Những kiểu làm nghiên cứu khoa học tréo ngoe:

Khi sĩ diện học giả bị làm ngơ

(Dân trí) - Đọc chuyện đề tài khoa học trình độ tiến sĩ được nghiệm thu bởi các cử nhân xảy ra ở Quảng Nam, nhiều nhà giáo chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí còn tiết lộ nhiều chuyện còn tréo ngoe hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

“Nghiên cứu khoa học của nước ta vẫn còn nặng cơ chế xin cho, và không theo một quy tắc thống nhất, mạnh ai nấy làm”, giáo sư - viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương thẳng thắn khẳng định về thực trạng nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Theo giáo sư - viện sĩ Đặng Hữu, để thành lập một hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học luôn có những nguyên tắc, tiêu chí nhất định, nên việc để cho những người có học vị thấp hơn nghiệm thu đề tài khoa học của người có học vị cao hơn là cái sai từ gốc. Giáo sư cho hay, không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo của chúng ta cũng có kiểu “cơm chấm cơm” này, nghĩa là những nhà giáo chỉ có bằng cử nhân vẫn dạy đại học, có bằng thạc sĩ lại dạy cao học. Thực trạng này có ở khắp các trường đại học trong cả nước, nhất là khi nhiều trường đại học mới được thành lập chưa được chuẩn hóa về đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thực tế, người ta vẫn có quyền mời những người có học vị không cao ngồi vào hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học, nhưng thường chỉ một hoặc hai người và người đó phải là người có chuyên môn sâu về lĩnh vực được mời, có kinh nghiệm để đánh giá và nhận định vấn đề. Còn ở đây 4 ông cử nhân và 1 ông thạc sĩ thì hầu hết chỉ là chức vụ chứ chưa có đủ trình độ để nghiệm thu đề tài khoa học của hai ông tiến sĩ.

Tuy nhiên, điều được nhiều nhà giáo chia sẻ nhất chính là chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay. Mỗi năm các trường đại học cho ra đời hàng chục, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp trường và kinh phí dành cho nghiên cứu mà ngân sách Nhà nước phải bỏ ra lên đến hàng tỷ đồng. Nếu như việc thống kê số lượng đề tài, tổng chi phí dành cho nghiên cứu được cụ thể hóa thành những con số rõ ràng thì việc thống kê có bao nhiêu công trình có thể ứng dụng vào thực tiễn lại hết sức mơ hồ, thậm chí người ta vẫn xem nghiên cứu khoa học chỉ là… nghiên cứu.

Một nhà giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội nửa đùa nửa thật nói rằng, bây giờ nhiều nhà giáo không gọi nghiên cứu khoa học là công trình hay đề tài nữa mà kêu hẳn là “dự án”. Vì xem nghiên cứu khoa học là dự án nên hầu như họ chỉ chú trọng đến khoản lợi nhuận thu được từ đề tài mình thực hiện hơn là giá trị ứng dụng thực tiễn mà đề tài đem lại trong cuộc sống.

Có nhiều lời giải thích được đưa ra để bao biện cho việc nhiều đề tài khi thực hiện xong là cất vào tủ kính, như chi phí thực hiện đề tài quá ít ỏi, thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học của mỗi giáo viên đại học bị lấn át bởi thời gian giảng dạy (dạy chính quy, dạy tại chức, dạy từ xa…), mối liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp còn rời rạc.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà rất ít nhà giáo thừa nhận, đó là ý thức nghề nghiệp của mỗi người trong công tác nghiên cứu khoa học. “Tôi biết có rất nhiều giáo viên giỏi nhưng hàng ngày vẫn chạy sô đi dạy. Thu nhập của họ hàng tháng lên đến hai mươi, ba mươi triệu đồng. Thời gian cho giảng dạy quá nhiều thì lấy đâu ra mà nghiên cứu khoa học nữa. Mấy ông ấy vẫn biết cái sĩ diện của một học giả, nhưng họ cũng nhắm mắt làm ngơ để đi kiếm cơm, thế đấy”, giáo sư Đặng Hữu cho hay.

Lượt sơ qua đề tài nghiên cứu khoa học của các trường, dễ nhận thấy nhất là những đề tài có tên gọi rất mông lung, mơ hồ, kiểu như “Đánh giá về”, “Bàn về…” “Một số vấn đề…”, “Một số đề xuất, giải pháp…”. Theo tiết lộ của một số nhà giáo thì những công trình nghiên cứu khoa học ít chuyên sâu, ít minh chứng thực tiễn thì lại dễ được nghiệm thu và quan trọng nhất là vẫn “bỏ túi” được một khoản tiền sau khi đề tài hoàn thành.

Trung bình một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được duyệt khoảng 50 triệu đồng làm trong vòng 2 năm. “Con số ấy đối với những đề tài cần điều tra khảo sát để tìm minh chứng thì quá nhỏ nhưng với những đề tài mang tính “chính luận” lại quá hời”, GS-TSKH Lê Văn Thuyết, Trưởng ban Đào tạo Sau Đại học-Đại học Huế, người đã rất nhiều năm phụ trách mảng nghiên cứu khoa học ở Đại học Huế cho nhận định.

Làm nghiên cứu khoa học giờ cũng có nhiều kiểu biến tấu rất “độc đáo”. Cách phổ biến nhất là ông thầy (người chủ nhiệm đề tài) cắt nhỏ công trình nghiên cứu khoa học thành những tiểu luận, khóa luận rồi giao cho sinh viên, học viên cao học thực hiện, sau đó ông tổng hợp lại thành công trình nghiên cứu khoa học của riêng mình.

Còn nhớ vào năm 2007, ở Đại học Huế xảy ra một “sự cố hài hước” khi 2 đề tài khoa học - một là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của một vị phó giáo sư và một là đề tài luận văn thạc sĩ của một vị là phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo - bị phát hiện giống nhau trên 90%.

Hóa ra vị phó giáo sư “bán” đề tài cho học trò của mình làm luận văn thạc sĩ, nhưng vẫn “tiếc của” nên vẫn đăng ký đề tài làm công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ cho riêng mình. Vụ việc này sau đó cũng êm xuôi, khi đề tài khoa học cấp Bộ của vị phó giáo sư bị truy thu phân nửa khoản kinh phí đã cấp, riêng đề tài luận văn thạc sĩ thì êm thấm và người “đạo văn” vẫn được công nhận là thạc sĩ chính quy.

Điều nực cười là, xử lý những trường hợp tương tự như trên, nếu thấy 2 bài thi của học sinh giống nhau thì chắn chắn các thầy sẽ thẳng tay cho cả 2 bài điểm liệt ngay lập tức.

Nói như giáo sư-viện sĩ Đặng Hữu, xét cho cùng, thực trạng những công trình nghiên cứu khoa học sau khi hoàn thành bị cất vào tủ kính không phải là lỗi của một người, một bộ phận mà là của cả một cơ chế. Cơ chế xét duyệt, cơ chế thực hiện, cơ chế quản lý, nghiệm thu. Chỉ một khâu trong đó bị lỗi thì cho ra lò những sản phẩm thô kệch, không có giá trị thực tiễn. Để thay đổi được điều này trong một thời gian ngắn là quá khó, nhưng không phải vì thế mà không làm.

50% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học hàng năm

 

Thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo, có khoảng 50% giảng viên các trường đại học tham gia nghiên cứu khoa học, đây vẫn là một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo giáo sư Hoàng Tụy, các trường ĐH lớn ở các nước cũng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2/3 giảng viên có nghiên cứu khoa học.

 

Đối với số đông các trường ĐH “làng nhàng” của họ thì hàng năm có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học đã là khả quan. Thế nên nhận định nghiên cứu khoa học ở các ĐH nước ta còn yếu kém vì…  chỉ có 50% giảng viên nghiên cứu khoa học và chỉ có 30 - 40% công trình khoa học được áp dụng thực tế là rất chủ quan.

 

Cái căn bản nhất là đang có sự khác biệt rất lớn giữa ta và các nước trong quan niệm thế nào là công trình khoa học. Ở nước ta, muốn thi vào làm nghiên cứu sinh phải có hai công trình khoa học đã đăng ở các tạp chí quốc gia. Đương nhiên, cái gọi là công trình khoa học ở đây phải hiểu theo tiêu chuẩn ở nước ta, nghĩa là rất thấp. Đấy là chưa nói các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ còn có thể mua sẵn hay chế biến xào xáo từ các “chợ luận văn” như “chợ trời”.

 

Cho nên, thiếu tính chuẩn mực, không giữ đúng chuẩn mực, bất chấp chuẩn mực quốc tế là nguyên nhân tình trạng lộn xộn, thật giả lẫn lộn, đang tràn lan hiện nay.

Sông Lam