét kỷ luật tôi về việc tôi tự ý bỏ cơ quan hay yêu cầu tôi làm bản kiểm điểm. Sau khi có quyết định sa thải tôi nhà trường yêu cầu tôi phải hoàn trả số tiền là 36.000.000đ tiền lương mà tôi đã được hưởng hàng tháng và yêu cầu tôi đền bù tiền học cao học theo quy chế nội bộ của nhà trường (gấp 10 lần số tiền đào tạo). Khi tôi bị sa thải tôi chưa học xong cao học.

Do chưa hiểu rõ về Luật Lao động nên tôi có mấy điểm muốn nhờ Quý báo giải đáp giúp tôi: Cơ quan sa thải tôi như vậy có đúng không? Tôi có phải hoàn trả số tiền trên không? Nếu việc làm trên của nhà trưòng là trái với quy định thì tôi được hưởng những quyền lợi gì? (Trẩn Quang Trung, Email: tqtrung286@yahoo.com.vn)
 

Không đủ căn cứ để ra quyết định sa thải - 1

Trả lời:

Theo khoản 3 điều 37 Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung các năm 2002, 2006, 2007 quy định: “Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”

Tại Điều 42 Bộ luật lao động quy định như sau: “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, từ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có”

Căn cứ Điều 13 Nghị định của Chính phủ Số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điềucủa Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động

“Việc bồi thường chi phí đào tạo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung được quy định như sau:

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.”

Vì hợp đồng của bạn không xác định thời hạn nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải báo trước cho người sử dụng lao động bằng văn bản ít nhất là 45 ngày (tính theo ngày làm việc). Ngày 21/4/2010 bạn đã có đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng gửi đến nhà trường thì tính đến thời điểm 45 ngày làm việc kể từ ngày 21/4/2010 bạn có thể nghỉ mà không phải bồi thường chi phí đào tạo và được trợ cấp thôi việc cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp (nếu có)-trong đó có trừ đi khoảng thời gian nhà trường đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn.

Căn cứ điểm c khoản 1 điều 85 Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung các năm 2002, 2006 và năm 2007 quy định “Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây: Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.”

Nếu sau thời gian thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi nghỉ 45 ngày làm việc bạn vẫn đi làm thì trường đại học nơi bạn làm việc không có căn cứ để sa thải bạn. Đến ngày 28/6/2010 bạn nhận được quyết định sa thải kể từ ngày 05/05/2010 với lý do: “Tự ý bỏ cơ quan” (tháng 4/2010 không chấm công 4 ngày từ ngày 26-29/4). 4 ngày kể từ ngày 26/4 đến 29/4/2010 không thỏa mãn quy định tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng theo quy định nêu trên. Trong thời gian chờ quyết định chấm dứt HĐLĐ của nhà trường bạn không được thông báo họp và tham dự bất kỳ cuộc họp nào xét kỷ luật bạn về việc bạn tự ý bỏ cơ quan là vi phạm pháp luật về trình tự thủ tục ra quyết định sa thải theo quy định của điều 10, điều 11 Nghị định 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (đã sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ)

Theo điều 41 Bộ luật lao động quy định: “Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) (khoản 2)

Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ (khoản 3)”

Trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật như không đủ thời hạn báo trước thì bạn không được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) và bồi thường chi phí đào tạo.

Căn cứ mục 4 phần III Thông tư 21/2003/TT-BL ĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động “Việc bồi thường chi phí đào tạo theo Điều 13 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a. Người lao động được đào tạo ở trong nước hoặc ngoài nước từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do phía nước ngoài tài trợ cho người sử dụng lao động, sau khi học xong phải làm việc cho người sử dụng lao động một thời gian do hai bên thoả thuận.

b. Người lao động tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động, khi chưa học xong hoặc học xong không làm việc cho người sử dụng lao động đủ thời gian như đã thoả thuận, thì phải bồi thường mức chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học do người sử dụng lao động tính có sự thoả thuận của người lao động.

Thoả thuận nêu ở điểm a và điểm b trên đây phải bằng văn bản có chữ ký của người sử dụng lao động và người lao động”

Theo quy định nêu trên nếu bạn và nhà trường có cam kết bằng văn bản về việc phải bồi thường chi phí đào tạo và bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật thì bạn phải bồi thường chi phí đào tạo cho nhà trường. Chi phí đào tạo bao gồm: Các khoản chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học…. Sau khi có quyết định sa thải bạn, nhà trường yêu cầu bạn phải hoàn trả số tiền là 36.000.000đ tiền lương mà bạn đã được hưởng hàng tháng và yêu cầu đền bù tiền học cao học theo quy chế nội bộ của nhà trường (gấp 10 lần số tiền đào tạo) là trái với quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 1 điều 167 Bộ luật lao động (được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2002, 2006, 2007) thì: Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau: Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các tranh chấp lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này”. Trong đó điểm a khoản 2 điều 166 Bộ luật lao động quy định: “Tòa án Nhân dân giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân sau đây mà không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở: Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
 
Đến ngày 28/6/2010 bạn nhận được quyết định sa thải thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động của bạn được tính đến ngày 28/6/2011 nên bạn có thể khởi kiện đến Tòa án Nhân dân quận, huyện nơi nhà trường có trụ sở yêu cầu Tòa án hủy quyết định sa thải của nhà trường với lý do không đủ điều kiện để sa thải, trình tự thủ tục sa thải không đúng, bồi thường chi phí đào tạo không đúng quy định của pháp luật …, đồng thời bạn có thể yêu cầu Tòa án buộc nhà trường phải xin lỗi công khai, khôi phục danh dự và mọi quyền lợi vật chất cho bạn… và yêu cầu Tòa án công nhận việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng là đúng quy định của pháp luật (nếu bạn báo trước đủ 45 ngày làm việc).
 
Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Tổng đài tư vấn: 1088 (nhánh 4.4 và 4.5)

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc