Hung thủ đâm 12 người thương vong kinh hoàng ở Bạc Liêu có thoát tội?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) khiến 12 người thương vong xảy ra vào ngày 24/7, mà nghi phạm được cho là có tiền sử bị tâm thần. Luật sư Trần Bá Học nêu quan điểm, sau khi có kết luận giám định, nghi phạm không bị tâm thần mà chỉ bị hạn chế năng lực hành vi do mắc bệnh thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như Báo Dân trí đã đưa tin, vào khoảng 15h chiều ngày 24/7, Thạch Sà Khên (SN 1983, ngụ ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), bất ngờ cầm dao và một khúc gỗ dài tấn công nhiều người trong xóm tại ấp Đay Tà Ni, khiến 12 người thương vong.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an huyện Vĩnh Lợi và tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường, khống chế và bắt giữ Khên. Đồng thời, đưa người bị thương đến Trạm Y tế xã Hưng Hội và Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cấp cứu.

Điều đáng nói, những người bị Khên chém không hề có thù hằn, mâu thuẫn gì với y. Theo người nhà và cơ quan chức năng địa phương, bước đầu ghi nhận đối tượng Khên có tiền sử bị bệnh tâm thần từ nhiều năm nay.

Luật sư Trần Bá Học (Hãng Luật Roma, TPHCM)
Luật sư Trần Bá Học (Hãng Luật Roma, TPHCM)

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trần Bá Học (Hãng Luật Roma, TPHCM) cho biết, đây là vụ thảm sát kinh hoàng gây chấn động dư luận. Theo thông tin từ gia đình thì kẻ gây án có tiền sử bị bệnh tâm thần.

“Theo quy định của Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự, nếu người gây án có biểu hiện tâm thần thì cơ quan điều tra phải ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần. Từ kết luận giám định đó, cơ quan điều tra mới tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo đối với người này”, Luật sư Học nói.

Theo Luật sư Trần Bá Học, nếu trường hợp có kết luận kẻ gây án bị tâm thần thì về nguyên tắc sẽ đình chỉ điều tra đối với người này và ra quyết định chữa bệnh bắt buộc.

Luật sư Trần Bá Học nêu quan điểm, bắt buộc chữa bệnh có mục đích đầu tiên là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần. Bên cạnh đó, bắt buộc chữa bệnh còn mang nội dung nhân đạo cao cả, thay vì áp dụng hình phạt đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, tòa án cho họ được chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa. Trong trường hợp không cần thiết phải đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Luật sư Trần Bá Học, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới nhằm hạn chế, khắc phục những hạn chế bất cập trong quy định về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Trong đó, Điều 447, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”

Điều 21, Bộ Luật hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

“Nếu sau khi kết luận, người này không bị tâm thần mà chỉ bị hạn chế năng lực hành vi do mắc bệnh thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Học thông tin.

Theo Luật sư Trần Bá Học, tình huống đặt ra nếu người này bị tâm thần thì trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vẫn phải đặt ra nếu những người bị hại yêu cầu. Lúc này, người đại diện hợp pháp của người tâm thần (người giám hộ) phải chịu trách nhiệm bồi thường thay cho người bị tâm thần.

“Còn dưới góc độ quản lý nhà nước thì cần thiết phải quản lý chặt chẽ người bị tâm thần. Nếu thấy họ có biểu hiện này phải yêu cầu gia đình đưa vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc về tâm thần, tránh tình trạng để người tâm thần tại nhà có thể gây nguy hiểm cho chính gia đình cũng như cho xã hội”, Luật sư Học nêu rõ.

Đường vào ấp Đay Tà Ni...
Đường vào ấp Đay Tà Ni...
... và xóm nhà xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến 12 người thương vong.
... và xóm nhà xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến 12 người thương vong.

12 nạn nhân trong vụ án gồm: Hồ Thị Trầm (93 tuổi), Hồ Minh Duy (12 tuổi), Hồ Quang Trang (48 tuổi), Bùi Văn Chưởng (70 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Nhiều (16 tuổi), Ông Thị Tươi (66 tuổi), Huỳnh Thị Hòa (63 tuổi), Hồ Bích Ngọc (11 tuổi), Trương Ánh Phương (21 tuổi), Dương Tú Quyên (6 tháng tuổi), Dương Trấn Huy (8 tuổi), Thạch Trọng Tình (10 tuổi).

Trong đó, bà Trầm và cháu Quyên đã tử vong. Còn 10 người đang được điều trị tại các bệnh viện Bạc Liêu, Cần Thơ và TPHCM. Có một số nạn nhân vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch.

Hiện Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thạch Sà Khên để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng hoàn tất các thủ tục cần thiết để đưa Khên đi giám định tâm thần, để xử lý theo quy định.

Huỳnh Hải