Khoán phạt vi phạm giao thông: Sự bất lực của cơ quan quản lý

Nhiều người giật mình cho rằng đây là “chuyện thật như đùa”, thậm chí còn ví von với việc bà phó Đoan (nhân vật trong truyện Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) bị cảnh sát quở trách chỉ vì không cho chó… ị ra đường để phạt.

Điều suy luận này không hẳn không có lý, bởi nếu trong trường hợp người dân chấp hành đúng luật giao thông, không có vi phạm hoặc ít trường hợp vi phạm hơn “mức khoán” thì cảnh sát giao thông lấy đâu mà phạt? Liệu rồi những cảnh sát giao thông có bí quá mà bắt phạt cả những trường hợp lẽ ra chỉ cần “nhắc nhở”? Hoặc như một số người vẫn nói, cảnh sát giao thông không bắt thì thôi, chứ kể cả “bỗng dưng” thích lên mà kiểm tra thì kiểu gì chả tìm thấy lỗi!

Những người theo trường phái này phân tích: Nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là ngăn chặn hành vi vi phạm luật, nhắc nhở để người dân hiểu mà tham gia giao thông đúng luật. Tuy nhiên, vì quy định “khoán phạt” này, cảnh sát giao thông ở những điểm ít xảy ra tình trạng vi phạm sẽ cố tình bỏ qua qui định về vị trí đứng tại các chốt, điểm và sẵn sàng “núp bụi rậm” như người dân vẫn nói vui để dễ bề bắt phạt.

Ngoài ra, cũng có thể kể đến việc cảnh sát giao thông sẽ tùy tiện “tuýt còi” dừng người đang tham gia giao thông để kiểm tra giấy tờ, “ăn may” gặp những trường hợp sơ suất để phạt. Điều này sẽ gây phiền hà không ít đến những người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.

Khoán phạt vi phạm giao thông: Sự bất lực của cơ quan quản lý - 1
Vẫn phải phạt thôi vì hôm nay chưa đủ chỉ tiêu lãnh đạo giao!!!
Trái với quan điểm trên, nhiều người cho rằng lo như vậy là “hơi quá” và quy định giao “khoán” phạt là hết sức cần thiết trong tình trạng cảnh sát giao thông ăn mãi lộ, “phạt” không biên lai để đút tiền vào túi đang diễn ra khá phổ biến. Những người đề ra quy định này hẳn hiểu rất rõ thực trạng tình hình vi phạm giao thông hiện nay hết sức phức tạp trên tất cả các tuyến đường.

So sánh giữa thực tế vi phạm với số tiền mà cảnh sát giao thông phạt được mang về nộp chắc chắn phải có một sự chênh lệch đáng kể nào đó khiến cho các nhà lãnh đạo ngành này bất đắc dĩ phải nghĩ ra cái kiểu giao “khoán” như thế. “Chỉ nhìn lướt qua trên đường phố cũng đủ thấy tình trạng vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến nên các mức “khoán” này sẽ chẳng thể làm khó cảnh sát giao thông. Có chăng là số tiền “cho vào túi” sẽ ít đi còn số tiền nộp về sẽ tăng thêm - một người dân nói.

Một khảo sát không chính thức cho rằng, trên 50% số người vi phạm giao thông sẵn sàng “đút lót” cho cảnh sát giao thông để được tha. Lý do là bởi số tiền “đút lót” có thể không nhỏ hơn số tiền đáng ra phải nộp, nhưng nó giúp họ tránh được phiền hà như giữ giấy tờ, giữ xe, giải quyết được vấn đề "thời gian"…

Cũng có người lý giải rằng, có thể có những cảnh sát giao thông không ăn hối lộ, nhưng lại mắc “bệnh” lười, ăn lương nhà nước nhưng chỉ thích đứng chơi trong bóng mát, chuyện phiếm với cánh xe ôm hay “buôn” điện thoại mà bỏ qua các vi phạm khiến cho tình hình tai nạn cũng như ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng.

Theo lý giải của lãnh đạo phòng cảnh sát giao thông Hà Nội thì quy định này đưa ra để nhằm "khuyến khích cảnh sát làm tốt nhiệm vụ". Điều này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, cũng như thực tế về việc cảnh sát giao thông hóa trang mới được thực hiện gần đây tại Hà Nội, xét cho cùng, dù là vì lý do gì thì việc giao “khoán” này cũng thể hiện một sự bất lực trong công tác quản lý của lãnh đạo cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội.

Ý kiến của bạn về vấn đề "Khoán phạt vi phạm giao thông" này như thế nào?

Theo Tuệ Khanh
Báo VnMedia