Bạc Liêu:

Hơn 50 năm chờ đợi một chế độ chính sách cho cha

(Dân trí) - “Sinh tôi ra được 1 tháng thì cha đi tập kết ra Bắc, tôi chưa một lần được nhìn thấy mặt cha. Hơn 50 năm qua, gia đình tôi mỏi mòn chờ đợi một chế độ chính sách cho cha nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Chúng tôi gặp ông Lâm Việt Sơn (năm nay gần 60 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), nghe ông kể về những ngày tháng chờ đợi thông tin từ ngành chức năng xem xét chế độ chính sách cho cha ông, hy sinh vì nước đã 50 năm qua.

Ông Lâm Việt Sơn đang xem lại những giấy tờ hình ảnh liên quan đến cha ông. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Ông Lâm Việt Sơn đang xem lại những giấy tờ hình ảnh liên quan đến cha ông. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Ông Sơn cho biết, cha ông là Lâm Nghĩa Trọng, sinh năm 1932 tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Năm 1946, lúc mới 14 tuổi, cha ông theo anh trai là Lâm Văn Be (thời điểm đó 16 tuổi, hiện là liệt sĩ) đi cách mạng. Ông Trọng từng hoạt động bên Cao Miên rồi bị thương. Sau đó, ông được đưa về Việt Nam và đến năm 1954, ông cùng với nhiều người khác tập kết ra Bắc, đi từ cửa biển Gành Hào thuộc huyện Đông Hải, Bạc Liêu bây giờ.

Ông Trọng ra Bắc hoạt động ở chiến trường Hà Nội. Những năm sau đó, do vết thương ở phổi hồi bị thương bên Cao Miên hành hạ nên ông Trọng được bác sĩ phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, thời buổi chiến tranh thiếu thốn nhiều thứ nên vết thương đã không lành lặn, ông Trọng không qua khỏi. Năm 1962, ông Trọng mất, được đồng đội làm lễ truy điệu, sau đó an táng tại nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội).

Ông Lâm Việt Sơn đang xem lại những giấy tờ hình ảnh liên quan đến cha ông. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Những hình ảnh đồng đội làm lễ truy điệu ông Lâm Nghĩa Trọng khi ông mất tại chiến trường Hà Nội vào năm 1962. (ảnh gia đình cung cấp).

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm Việt Sơn (là con trai duy nhất của ông Trọng) cho biết, sau khi sinh ông được khoảng 1 tháng thì cha ông tập kết ra Bắc rồi hy sinh nên ông chưa bao giờ được gặp mặt cha. Ông chỉ nghe mẹ ông và những người thân khác kể lại về những ngày tháng xa nhà đi cách mạng của cha. Với ông Sơn, một tiếng "Cha" ông chưa bao giờ được gọi và ông xem đây là sự thiếu thốn, mất mát lớn nhất của đời mình.

Ông Sơn cho biết, năm 1954 khi cha ông đi và nhiều năm sau đó, gia đình không một tin tức gì của ông Trọng đã mất hay còn sống, gia đình cũng không nhận được giấy báo tử. Đến sau 1975 (khoảng những năm 1976, 1977) thì có người quen báo tin ông Trọng đã hy sinh ở Hà Nội. Gia đình ông Sơn nhận được một số hình ảnh lúc cha ông mất, đó là cảnh đồng đội làm lễ truy điệu để an táng. “Lúc đó, tôi mới biết tin là cha tôi đã mất và tôi là con trai duy nhất nên đã lập bàn thờ và thờ cho đến nay”, ông Sơn ngậm ngùi nói.

Di ảnh ông Trọng (

Di ảnh ông Trọng (góc trên bên trái) mà ông Lâm Việt Sơn đang thờ tự. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Rất nhiều năm sau khi biết tin ông Trọng mất, gia đình ông Sơn mỏi mòn chờ thông tin từ phía cơ quan Nhà nước về việc xem xét chính sách công nhận liệt sĩ cho ông Trọng nhưng không có kết quả. Vì cuộc sống thời điểm đó rất khó khăn nên gia đình ông Sơn không có điều kiện để tiếp cận những thông tin về ông Trọng. Chờ mãi không được nên đến năm 1996, ông Sơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang để nhờ xem xét.

Theo một số giấy tờ mà ông Sơn cho chúng tôi xem, trong đó có văn bản của Ban LĐ-TB&XH xã Đông Hưng, huyện An Minh, Kiên Giang (lúc này gia đình ông Sơn còn ở Kiên Giang) hồi tháng 6/1996 ghi rõ: Nguyên trước đây ông Lâm Nghĩa Trọng tham gia cách mạng, vào năm 1946 là cán bộ tình nguyện quân Cao Miên. Đến năm 1954 đi tập kết ra Bắc. Đến năm 1958 được Chính phủ tặng Huân chương chiến thắng và giấy khen của Bộ Quốc phòng cùng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ tặng. Ông đã hy sinh ở chiến trường miền Bắc nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Do đó Ban LĐ-TB&XH xã đề nghị lên cấp trên xem xét giải quyết chính sách chế độ cho ông Trọng.

Ông Sơn cho biết, tháng 5/1997, ông tìm đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang và các cơ quan này chỉ có giấy thiệu để ông ra Hà Nội tìm tung tích của cha ông để lập hồ sơ liệt sĩ vì lúc đó chưa biết tung tích của ông Trọng.

Cùng năm này, ông Sơn cũng đã nhiều lần đến Bộ tư lệnh Quân khu 9 (đóng tại TP Cần Thơ) để tìm hiểu nhưng đơn vị này cho biết cần phải có những người trong đơn vị của ông Trọng xác nhận thì mới có cơ sở xem xét. “Hầu như những người cùng thời với cha tôi đã mất hết hoặc nếu còn chúng tôi cũng không biết được nên không thể nào có người ở đơn vị cha tôi xác nhận để làm thủ tục và như vậy thì khó khăn quá”, ông Sơn bùi ngùi nói.

Theo ông Sơn, cách đây không lâu, nhờ người quen nên gia đình đã xác định được tung tích của cha ông hiện cải táng nằm tại nghĩa trang Yên Kỳ khu D7 (trước thuộc huyện Ba Vì, Hà Tây, nay là Hà Nội mở rộng); trên phần mộ có ghi rõ các thông tin: Lâm Nghĩa Trọng, sinh năm 1932, mất 24-07-1962, số mộ 246, Bạc Liêu. “Với tung tích mà gia đình tôi biết được, chúng tôi mong muốn đây sẽ là một trong những bằng chứng để cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét công nhận liệt sĩ cho người đã hy sinh”, ông Sơn bày tỏ mong muốn sau hàng chục năm chờ đợi. Ông Sơn cho biết thêm, năm cha ông tập kết ra Bắc cũng là năm mà bác của ông (ông Lâm Văn Be) hy sinh tại chiến trường miền Nam, hiện đã là liệt sĩ.

Ông Sơn cũng cho biết, ông vừa có đơn gửi Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ và Sở xem xét trường hợp của cha ông.

Gia đình đã xác định được phần mộ của ông Trọng (

Gia đình đã xác định được phần mộ của ông Trọng (vòng xanh) hiện đang nằm tại nghĩa trang Yên Kỳ - Hà Nội (ảnh gia đình cung cấp).

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, trước mắt là một người đàn ông đã hai thứ tóc, là cha của 5 đứa con nhưng chưa bao giờ được gặp mặt cha ruột của mình và với hàng chục năm chờ đợi một chính sách để ghi nhận sự hy sinh của cha ông khiến chúng tôi cũng bùi ngùi xúc động. Ông Sơn bộc bạch lòng mình: “Ước nguyện lớn nhất của tôi được gọi cha là liệt sĩ nhưng biết chờ đến bao giờ”. 

                                                                                                            Huỳnh Hải