“Khoảng cách” giữa hai thế hệ: Đâu là căn nguyên?

Phải nói ngay rằng, cái gọi là rạn nứt xã hội và khoảng cách giữa những người trong một gia đình, nó đã và đang gây ra rất nhiều những hậu quả khôn lường, mà chỉ khi sự việc vỡ òa mọi người mới đi tìm căn nguyên của nó. Vậy căn nguyên của nó nằm ở đâu, để tìm câu trả lời quả thật là không dễ.

Khi một sự việc đã xãy ra và được dư luận quan tâm như chuyện của Thùy Linh, mọi người mới giật mình trông người mà ngẫm đến ta và mọi vấn đề mới được nghiêm túc nhìn nhận, nhưng nhìn nhận thế nào cho phù hợp và phản ánh không sai lệch sự thật, điều này chưa được bàn tới.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Hơn nữa, tôi dám chắc rằng trong số các nguyên nhân mọi người tìm được, hầu hết là quy cho cái khách quan, cái ngẫu nhiên bên ngoài đã tác động và xem nó như nguyên nhân chính dẫn đến cái đã xãy ra, chứ ít ai lại dám hoàn toàn nhận trách nhiệm về mình (thực tế chuyện của Thùy Linh vừa qua là một minh chứng rõ ràng).

 

Nguyên nhân chính nằm ở đâu?

 

Có rất nhiều hướng để đi tìm câu trả lời, nhưng trước hết chúng ta hãy nhìn ở góc độ trong mối quan hệ gia đình, với lối suy nghĩ thuộc thế hệ những người già. Ông, Bà, Bố Mẹ trong suy nghĩ của mình cũng chỉ xem những đứa con dù đã lớn “tồng ngồng” rồi là trẻ con, mà là trẻ con thì chẳng có vấn đề gì phải lo lắng cả, chỉ lo sao kiếm đủ tiền cho chúng nó được ăn uống đầy đủ và học hành đến nơi đến chốn. Vì thế nên cùng với cuộc sống ngày càng khó khăn, họ mải miết với mục tiêu tốt đẹp, có tính lâu dài đó mà quên mất con họ đã lớn chừng nào và đang tham gia vào một xã hội vô cùng phức tạp như Bố Mẹ chúng.

 

Bị bỏ bê, chẳng được trang bị kỹ lưỡng những kiến thức cần thiết, kinh nghiệm sống lại chẳng có, nên thử hỏi con trẻ làm sao tránh được việc phải “nộp học phí” trong trường đời cho được? Nhưng cái học phí đã đóng ấy lại quá đắt, nó đắt gấp nhiều lần cái mà cả đời người có được.

 

Vậy làm sao để miễn giảm “học phí” cho các em mới vào đời?

 

Bố, Mẹ đã không xem con cái là một đối tượng đã được xã hội hóa, nên không tìm cách trang bị cho con những cái con cái mình cần, dẫn đến các bạn trẻ phải đi tìm thông tin ngoài luồng. Nhưng trong nguồn thông tin mà các bạn trẻ tiếp nhận, lại có vô số nguồn, tốt có, xấu có, vấn đề là phân loại và tiếp nhận nó như thế nào, với năng lực nhanh nhạy, nhưng chưa đầy đủ của mình thì làm sao các bạn trẻ gạn được đục để lấy trong. Ngay cả khi ấy, cái sai lầm lớn nhất của họ là lại không xem Bố Mẹ như là một người bạn để có thể thổ lộ, bày tỏ, mà lại nghĩ Bố Mẹ mình, nào là bảo thủ, suy nghĩ không tiến bộ, quan niệm cổ hủ trong hầu hết các vấn đề, đặc biệt là tình yêu, cái thời của các cụ là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lấy nhau vì nghĩa, chứ đâu như tụi mình mà hỏi.

 

Từ những suy nghĩ cục bộ, nhận thức không đầy đủ như thế vô hình trung đã làm cho chuyện trong gia đình trở thành chuyện nằm ở ngoài gia đình, còn khi mọi chuyện đã xảy ra thì gia đình chỉ là nơi gánh chịu hậu quả mà thôi. Để những chuyện đau lòng không tiếp tục kéo dài, có lẽ đến lúc chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ về nhau giữa cha mẹ và con cái.

 

(haianh36@gmail.com)  

 

LTS Dân trí - Đây cũng là vấn đề đặt ra từ “khoảng cách” giữa hai thế hệ - cha mẹ và con cái. Đó là khoảng cách về nhận thức, quan niệm; khoảng cách tạo ra vì thiếu sự trao đổi và cách thức trao đổi không tế nhị.

 

Đất nước ta đã trải qua hơn 20 năm đổi mới, mọi mặt của đời sống xã hội đa đổi thay rất nhiều, mức sống cao hơn, nhiều vùng nông thôn đô thi hóa, phương tiện thông tin tăng vượt bậc… duy chỉ có cách thức nuôi dạy con cái trong gia đình là hầu như không thay đổi, chủ yếu  vẫn “chạy” tiền cho con ăn học, để không thua chị kém em. Ít ai quan tâm đến diễn biến tâm lý của tuổi mới lớn, đến những biến động về nhận thức, tâm hồn trước những tác động của các nguồn thông tin rất đa dạng, đa chiều, nhất là lối sống ngoại lai du nhập vào cổ súy cho lối sống cá nhân cực đoan và buông thả.

 

Với tình hình hình diễn biến phức tạp đó, phần lớn các bậc cha mẹ chưa hiểu con cái mình đang nghĩ gì, thích gì, ham mê gì. Ngược lại, con cái cũng không hiểu cha mẹ, thiếu tôn trọng người sinh ra mình. Vậy thì làm sao cha mẹ có thể giáo dục, hướng dẫn con cái có kết quả.

 

Đổi mới tư duy và cách thức giáo dục con em trong mỗi gia đình đang là một yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các bậc làm cha làm mẹ.