Bạn đọc viết:

Học sinh trường làng cũng ép bố mẹ mua điện thoại di động

(Dân trí) - Bố mẹ không mua điện thoại di động cho thì con sẽ bỏ học - lời đe dọa đó xem ra đang trở nên khá quen thuộc trong cả giới học sinh ở một số làng quê hiện nay.

Học sinh trường làng cũng ép bố mẹ mua điện thoại di động - 1
Nhiều học sinh đua đòi muốn sử dụng điện thoại di động.
 
Nếu như trước kia trong cặp của những học sinh cấp II chỉ có sách vở, bút thước và một số đồ dùng học tập khác, thì thời đại công nghệ cao ngày nay, các cô cậu trường làng cũng có những đòi hỏi cao hơn cho... hợp thời. Trong cặp của không ít cô bé, cậu bé giờ phải có thêm điện thoại di động.

Học sinh ở các thành phố, gia đình có điều kiện kinh tế thì việc bố mẹ mua điện thoại di động cho con cái dù sao cũng có thể coi là chuyện dễ hiểu. Còn ở các làng quê nghèo khó, nhiều gia đình còn ở trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vậy mà con cái của họ mới bước lên cấp II là hầu như không đứa nào là không đòi phải có bằng được điện thoại di động.

Ở làng quê, những thanh niên đi làm, đi học ở xa về ai cũng có điện thoại di động. Chuyện đó cứ như thể mồi lửa châm ngòi cho sự bùng nổ tính đua đòi của không ít thiếu niên.

Thấy các anh các chị trong làng có điện thoại cầm tay, một số đứa trẻ, con nhà khá giả cũng xin bố mẹ mua điện thoại cho mình. Để chứng tỏ gia đình mình hơn gia đình khác, con cái mình hơn con cái nhà người ta, cũng có không ít bậc cha mẹ sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của con, dù có khi con họ mới chỉ biết đếm từ 1 cho đến 100.

Trẻ con trong làng chơi với nhau từ hồi còn đang mẹ bế cha bồng, có gì ăn đều chia phần cho nhau, có đồ chơi gì cũng mang ra chơi chung, thế rồi một ngày, một trong số những đứa trẻ ấy có điện thoại di động, thứ đồ chơi không thể chia sẻ.

Sự việc ấy đã tác động mạnh mẽ đến lòng tự ái của những đứa trẻ khác. Từ nhỏ tới giờ có đồ chơi gì bạn bè cũng mang ra chơi chung thế mà bây giờ một đứa có đồ chơi mới nó dùng để chơi một mình. Thế là những đứa trẻ khác về nhà đòi cho được bố mẹ mình mua thứ đồ chơi như bạn. Nếu bố mẹ không thể đáp ứng vì đó là thứ đồ chơi quá xa xỉ, chúng liền nghĩ ra kế dọa bỏ học để ép bố mẹ phải thực hiện theo nguyện vọng của mình.
 
Bố mẹ một nắng hai sương, chắt chiu từng đồng một cho con được ăn học để mong sau này thoát nghèo, vậy mà con lại bỏ học thì coi như công lao của bố mẹ đổ xuống sông, xuống biển. Thế nên dù nghèo các bậc làm cha làm mẹ cũng không có sự lựa chọn nào khác,  đành phải thực hiện theo nguyện vọng của con. Một đứa có, hai đứa có thế rồi trẻ con trong làng ai cũng có điện thoại di động.

Tưởng rằng bới tạ thóc ra để mua điện thoại cho con, nó được đáp ứng nguyện vọng thì sẽ chú tâm vào việc học hành hơn. Nào ngờ từ khi có điện thoại chúng lại càng tỏ ra lười biếng, nhiều thói hư tật xấu còn nảy sinh chỉ vì thứ đồ chơi "biết ăn tiền này".

Để có tiền nạp thẻ điện thoại, chúng bịa đặt ra vô vàn lý do để xin tiền bố mẹ, nào là mua bút, mua sách vở, rồi tiền nộp khoản này, tiền nộp khoản kia cho nhà trường… Đến khi bị phát hiện không xin được tiền của bố mẹ nữa, chúng thậm chí có thể làm cả những việc sai trái, vi phạm pháp luật. Nhiều đứa trẻ giấu bố mẹ mang đồ dùng trong nhà đi bán để lấy tiền nạp thẻ điện thoại, những đứa khác nhà quá nghèo không có đồ dùng gì đáng giá thì chúng lại đi trộm đồ của hàng xóm để bán.

Làng quê ngày nào còn đang yên bình, vậy mà chỉ trong chốc lát đã có bao sự xáo trộn. Không ít gia đình gặp sự cố cũng chỉ vì cái thứ "đồ chơi biết phát ra tiếng người" ấy.
 
Phạm Văn Điển
(Lớp Báo in K28A1, Khoa Báo chí, Học viện báo chí và Tuyên truyền)