Tư vấn pháp luật:

Kế toán trưởng có thể ủy quyền lại cho kế toán nếu được Giám đốc đồng ý?

(Dân trí) - Giám đốc của một công ty ủy quyền cho kế toán trưởng A thực hiện giao dịch và ký kết các chứng từ với ngân hàng.

Kế toán trưởng A lại ủy quyền công việc đã được giám đốc ủy quyền cho kế toán B, để B giao dịch, ký kết các chứng từ với ngân hàng.

Tôi xin hỏi: 1/ Việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý của giám đốc, đúng không? 2/ Trong thời gian A ủy quyền lại cho B thì A có được giao dịch và ký các chứng từ mà A đã ủy quyền cho B thực hiện thay mình không, ví dụ như cả A và B đều có quyền ký các chứng từ của ngân hàng (giả sử có nhiều chứng từ khác nhau cần phải ký và lúc thì A ký, lúc thì B ký có được không?). Mong sớm nhận được phản hồi từ Quý báo! Chân thành cảm ơn. (Phan Nguyễn Ngọc Quỳnh, email: phannguyenngocquynh@yahoo.com)
Kế toán trưởng có thể ủy quyền lại cho kế toán nếu được Giám đốc đồng ý? - 1
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Trả lời:

Căn cứ Điều 581 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau:

“Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo quy định nêu trên giám đốc có thể ủy quyền cho kế toán trưởng A giao dịch và ký kết các chứng từ với Ngân hàng. 

Căn cứ điều 583 Bộ luật dân sự về Uỷ quyền lại như sau:

“Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Hình thức hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức hợp đồng uỷ quyền ban đầu.

Việc uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu”.

Vì vậykế toán trưởng A có thể ủy quyền lại cho kế toán B để B giao dịch ký kết các chứng từ với Ngân hàng nếu được giám đốc đồng ý. Nếu giám đốc ủy quyền cho A bằng văn bản thì A ủy quyền lại cho B cũng bằng văn bản. Nội dung ủy quyền không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Trong thời gian A chưa ủy quyền lại cho B, A vẫn là người giao dịch ký kết các chứng từ với Ngân hàng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự quy định Nghĩa vụ của bên được uỷ quyềnnhư sau: “Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền”.

Như vậy, A phải có trách nhiệm thông báo với Ngân hàng về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền. Sau khi A và B ký hợp đồng ủy quyền lại thì tùy theo nội dung hai bên đã ký kết trong văn bản ủy quyền mà B hoặc cả A và B có thể ký chứng từ, giao dịch với Ngân hàng.

Nếu A ủy quyền lại toàn bộ nội dung mà giám đốc đã ủy quyền cho B thì chỉ B mới được ký kết giao dịch với Ngân hàng. Nếu A ủy quyền một phần nội dung ủy quyền mà giám đốc đã ủy quyền thì B chỉ được ký các giao dịch, giấy tờ mà A đã ủy quyền. Nếu bạn muốn cả A và B có thể thay mặt giám đốc ký các giấy tờ giao dịch với khách hàng thì giám đốc phải có văn bản ủy quyền cho cả A và B ký kết giao dịch chứng từ với Ngân hàng.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc