Không có cơ sở yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sudico

(Dân trí)- PGS.TS Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp vừa cho rằng không có cơ sở pháp lý yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sudico.

Không có cơ sở yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sudico - 1
Một góc Khu đô thị Mễ Đình - Mễ Trì (Hà Nội) của Sudico. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Trên cơ sở yêu cầu tư vấn pháp lý của thành viên Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), ngày 13/12/2011, Trung tâm thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp (viết tắt là Trung tâm) và Công ty Sudico đã ký hợp đồng tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp số 106/2011/PCDN-TTTV. Dựa trên những tài liệu do công ty Sudico cung cấp và căn cứ vào các văn bản pháp luật có liên quan, Trung tâm có ý kiến trả lời như sau:

Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi ngày 3/10/2011) của công ty Sudico có ghi nhận Tập đoàn Sông Đà sở hữa 20,4% tổng số cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn Sông Đà tại công ty Sudico là 36,3% (được ghi nhận tại bản báo cáo tài chính của công ty Sudico – chu kỳ hoạt động từ 01/01/2011 đến 30/6/2011 và danh sách tổng hợp cổ phần của các cổ đông công ty Sudico do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp ngày 4/3/2011). Trong các văn bản đã nêu trên thì văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn cần được áp dụng để xác định tỷ lệ phần vốn của cổ đông trong công ty Sudico.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 19, Điều 23) và Nghị định số 43/2010/N Đ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (Điều 20) thì trong hồ sơ đăng ký kinh doanh công ty cổ phần phải có danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, trong đó có yêu cầu ghi rõ tỷ lệ (%) sở hữu cổ phần và thời điểm góp vốn kèm theo chữ ký của cổ đông sáng lập.

Như vậy, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn Sông Đà ghi trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty Sudico có thể được coi là một trong những căn cứ để xác định tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế của tập đoàn này trong công ty Sudico.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật Kế toán năm 2003 thì Báo cáo tài chính là một loại chứng từ kế toán phản ánh trung thực, chính xác nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành. Vì vậy, báo cáo tài chính là một văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, cần được sử dụng để xác định tỷ lệ phần vốn của cổ đông trong công ty Sudico.

Tương tự như vậy, theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2006 thì “Đăng ký chứng khoán là việc ghi nhận quyền sở hữu và các quyền khác của người sở hữu chứng khoán đã đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán được thực hiện qua Trung tâm lưu ký chứng khoán) (Khoản 1, Điều 54). Do đó, Danh sách tổng hợp cổ phần của các cổ đông công ty Sudico do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp cũng là văn bản cần được ưu tiên để xác định tỷ lệ phần vốn góp của cổ đông trong công ty Sudico.

Tóm lại, báo cáo tài chính của công ty Sudico - chu kỳ hoạt động từ 10/1/2011 đến 30/6/2011 và danh sách tổng hợp cổ phần của các cổ đông công ty Sudico do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp ngày 4/3/2011 là những văn bản phản ánh thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tình hình sở hữu cổ phần trong công ty Sudico. Do đó, những văn bản này cần được sử dụng để xác định tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn Sông Đà tại công ty Sudico tại thời điểm lập các văn bản này.

Căn cứ vào Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty Sudico thì Tập đoàn Sông Đà dù nắm giữ 20,4% hay 36,3% tổng số cổ phần phổ thông của công ty Sudico cũng đã đủ điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần để thực hiện quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty Sudico.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu công văn số 1815/TĐSĐ-PC ngày 15/11/2011 của Tập đoàn Sông Đà, Trung tâm thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ thấy các lý do mà Tập đoàn Sông Đà nêu ra để yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty Sudico là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Tập đoàn Sông Đà có đưa ra sai phạm của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc công ty Sudico là “thay đổi đăng ký kinh doanh của công ty, trong đó ghi nhận tỷ lệ sở hữu cổ phần của Tập đoàn Sông Đà là 20,4% vốn điều lệ khác với tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế là 36,3% mà không có căn cứ pháp lý”.

Đây có được coi là trường hợp “Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý” hay không thì còn chưa rõ. Về pháp lý, việc xác định một hành vi vi phạm được coi là vi phạm nghiêm trọng thường được căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lỗi của người có hành vi vi phạm.

Theo Trung tâm thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ, khi phát hiện có sự khác nhau về tỷ lệ sở hữu cổ phần giữa nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thực tế sở hữu của mình thì trước hết, Tập đoàn Sông Đà cần yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc công ty Sudico thực hiện việc đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để khắc phục vấn đề này và chỉ khi Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc công ty Sudico cố tình không đăng ký thay đổi hoặc có sự bất đồng ý kiến về tỷ lệ cổ phần thì mới thực hiện quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Tuy nhiên, Tập đoàn Sông Đà cũng không có các tài liệu, chứng cứ gửi kèm công văn số 1815/TĐSĐ-PC theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2005 để chứng minh rằng sai phạm như trên là nghiêm trọng nên việc Tập đoàn Sông Đà yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường trong trường hợp này là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, trong công văn số 1815/TĐSĐ-PC, Tập đoàn Sông Đà có nêu lý do “Việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc còn có nhiều ý kiến khác nhau về việc chưa tuân thủ quy trình, thủ tục được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty”. Những lý do này, theo chúng tôi còn chung chung, không đủ sức thuyết phục vì không có tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Mặc khác, như đã phân tích trong công văn số 94/PCDN-TTTV của Trung tâm gửi công ty Sudico ngày 4/11/2011, việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng Giám đốc của công ty Sudico là hoàn toàn hợp pháp. Do đó, việc Tập đoàn Sông Đà dựa vào lý do nêu trên để yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường là không có cơ sở pháp lý.

Việc người đại diện vốn của Tập đoàn Sông Đà tại công ty Sudico giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện vốn Nhà nước và việc Tập đoàn Sông Đà thay đổi người đại diện vốn của mình chỉ là vấn đề nội bộ của Tập đoàn Sông Đà. Vì vậy, đều không thể coi là căn cứ để Tập đoàn Sông Đà thực hiện quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Vũ Văn Tiến