Vĩnh Long:

Hy hữu: Bị đình chỉ kinh doanh vì… địa điểm quá thuận lợi

(Dân trí) - “Cán bộ nhiều lần mời làm việc vận động chuyển đi chỗ khác vì địa điểm ngay ngã ba “hốt” hết khách trong chợ. Vận động không được họ nói không phù hợp quy hoạch để bắt ngưng hoạt động” – Bà Phạm Thị Ngò nói về nguyên nhân bị buộc ngưng hoạt động của doanh nghiệp mình.

PV Dân trí nhận được đơn cầu cứu của ông Huỳnh Minh Lương và vợ là bà Phạm Thị Ngò, chủ doanh nghiệp tư nhân Thiên Lương Vĩnh Long (chuyên kinh doanh thịt lợn (heo) tại ấp Long Công, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bị buộc đình chỉ kinh doanh chỉ vì địa điểm bán hàng nằm ngay ngã ba đường, không phù hợp với quy hoạch và cách chợ hơn 200 m nên không đảm bảo công bằng với các hộ tiểu thương khác bán trong chợ…

Bà Ngò bức xúc cho biết: “Doanh nghiệp của tôi được Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Long cấp phép hơn 1 tháng chưa ổn định kinh doanh mà cơ quan chức năng đã 4 lần kiểm tra, mời làm việc. Ngoài ra, nhiều lần kiểm tra miệng mà không lập biên bản. Liên tục bị “hành” như vậy nhưng doanh nghiệp tôi vẫn đáp ứng đủ mọi điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ mà cơ quan chức năng đưa ra … . Tuy nhiên, mới đây 2 vợ chồng tôi được mời lên huyện làm việc và cho biết sẽ bị đình chỉ kinh doanh vì 18 hộ bán thịt lợn trong chợ kiện do chỗ tôi bán ngay ngã ba lấy hết khách hàng của họ”.

Hy hữu: Bị đình chỉ kinh doanh vì… địa điểm quá thuận lợi - 1

Điểm bán thịt của bà Ngò bị buộc ngưng kinh doanh vì lý do không phù hợp với quy hoạch của địa phương

Theo đại diện doanh nghiệp, mới hơn 1 tháng hoạt động mà cơ quan chức năng lấy đủ lý do để bắt doanh nghiệp ngưng hoạt động nào là không đảm bảo an toàn giao thông, gần khu di tích (khu di tích lịch sử Cái Ngang cách địa điểm bán khoảng 2 km - PV) không đảm bảo mỹ quan, nằm trong khu quy hoạch…”.

Trong biên bản họp ngày 30/9, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Long cho rằng khi cấp phép chưa phối hợp với huyện Tam Bình trước khi cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp. Sở kiến nghị doanh nghiệp dời vào trong khu nhà lồng chợ Cái Ngang để kinh doanh nhằm đảm bảo công bằng với các hộ tiểu thương khác. Nếu doanh nghiệp không đồng ý thì sẽ dời đến địa điểm khác thuận lợi hơn nhưng phải phù hợp với quy hoạch của huyện Tam Bình.

Hy hữu: Bị đình chỉ kinh doanh vì… địa điểm quá thuận lợi - 2

Ông Lương gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho rằng: “Theo kế hoạch cuối năm 2015 sẽ phát triển khu vực chợ Cái Ngang thành đô thị loại 5. Hiện việc cấp phép của Sở Kế hoạch Đầu tư là không sai nhưng địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch của địa phương”.

Tuy nhiên, theo bà Ngò việc UBND huyện cho rằng địa điểm kinh doanh không phù hợp quy hoạch chỉ là cái cớ vì xung quanh có nhiều hộ kinh doanh đang mua bán, ngay cả  2 hộ cùng mua bán mặt hàng thực phẩm tươi sống là thịt bò cũng không thấy huyện đá động gì tới. Đồng thời, gia đình có sẵn lò mổ nên cất công vào tận hộ chăn nuôi mua rồi giết thịt đem bán nên giá bán rẻ hơn trong chợ khoảng 5.000 đồng/kg. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến các hộ tiểu thương trong chợ đi kiện, quyết ép doanh nghiệp nghỉ buôn bán cho bằng được.

Ông Huỳnh Minh Lương (chồng bà Ngò - PV) bức xúc: “Luật quy định tự do trong kinh doanh, doanh nghiệp có thể chọn địa điểm nào thuận lợi nhất để buôn bán. Vậy mà cán bộ huyện nói chúng tôi quá “khôn” khi chọn ngay ngã ba sẽ “hốt” hết khách hàng nên buộc phải di dời vô chợ hoặc ở địa diểm xa cách đó hơn 1 km chứ nhất quyết không cho ở ngay ngã ba”.

 

Hy hữu: Bị đình chỉ kinh doanh vì… địa điểm quá thuận lợi - 3

Địa điểm ngã ba có nhiều điểm kinh doanh mua bán nhưng không bị bắt ngưng hoạt động.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Cao Thanh Quân, Phó Trưởng phòng Công thương huyện Tam Bình Cho biết: “Vụ việc doanh nghiệp tư nhân của bà Ngò được Sở Kế hoạch Đầu tư và cơ quan chức năng của huyện phối hợp giải quyết. Do sở cấp giấy phép kinh doanh không tham khảo ý kiến của huyện nên có nhiều bất cập. Địa điểm kinh doanh nằm ở ngày ngã ba, cách chợ Cái Ngang 200 m nên mười mấy hộ tiểu thương bán thịt lợn trong chợ khiếu nại đến UBND huyện. Cơ quan chức năng đã mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc, vận động doanh nghiệp 3 phương án gồm: Dời địa điểm bán vô nhà lồng chợ, dời khỏi vị trí ngã ba khoảng 1 km, doanh nghiệp chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ. Tuy doanh nghiệp nhất quyết không chịu nên cơ quan chức năng kiến nghị rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp”. Theo ông Quân, mặc dù ngành nghề buôn bán thực phẩm tươi sống không hạn chế kinh doanh nhưng việc doanh nghiệp bán tại ngã ba như vậy gây nhiều xáo trộn, xảy ra tranh chấp nên vận động doanh nghiệp di dời, sắp xếp theo quy hoạch của huyện.

Khi được hỏi, 2 địa điểm kinh doanh thực phẩm tươi sống là thịt bò kế bên không thấy cơ quan chức năng kiểm tra hay buộc di dời, ông Quân cho rằng sắp tới cũng sẽ vận động doanh nghiệp di dời vào nhà lồng chợ hoặc theo quy hoạch của huyện.

Theo bà Ngò, gia đình đã đầu tư gần 100 triệu đồng để thuê mặt bằng, mua sắm cơ sở vật chất nhưng giờ buộc ngưng hoạt động nên phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Mới đây, cơ quan chức năng đưa văn bản yêu cầu trong vòng 3 ngày sẽ ngưng hoạt động. Hiện doanh nghiệp đang gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị buộc ngưng kinh doanh với lý do hết sức phi lý là địa điểm thuận lợi, “đón đầu” các địa điểm kinh doanh khác.

Minh Giang