Khởi tố xong, 14 năm sau mới… xét xử

Hai anh em ruột bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích nhưng phải đến 14 năm sau cả hai mới “được” đưa ra xét xử với những chứng cứ buộc tội không vững chắc.

Vụ án hy hữu trên xảy ra tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Anh Quản Đắc Quý (36 tuổi) và anh của mình là Quản Đắc Thúy (38 tuổi) đã có đơn cầu cứu đến báo Pháp Luật TP.HCM vì bị “treo án” ròng rã 14 năm.

10 kết luận điều tra và bốn cáo trạng

Gia đình ông Quản Đắc Họp (62 tuổi, cha của hai anh em Quý, Thúy) được cấp một mảnh đất tại thôn Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội làm thổ cư. Ông Đỗ Đăng Chuyên (69 tuổi) và con trai là Đỗ Đăng Của (40 tuổi) nhiều lần tới lấn chiếm phần đất này mặc dù đã bị chính quyền nhắc nhở.

Ngày 19-7-2003, trong lúc xảy ra xô xát, Đỗ Đăng Của bị thương. Năm tháng sau, hai anh em Quý và Thúy bị Công an huyện Hoài Đức khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS vì đã gây thương tích 34,16% cho Của. Hai người được cho tại ngoại từ đó đến giờ.

Ông Họp cũng bị khởi tố về tội danh trên nhưng sau đó được đình chỉ bị can để đưa đi giám định tâm thần do là thương binh và có bệnh động kinh, đến nay vẫn chưa có diễn biến mới gì.

Từ đó đến năm 2015, công an và VKS đã ra hơn 10 bản kết luận điều tra bổ sung, bốn bản cáo trạng để truy tố hai anh em Quý và Thúy về tội cố ý gây thương tích. Suốt quá trình này, hai bị can không nhận tội.


Hai anh em bị cáo Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy. Ảnh: TUYẾN PHAN

Hai anh em bị cáo Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy. Ảnh: TUYẾN PHAN

Tuyên án tù sau 14 năm bị khởi tố

Tại Bản cáo trạng số 71 ngày 12-8-2015, VKSND huyện Hoài Đức xác định Quý dùng dao chém hai nhát vào trán và tay, còn Thúy dùng gậy sắt vụt vào đầu ngón trỏ bàn tay phải của Của dẫn đến thương tích.

Ngày 26-5-2017, sau 14 năm kể từ ngày khởi tố, TAND huyện Hoài Đức, Hà Nội mở phiên sơ thẩm lần đầu. Tại tòa, do vắng mặt 7/9 nhân chứng vụ án, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo đề nghị hoãn nhưng không được HĐXX chấp nhận nên đã bỏ về.

Quý và Thúy tiếp tục không nhận tội vì cho rằng khi xảy ra xô xát cả hai không có mặt tại hiện trường, không gây thương tích cho Đỗ Đăng Của.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định các bị cáo gây thương tích cho người bị hại. Cả hai có vai trò tương đương nhau nhưng Quý có hành vi quyết liệt hơn, do đó tuyên Quý năm năm sáu tháng tù và Thúy năm năm tù. HĐXX cũng cho rằng nguyên nhân phạm tội của các bị cáo có một phần từ lỗi của người bị hại và gia đình khi xây dựng công trình trên phần đất tranh chấp, lại có lời lẽ thách thức…

Vi phạm tố tụng và chưa tâm phục khẩu phục

Luật sư (LS) Lương Quang Tuấn (Đoàn LS TP Hà Nội, người bào chữa cho các bị cáo) cho rằng các cơ quan tố tụng trong vụ án này đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng khi bỏ qua quy định tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung quá số lần quy định. Bên cạnh đó, các bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS khi “dùng hung khí nguy hiểm” để gây án nhưng cơ quan điều tra (CQĐT) lại không thu giữ và bảo quản được bất cứ vật chứng - hung khí nào. Tại tất cả bản kết luận điều tra và cáo trạng, CQĐT và VKS cũng không hề đề cập đến vấn đề này.

LS cũng nhận định căn cứ quan trọng nhất để truy tố hai bị cáo là bản kết luận giám định pháp y (KLGĐPY) số 2395 ngày 3-9-2003 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhưng lại không đảm bảo cơ sở pháp lý.

Cụ thể, theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vân Côn, nguyên Trưởng công an xã thời điểm xảy ra vụ án, ngày 27-10-2003, sau khi hòa giải không thành, công an xã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Công an huyện Hoài Đức, trong đó có bản KLGĐPY số 2359 do gia đình người bị hại Đỗ Đăng Của tự đi làm và nộp cho công an xã. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, Công an huyện Hoài Đức lại ra quyết định trưng cầu giám định vào ngày 19-8-2003, tức là trước thời điểm được báo cáo vụ việc tới cả hai tháng.

Như vậy, bản KLGĐPY mà cơ quan công an sử dụng là do gia đình Của tự ý đi làm chứ không phải do cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, không thể làm căn cứ kết tội các bị cáo. Chưa kể cáo trạng có nêu Thúy vụt trúng đầu ngón tay của Của, KLGĐPY lại không đề cập đến vết thương này, thế nhưng Thúy vẫn bị tuyên phạt tới năm năm tù là vô lý.

Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng và chính người bị hại trong vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn. Đa số nhân chứng được lấy lời khai đều có quan hệ họ hàng với người bị hại. Nhân chứng Nguyễn Công Long (anh em họ của người bị hại Của) khi thì khai nhìn thấy Quý cầm dao chém Của, khi thì khai là không thấy, khi thì lại khai Quý cầm dao đuổi theo… Ngay như bản thân Của bị chém nhưng cũng thay đổi lời khai liên tục, khi là do ông Họp chém, khi lại là Quý chém…

Đáng chú ý, một số người có mặt tại hiện trường cho biết họ không nhìn thấy Quý và Thúy có mặt khi xô xát xảy ra. Tuy nhiên, họ không được cơ quan tố tụng xác định là nhân chứng nên họ đã gửi bản tường trình lời khai của mình đến tòa.

Được biết sau phiên sơ thẩm, Quý và Thúy đã có kháng cáo. Chúng tôi sẽ theo dõi và đưa tin về phiên xử phúc thẩm vụ án này.

14 năm mang thân phận bị can

Hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy cho biết họ đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi với hy vọng phiên phúc thẩm tới đây được xét xử một cách công minh, khách quan nhất. Bị cáo Quý nói: “14 năm ròng vụ án đã thay đổi cuộc đời của anh em tôi, đi theo một ngả rẽ tồi tệ mà có lẽ chúng tôi không bao giờ nghĩ tới!”.

Ngày xảy ra vụ án, Thúy là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, còn Quý cũng đang theo học một trường CĐ. Nhiều lần công an tìm tới trường, tới nơi họ trọ để mời đến làm việc và do quá áp lực cả hai đã phải bỏ dở giấc mơ của mình.

“Anh em tôi vẫn nói vui nếu thực sự chúng tôi có tội thì đến giờ này đã thụ án xong cả thập niên rồi. 14 năm mang thân phận bị can, bị cáo, chúng tôi đã mất đi quá nhiều thứ, bạn bè cùng trang lứa đều tiến lên, còn chúng tôi phải đứng lùi lại nhìn họ. Đau lắm!” - bị cáo Quý nói.

Theo Tuyến Phan

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh