Học sinh trung học giỏi đến đâu?

(Dân trí) - Thi đỗ đại học? Giỏi! Đoạt giải Olympic Toán quốc tế? Rất giỏi! Được học bổng đi du học? Giỏi luôn! Tôi từng nghĩ như vậy và bây giờ vẫn nghĩ vậy. Có điều trước đây tôi cũng chỉ nghĩ được đến thế là cùng. Chắc nhiều bạn cũng giống tôi?

 
Học sinh trung học giỏi đến đâu? - 1
(Ảnh minh họa: Vũ Toản)
 

Suy nghĩ của tôi đã mở rộng, hay đúng hơn là tôi đã được “mở mắt”, sau khi được dự Hội thi Khoa học & Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2011 vừa qua tại Los Angeles, Mỹ.

 

Bây giờ, nếu ai hỏi, tôi sẽ trả lời quả quyết rằng: “Các bạn học sinh trung học giỏi tới mức… không tưởng tượng được”! Hay nói theo kiểu “ma-két-tinh” là: “Tiềm năng của các bạn là không giới hạn”.

 

Hai bạn người Mỹ đoạt giải cao nhất của ISEF đã phát minh ra một cách mới hiệu quả hơn với chi phí rất thấp để chữa ung thư. Họ đưa những phân tử thiếc tới gần các tế bào ung thư trước khi thực hiện xạ trị thông thường. Khi các tia X bắn vào các phân tử thiếc, chúng tạo ra phóng xạ cấp hai và tiêu diệt được nhiều tế bào ung thư hơn hẳn so với chỉ dùng xạ trị truyền thống. Thử nghiệm cho thấy liệu pháp này không gây hiệu ứng phụ và đáng chú ý hơn, nó chỉ tốn có… 0,6 USD (khoảng 12 nghìn đồng) cho mỗi lần điều trị.

 

Trong số hai giải cao thứ nhì của ISEF thì một giải trao cho một bạn Mỹ khác với phát minh ra một cách hiệu quả và rẻ tiền nhằm phát hiện vũ khí hạt nhân giấu trong các công-ten-nơ. Khác với các phương pháp dò vũ khí hạt nhân hiện tại dựa trên helium-3, một loại chất hiếm, bạn này chỉ đơn giản sử dụng… H2O (nước), một chất có sẵn và không độc. Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngay lập tức “mê mệt” phát kiến của bạn và vung tiền tài trợ cho bạn nghiên cứu tiếp.

 

Đồng giải với bạn trên, đáng chú ý hơn, là một nhóm bạn người láng giềng Thái Lan. Họ đã nghiên cứu ra được một loại nhựa cứng làm từ vảy cá có thể ép khuôn theo ý muốn và các bạn đã làm nhiều loại bát, đĩa… từ nó. Quan trọng là khác với nhựa hóa chất tổng hợp, loại nhựa này tự tiêu hủy sau 21 ngày được chôn trong đất và không gây độc cho các sinh vật trong môi trường. Nó không có mùi nên tha hồ sử dụng ở bất cứ đâu.

 

Có lẽ tôi nên tạm dừng việc kể công trình của các bạn ở đây, nếu không có thể làm độc giả choáng váng, thậm chí đau đầu vì khả năng “siêu phàm” của những bộ óc trẻ này (nếu lúc này các bạn vẫn chưa choáng).

 

Đằng nào tôi cũng không kể hết được, vì ISEF quy tụ tới hơn 1.500 bộ óc như vậy đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ được tuyển chọn từ 443 hội thi ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự tham gia của tổng cộng hàng triệu học sinh trung học. Điều đó nói lên rằng, những bạn kể trên không phải là cá biệt, mà trên khắp thế giới, niềm say mê khoa học ở các bạn học sinh trung học là vô bờ bến và khả năng của các bạn là vô tận. Khả năng của các bạn cho chúng ta thấy cần thay đổi cách nghĩ và cần tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ phát triển. Tôi nghĩ là học sinh Việt Nam thông minh và giỏi không kém bất kỳ nước nào khác, chỉ có điều cách tiếp cận của ngành giáo dục chúng ta với các bạn hình như chưa đúng hướng?

 

Rất đáng để suy nghĩ khi chúng ta từng đoạt rất nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, những kỳ thi mang tính chất lý thuyết nhiều hơn; trong khi ISEF là một kỳ thi mang tính ứng dụng cao, đã có từ hơn 60 năm nay và rất được cộng đồng khoa học quốc tế coi trọng, thì chúng ta lại chưa có bất kỳ thành tích gì. Phải chăng học sinh các nước khác không địch lại chúng ta ở Olympic là vì họ còn… bận bịu theo đuổi những đam mê riêng và mang những đam mê đó ra thi thố ở đấu trường ISEF mà họ thích thú hơn, nơi họ có nhiều tự do sáng tạo hơn?
 
 
1 - huanhp - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 07:53 20-05-2011

Cám ơn tác giả, đây là một bài viết rất hay!

2 - hoàng trọng khanh - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 07:54 20-05-2011

Bài viết của bạn làm một số người phải giật mình. Ngành giáo dục của mình vẫn chạy theo thành tích ảo và kết quả của việc này là ...

3 - trần đông - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 07:56 20-05-2011

Đúng là các bạn học sinh trung học giỏi thật. Nhưng thử hỏi có mấy người được như vậy? Có đến vài trăm triệu học sinh trung học phổ thông nhưng số thí sinh tham gia cuộc thi là bao nhiêu và số lượng đạt giải là bao nhiêu? Chỉ có một số ít đạt được như bạn nói. Mặc dù vậy chúng ta cũng không thể phủ nhận họ đc.

4 - Lê Lan Phương - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 08:12 20-05-2011

Cảm ơn tác giả bài viết. Ở VN đâu chỉ những nhà khoa học mới giỏi, những người nông dân chân lấm tay bùn cũng sáng tạo ra bao nhiêu thứ mà ai cũng phải thán phục. Có rất nhiều những nhà khoa học ở Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều phát kiến rất hữu ích và họ còn đạt được giải thưởng cao cho những phát kiến đó. Nhưng sau những phát kiến đó lại được bảo quản trong kho và chưa có thời hạn xuất kho đi thử nghiệm. Tôi nhớ có một nhà nghiên cứu, sau khi đạt giải, ông thấy công trình nghiên cứu không được ứng dụng đã đau đáu và quyết định nghỉ làm để tập trung đầu tư vào việc nâng cấp công trình của mình để có tính thực tiễn cao hơn. Sau này, ông đã thành công. Sao ở Việt Nam mình những phát kiến lại...?

5 - duong - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 08:29 20-05-2011

Tôi thấy giáo dục VN còn nặng về lý thuyết, chương trình học cũng nặng nên trẻ em không được phát huy hết tính sáng tạo. Dường như bây giờ, trẻ em học theo kiểu rập khuôn, theo mẫu. Ngoài đường, dù nắng hay mưa cũng thấy từng đoàn HS đi học thêm. Có những tối, tôi ra đường thấy những đứa trẻ đi học mà sót hết cả ruột, các em không được nghỉ ngơi sau những giờ học trên trường thì lấy sức đâu mà sáng tạo.

6 - nguyễn lê thảo nguyên - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng - 08:31 20-05-2011

Bài viết của tác giả Tuấn Anh rất hay. Thế hệ trẻ VN rất giỏi, rất thông minh nhưng cái thiếu đó là không được đầu tư nghiên cứu, thiếu trang thiết bị, phòng thí nghiệm và môi trường làm khoa học chưa chuyên nghiệp. Thế hệ trẻ có rất nhiều người năng động đam mê làm khoa học. Họ cần được sự đầu tư bài bản toàn diện để phát huy tối đa tiềm năng, giải phóng sức sáng tạo. Để họ cống hiến cho đất nước.

7 - meo75 - Nam - 36 tuổi - Từ Hải Phòng - 08:58 20-05-2011

Bai viet rat hay, nganh GD con nang ve hinh thuc, chung ta cu theo duoi va chinh phuc nhung cai rat it co gia tri ung dung thuc te, hoc sinh cua chung ta dan dan tro thanh mot cai o ghi du lieu khong hon khong kem.....buon qua

8 - Long Long - Nam - 36 tuổi - Từ Hải Phòng - 09:03 20-05-2011

Đúng là ở Việt Nam tôi chưa nghe tới ISEF bao giờ. Vừa rồi đọc loạt bài trên Dân trí mới thấy, học sinh các nước tới bậc trung học là đã được coi trọng, được ứng xử như người lớn, được định hướng nghề nghiệp, định hướng cuộc đời rất tốt. Chứ học sinh ở ta, lớp 10, 11, thậm chí 12, vẫn bị coi là trẻ con, chỉ có mỗi việc học và cố sao mà đỗ đại học là giỏi lắm rồi. Ngay việc thi đại học cũng hầu như chả có định hướng gì. Bạn nào học giỏi thì chọn trường nào danh giá, trường nào nhiều người mơ ước. Bạn nào học yếu thì lo chọn trường "vừa sức", ít người thi, miễn sao vào được đại học. Muốn nghiên cứu khoa học ở bậc trung học cũng khó, thể nào cũng vấp phải vô số rào cản kiểu "trẻ con thì biết cái gì mà tập tành nghiên với cứu...". Đúng là chúng ta cần học cách tiếp cận của ngành Giáo dục các nước tiên tiến thì mới mong vun đắp cho các nhân tài từ sớm, vì quả thật là tài năng thường phát triển sớm lắm, nếu không vun sớm thì chắc chắn sẽ thui chột.


10 - XuBin Do - Nữ - 23 tuổi - Từ Hà Nội - 09:19 20-05-2011

Cảm ơn bài viết của tác giả. Tôi thấy thật chán cho nền giáo dục hiện nay. Suốt ngày kêu cải cách giáo dục mà chương trình dạy quá nhiều lý thuyết trong khi đó thực hành thì lại rất ít nhất là các trường ĐH và CĐ....

11 - Nguyễn Thắng - Nam - 21 tuổi - Từ Hà Nội - 09:21 20-05-2011

Thực trạng của Việt Nam chúng ta là không có tính ứng dụng, mặc dù chúng ta chả kém gì các nước trên thế giới trong các cuộc thi. Có lẽ do phương hướng của chúng ta chưa đúng. Đất nước không thể phát triển khi ngành Giáo dục đi lạc đề bao nhiêu năm nữa đây.

12 - Phan Phan - Nam - 25 tuổi - Từ Hà Tĩnh - 09:28 20-05-2011

Một bài viết rất hay!

13 - bui quang dung - Nam - 54 tuổi - Từ Hải Phòng - 09:33 20-05-2011

Ở nước ngoài không cần học đại học người ta vẫn tự tin và sống rất thoải mái với 1 nghề nào đó nên học sinh có thể tự do theo đuổi đam mê của mình, còn ở VN mà không học ĐH thì không kiếm nổi việc gì nên chúng ta phải học rất nhiều, chương trình học lý thuyết còn quá nặng.

14 - Nguyễn xuân Lập - Nam - 54 tuổi - Từ Hải Phòng - 09:34 20-05-2011

Cám ơn Tuấn Anh đã có một bài viết rất hay và rất đúng cho thực trạng học sinh, sinh viên hiện nay tại VN. Tôi và rất nhiều bạn của tôi sau khi ra trường hoàn toàn không có được nhiều kiến thức thực tế mà chỉ là lý thuyết. Chúng tôi rất mất nhiều thời gian để hòa nhập với công việc theo đúng chuyên môn được đào tạo và không ít bạn của chúng tôi sau khi ra trường đã phải làm trái với chuyên ngành mình được đào tạo. Mong học sinh sinh viên VN sớm có chân trong ISEF.

15 - vu - Nam - 7 tuổi - Từ Thái Nguyên - 09:39 20-05-2011

Cần có nhiều hơn những bài viết như thế này để chúng ta có thể thấy được tài năng của các bạn trẻ và một số bất cập trong nền giáo dục của nước nhà hiện nay.

16 - Ton Nu Nhu Thao - Nữ - 20 tuổi - Từ Phú Yên - 09:44 20-05-2011

Cảm ơn tác giả. Bài viết hay lắm!!!

17 - Trương Minh Toàn - Nam - 21 tuổi - Từ Quảng Nam - 09:56 20-05-2011

Bậc giáo dục phổ thông ở Việt Nam theo tôi đang đi chệch hướng! Mục tiêu của cấp học này là: Hoàn thiện kiến thức, định hướng, tư duy cho các bạn trẻ và các bạn ấy học là để hoàn thiện mình ở nhiều mặt. Nhưng ở nước ta, các bạn trẻ ở bậc phổ thông không học vì lý do đó. Mục tiêu duy nhất của hầu hết bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường là đậu đại học. Họ có thể học ngày, học đêm, học ở trường, học ở nhà, học thêm hay thậm chí là... nhờ thi hộ chỉ mong đậu được đại học. Vì vậy với cách giáo dục nặng về lý thuyết và thi cử như hiện nay của nước ta thì có không ít tốt nghiệp cấp học của mình nhưng khuyết về kiến thức, chỉ biết nói lý thuyết còn kiến thức thục tế thì mù tịt. Cần phải xem lại cách giáo dục và cách tiếp cận với giáo dục của chúng ta hiện nay!!!!

18 - Vũ Trung Hiếu - Nam - 24 tuổi - Từ Hà Nội - 10:08 20-05-2011

Thực tế là học sinh Trung học ở Việt Nam còn phải lo rất nhiều điều khác nữa nên không thể tham dự được cuộc thi đó... vd: Lo cơm áo gạo tiền đối với HS nhà nghèo, còn đối với HS nhà giàu thì lo chơi. Có rất nhiều HS giỏi nhưng nhà nghèo thì lấy gì để nghiên cứu trong khi cái bụng đang sôi ùng ục.

19 - cuongvu - Nam - 24 tuổi - Từ Hà Nội - 10:12 20-05-2011

Nền GD VN còn nhiều bất cập. Ví dụ toán học của học sinh cấp 3 chúng ta ở nước ngoài lên Đại học mới cần học, trong khi đó các môn xã hội lại không được chú trọng. Đến mỗi kỳ thi thì các môn xã hội được mặc định dành tiết cho các môn chính. Vì vậy xảy ra tình trạng học sinh VN không biết luật giao thông, không biết lịch sử, không biết quyền và lợi ích của công dân... Chúng ta đoạt thành tích cao trong các môn lý thuyết nhưng ứng dụng lý thuyết ấy như thế nào ????? các em đều không biết... và có vẻ như người lớn không quan tâm

20 - Thừa Thịnh-Trà Vinh - Nam - 37 tuổi - Từ Trà Vinh - 10:13 20-05-2011

Giáo dục ở Việt Nam chúng ta không có tính ứng dụng. Đất nước không thể phát triển khi ngành Giáo dục đi lạc đề bao nhiêu năm nữa đây. Chạy theo thành tích bao nhiêu năm nữa đây, bây giờ, trẻ em học theo khuôn, theo mẫu nhiều quá. Các em không được nghỉ ngơi sau những giờ học trên trường thì lấy sức đâu mà sáng tạo.

21 - nguyen tien dung - Nam - 37 tuổi - Từ Trà Vinh - 10:14 20-05-2011

Cảm ơn tác giả bài viết. Bài viết hay đề nghị quý báo đăng trên mục Diễn đàn- Bạn đọc để nhiều người tham gia xây dựng ý kiến.

22 - duc thanh - Nam - 29 tuổi - Từ Yên Bái - 10:17 20-05-2011

Bài viết hay lắm. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xem lại hệ thống giáo dục cẩ mình từ thấp đến cao. Tôi vẫn nhớ khi tôi bước vào Đại học, mọi kiến thức ở bậc học này đối với tôi gần như mới hoàn toàn. Những kiến thức học được ở phổ thông hầu như không có liên quan gì. Đặc biệt đối với những môn có tính lý luân hoặc thiên về thực hành hay suy luận lô gíc thì tôi và rất nhiều bạn học trong lớp hoàn toàn mù tịt. Đó chính là lỗ hổng trong hệ thống giáo dục của chúng ta, chỉ thiên về lý thuyết, theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng mà không tạo điều kiện cho hs suy nghĩ, thực hành vào thực tiễn cuộc sống. Tôi Nghĩ, chúng ta phải tăng thêm thời lượng những tiết thực hành, có thể là khoảng 1/3 trong tổng thời gian giảng dậy. Như vậy, mới tam gọi là học đi đôi với hành.

23 - Jenny - Nữ - 34 tuổi - Từ Hải Phòng - 10:22 20-05-2011

Bài viết quá hay! Tôi nghĩ những người nên đọc bài viết này phải là tất cả quan chức của Bộ Giáo dục đào tạo VN. Để họ biết rằng họ đang đi lệnh hướng với Thế giới bao nhiêu độ...Hi
 

24 - Doãn Nội - Nữ - 34 tuổi - Từ Hải Phòng - 10:24 20-05-2011

Đúng là chúng ta cần thay đổi định hướng giáo dục. Giáo dục cần phải dạy con người cách học, chứ không chỉ nhằm nhằm đạo tạo những tri thức đã có từ lâu và mang nặng tính lí thuyết, dĩ nhiên những tri thức cơ bản là không thể thiếu, nhưng giáo dục phải làm cho con người phát hiện ra những tri thức mới từ những tri thức đó và ứng dụng trong cuộc sống. Giáo dục phải phát huy được những tiềm năng của con người, kích thích con người phát triển và định hướng đi cho con người. Ở Việt Nam có rất nhiều trường mà ban lãnh đạo rất quyết tâm thay đổi phương pháp dạy và học, tiêu biểu trong số đó tôi được biết là trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Những bước đi đầu tiên ban đầu này gặp phải rất nhiều khó khăn (vì muốn thay đổi thì cả sinh viên, phụ huynh và cả xã hội cũng cần thay đổi). Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm được!

25 - Hồ Hoàng Duy Khánh - Nam - 22 tuổi - Từ Long An - 10:29 20-05-2011

Chúng ta không thể sáng tạo được vì chúng ta luôn theo đuổi cái hữu hạn trong khi sáng tạo là vô hạn. Các kỳ thi Olympic quốc tế các thí sinh phải cạnh tranh nhau để giải những bài toán hóc búa, nhưng tựu chung lại đề thi đã có đáp án và người giải được đầu tiên chính là người ra đề. Nên giới hạn của đề thi vẫn chỉ là điểm tối đa bạn hoàn toàn không thể vượt qua nó. Trong khi ISEF đòi hỏi sự sáng tạo, mà sáng tạo thì hoàn toàn không có ranh giới và giới hạn, bạn có thể thả cho trí tưởng tượng bay đến những điều không tưởng trong hiên tại nhưng sẽ là có thật trong tuơng lai vì chính bạn là người tạo ra nó. Ta không thể phát triển nếu cứ loay hoay trong cái hữu hạn này. Mong rằng giáo dục sẽ thay đổi..............

 

26 - thùy trang - Nam - 22 tuổi - Từ Long An - 10:30 20-05-2011

Càng học cao càng tốn tiền, học xong thì không có việc làm lại đi làm thuê, thậm chí đi làm phụ xây, xe ôm... Việt Nam quá nhiều người có bằng đại học, cao đẳng. Vì ngoài hệ chính quy còn có hệ liên thông, tại chức.

 

27 - phan thành đồng - Nam - 22 tuổi - Từ Quảng Bình - 10:46 20-05-2011

Đã là học sinh THPT thì có thể nói tư duy toán học logic và những kiến thức về lý, hóa của các bạn là rất tốt rồi. Cơ bản là các bạn có muốn bỏ thời gian ra để tìm tòi nghiên cứu khoa học hay không thôi?

 

28 - salem - Nam - 22 tuổi - Từ Quảng Bình - 10:47 20-05-2011

Ai cũng biết ngành Giáo dục của nước ta còn nhiều vấn đề, nhưng trách nhiệm thay đổi thuộc về ai? Ngay cả các giáo viên của chúng ta cũng học chủ yếu là lý thuyết nên muốn dạy thực hành cho chúng ta cũng rất khó. Giáo viên còn chưa được nghiên cứu thì làm sao định hướng cho học sinh nghiên cứu cái gì? Và nếu học sinh có muốn nghiên cứu thì ai là người hướng dẫn? Đầu tiên người thầy cần được thực hành nghiên cứu đã. Thế nhưng đội ngũ giáo viên của chúng ta thì sao? Bây giờ những người giỏi giang có mấy ai muốn làm giáo viên trung học? Hiếm lắm.

 

29 - tuandung - Nam - 22 tuổi - Từ Cần Thơ - 10:48 20-05-2011

Mình đang là một sinh viên đang học. Nhưng mình thấy bản thân, kiến thức chưa được bằng mấy bạn đó. Ngành GD cần thay đổi tư duy để tiến tới ứng dụng thực tế nhiều hơn.

 

30 - Ông Đức Hoàn - Nam - 26 tuổi - Từ Thanh Hóa - 10:58 20-05-2011

Chúng ta phải học hiểu rồi mới ứng dụng được chứ, chạy theo được khối lượng thông tin ngày càng nhiều như hiện nay đã là quá tải rồi và đến lúc hiểu được thì họ lại có cái mới cho mình học vậy là học hoài. Thế nên cứ học cái cơ sở mà đi thi Olympic cho chắc còn có giải, còn vấn đề thi ISEF thì còn bao cái để học mà.

 

31 - nguyen huu phu - Nam - 22 tuổi - Từ Hà Nội - 11:04 20-05-2011

Mình cũng thấy tác giả viết bài này rất hay. Chúng ta nên coi trọng cả 2, không nên chỉ thiên về lý thuyết mà phải song song cả thực hành. Cảm ơn tác giả.

 

32 - Nghĩa Trần - Nam - 28 tuổi - Từ Hà Nội - 11:22 20-05-2011

Việt Nam mình đào tạo theo kiểu học gạo, mãi vẫn là gạo chứ chưa nấu thành cơm được. Đào tạo nặng về khối lượng học phần, thực tế ứng dụng thì ít. Số lượng kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam thì nhiều vô kể. Máy tuốt lúa, máy gieo hạt ..v.v.. những phát minh thiết thực tới người dân nhất đều làm ra từ bàn tay người nông dân. Căn bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy nó ăn sâu vào con người Việt Nam rồi, tháo gỡ được vấn đề này thì Viêt Nam mình có thể sánh với các nước bạn ngay thôi.

 

33 - Ngọc Huấn - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội - 12:17 20-05-2011

Cứ mỗi lần nghe ai nói hay viết về thực trạng GD của chúng ta. Tôi không khỏi buồn và chạnh lòng. Tôi nhớ lại khoảng 10 năm về trước khi tôi đang học trung học khi học môn hóa chúng tôi phải học "chay" vì không có đồ dùng thí nghiệm. Nhưng vì sự tò mò, tôi đã về làm thí nghiệm mà suýt mất mạng các bạn đừng cười nhé. Đã 10 năm rồi khi quay lại trường tôi vẫn thấy các em học sinh trường tôi không có nhiều thay đổi, nếu nói có một chút thay đổi thì cũng đúng đó là đã có phòng thí nghiệm nhưng các em không được làm các thí nghiệm và chỉ mang tính hình thức. Học sinh ở Việt Nam học mang nặng lý thuyết chứ không mang tính thực hành.

 

34 - Vanquy311 - Nam - 22 tuổi - Từ Thừa Thiên - Huế - 12:39 20-05-2011

Cảm ơn bạn Tuấn Anh. Chúng ta luôn trong trạng thái: " Đi học phải học giỏi,học giỏi rồi phải đậu ĐH. Thi đỗ rồi? Giỏi và đoạt giải Olympic Toán quốc tế? Rất giỏi! Được học bổng đi du học? và kết thúc vẫn là học nữa học mãi". Đây là một trong những vấn đề muôn thuở, ngay từ thời học sinh, mình cũng được nghe các thầy cô phàn nàn chương trình dạy học, rồi thời gian làm bài tập,lý thuyết trên trường quá lớn. Còn thời gian dành cho tự nghiện cứu, học trong phòng thí nghiệm hay đi thực tế bên ngoài thì quá ít. Và tất cả những điều đó đến giờ qua nhiều năm rồi, vẫn không giải quyết được.Một phần mình nghĩ là: THỨ NHẤT: Chương trình học chúng ta quá nặng,tập trung vào việc giảng dạy, rồi giải bài tập, ngay cả giờ đây các ý tưởng cải cách trong giáo trình giảng dạy hay phương pháp giảng dạy trong trường học còn là vấn đề tranh cãi. Một số thầy cô hiện nay vẫn quen với việc đến lớp giảng bài,ra bài tập tuân theo giáo án mình soạn ra cả 3-5 năm ít tìm cách đổi mới cho học sinh dễ hiểu bài và vận dụng thực tế. THỨ HAI: Là ở ý thức của học sinh đi học trong đó phần nhiều chịu ảnh hưởng từ gia đình và truyền thống. Chúng ta đều biết đây người Đông Á có truyền thống khoa cử, tôn sư trọng đạo, từ xa xưa quan niệm của mình luôn là. Học thật giỏi để đi thi đỗ Trạng nguyên. Việc chạy đua học giỏi lý thuyết, giải bài tập thật tốt, rồi đi thi đỗ đạt cao vào các trường ĐH, nhưng chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi như: "Mình có thể ứng dụng các kiến thức này để làm gì? Những thứ mình học có đúng với thực tế không?". Chính vì thế mà kéo theo những nạn như học thêm, chạy đua theo thành tích xuất hiện. Nếu chúng ta thay đổi một phần nào cách nghĩ và truyền được cho giới trẻ thì tốt biết mấy….

 
 
*Độc giả có thể tham gia bình luận và trao đổi thêm tại mục Blog 26.
 
 
Tuấn Anh