Khổ tâm vì chưa làm tròn “chữ hiếu”

Nhân đọc bài “Cuộc sống người già và nghĩ về chữ hiếu thời nay” trên Diễn đàn Dân trí, tôi muốn bày tỏ hoàn cảnh riêng của mình và sự trăn trở về bổn phận của những người con không biết làm sao cho cha mẹ được an nhàn, nghỉ ngơi thoải mái khi đã quá tuổi 80…

Cha mẹ tôi hiện sống ở quận 7, TPHCM, cụ ông đã 83 tuổi, còn cụ bà 82 tuổi. Hai cụ sinh được 8 người con, 2 người là liệt sĩ, hiện còn 6 người con (5 người ở Việt Nam, 1 người ở Mỹ). Ba mẹ tôi là cán bộ về hưu, có một căn nhà mặt phố hơn 300 m2, ngoài ra còn có một vườn trồng cây ăn trái tại Long Khánh, Đồng Nai với diện tích 2 nghìn m2.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Anh chị em chúng tôi đều là viên chức nhà nước, có nhà ở riêng và cuộc sống ổn định trên mức trung bình. Chúng tôi sống hòa thuận và luôn quan tâm đến cuộc sống của cha mẹ, nhưng nhiều khi thấy bất lực vì khuyên can các cụ không được; có nhiều khi lại thấy áy náy vì hình như mình chưa làm tròn bổn phận người con, mặc dù ba mẹ tôi sống trong hoàn cảnh không phải là thiếu thốn.

Hai cụ sống trong căn nhà hai tầng, chỉ ở hết tầng trệt, còn toàn bộ trên lầu cho thuê được 5 triệu/tháng; thêm lương hưu 4 triệu; các con biếu thêm mỗi tháng 2 triệu (có khi nhiều hơn, chưa tính số tiền đứa con ở Mỹ gửi về). Ăn uống của các cụ hằng ngày đã có người con ở gần chăm lo: lúc chẳng may các cụ bị ốm đau, ngoài chế độ bảo hiểm y tế, chúng tôi đều có ý thức chăm sóc chữa chạy cho bố mẹ. Vào những ngày Tết nhất, giỗ chạp, con cháu thường sum họp đông đủ ở nhà ông bà, mong sao cho các cụ được vui vẻ, an nhàn lúc về già. Vậy mà chúng tôi vẫn chưa yên tâm và gợn lên những điều áy náy về cuộc sống của cha mẹ, vì các cụ đâu có chịu nghỉ ngơi khi ở độ tuổi ngoài 80…

Hiện nay, hằng ngày mẹ tôi vẫn trực tiếp chăm sóc miếng vườn ở Long Khánh. Do không am hiểu kỹ thuật trồng trọt nên không có hiệu quả, suốt mười mấy năm qua má tôi phải liên tục bù lỗ cho miếng vườn này, chịu đựng bao nhiêu vất vả, lại phải sống xa chồng con. Chúng tôi khuyên bà bán miếng vườn đó đi gởi tiền vào ngân hàng lấy lãi để có cuộc sống an nhàn; lúc rảnh rỗi hai ông bà đi du lịch, thăm viếng họ hàng, bạn bè. Nhưng hai cụ nhất định không nghe; cứ vài tháng lại bảo đứa này, đứa kia đưa tiền để các cụ đầu tư vào miếng vườn.

Chuyện như vậy cứ diễn đi diễn lại từ mười mấy năm qua. Chúng tôi bàn với nhau và đi đến sự nhất trí là không chu cấp cho các cụ để đầu tư vào mảnh vườn ấy nữa, phải cắt “viện trợ” vô lý ấy để má tôi buông mảnh vườn đó ra, vừa đỡ được khoản tiền bù lỗ vô lý vừa đỡ vất vả cho hai ông bà già. Nhưng ba má tôi vẫn quyết tâm đeo đuổi mảnh vườn đó, lúc cạn tiền thì ông bà đi vay, cho nên nợ năm sau chồng lên nợ năm trước…

Hậu quả là gia đình mất vui vì không cùng quan điểm. Anh chị em chúng tôi đành chọn giải pháp im lặng, để cho ông bà già muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn làm bổn phận người con như đã nói ở trên, nhưng ba má tôi tỏ ra không hài lòng vì thấy các con không ủng hộ nguyện vọng của mình. Riêng tôi là phận con gái, thấy rất khó xử và rất buồn. Không biết vì sao ở vào cái tuổi quá cổ lai hy mà ba má tôi vẫn ham mê làm vườn đến thế để tự chuốc lấy cái cực, cái khổ vào thân, lại còn rầu lòng vì sự bất đồng với con cái. Ba má tôi đâu có nhu cầu về tiền bạc, tại sao không chịu hưởng cái an nhàn của tuổi già khi những điều kiện thuận lợi nằm trong tầm tay mà tự chuốc lấy khổ vào thân.

Điều làm tôi khổ tâm nhất là các anh chị em chúng tôi đều có nhà cao cửa rộng, có ô tô riêng để dùng; thỉnh thoảng lại họp mặt gia đình, bạn bè tiệc tùng…Những lúc vui vẻ như thế, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến mẹ, trong lúc mình đang hưởng thụ, vui vẻ cùng con cái, bạn bè thì mẹ mình thui thủi một mình với mảnh vườn nơi thôn quê, hẻo lánh!

Thấy xót xa như vậy, cho nên chúng tôi rất hạn chế những cuộc tiệc tùng để khỏi phải chạnh lòng nghĩ tới ba má. Xin nói thêm rằng, tất cả anh chị em chúng tôi không có nhu cầu cha mẹ phân chia tài sản cho mình, chỉ muốn khuyên các cụ bán đất vườn đi với mục đích cất cái gánh nặng vô lý đặt lên vai bà già. Trước những lời khuyên thật thấu tình đạt lý của các con, ông bà già đâu có nghe. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi vẫn thấy băn khoăn không biết mình đã làm tròn “chữ hiếu” đối với cha mẹ hay chưa vì không chiều theo ý muốn - dù rất vô lý- của cha mẹ mình!?

Có nhiều người, kể cả họ hàng, cũng có lúc hiểu lầm cho rằng chúng tôi giàu có mà không nuôi nổi cha mẹ, để các cụ đã ngoài 80 vẫn phải bươn chải tự lo cuộc sống. Nhưng khi biết rõ sự thật thì mọi người đều phải thở dài, lắc đầu và tỏ ý thông cảm với nỗi khổ tâm của bọn tôi.

Tôi tự vấn lương tâm thấy rằng chúng tôi muốn làm tốt đạo làm con nhưng ba má tôi không tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện nguyện vọng đó. Đáy chính nỗi khổ tâm mà hôm nay tôi muốn bộc bạch cùng Diễn đàn Dân trí, một diễn đàn được bạn đọc tin cậy.

Quangle
quangle0603@yahoo.com.vn

LTS Dân trí - Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh. Người ta thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng không hẳn như thế. Mỗi hoàn cảnh đều có cái thuận, cái nghịch cũng như cái dễ, cái khó của hoàn cảnh đó khi muốn thực hiện trọn vẹn “chữ hiếu” theo đạo lý truyền thống của dân tộc ta.

Nói đến “chữ hiếu” là nói đến mối quan hệ hai chiều giữa con cái và cha mẹ; đương nhiên vai trò chủ động ở đây thuộc về con cái, nhưng nói như vậy không có nghĩa là cha mẹ không có vai trò gì hoặc giữ vai trò hoàn toàn thụ động trong mối quan hệ này. Thường trong những gia đình gia giáo, sống có nền nếp, chỉ cần nhìn tấm gương của cha mẹ đối xử với ông bà, rồi đến lượt mình, con cái lại đối xử với cha mẹ mình theo nền nếp gia phong vốn có.

Hầu hết trong những gia đình như vậy, mọi thành viên trong nhà thường biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau. Đã đành, con cái bao giờ cũng tôn trọng và lắng nghe những lời khuyên bảo của cha mẹ; ngược lại, cha mẹ cũng luôn lắng nghe và tôn trọng những ý kiến đóng góp của các con, nhất là khi mình đã bước vào tuổi “cổ lai hy” khi sự minh mẫn không còn được như xưa. Có lẽ vì vậy, ông cha ta đã có câu nói “Trẻ - quyền cha; Già - quyền con “. Không phải lúc nào cũng lấy quyền làm cha làm mẹ để áp đặt mọi chuyện, lấn át những ý kiến đóng góp đúng dắn của con cái. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện trọn vẹn đạo lý “chữ hiếu” trong mỗi gia đình cũng như trong xã hội.