Bạn đọc viết:

“Học hộ và thi hộ”: Tình trạng báo động trong sinh viên

(Dân trí) - Dịch vụ “học hộ, thi hộ” đang ngày càng trở nên công khai trong “giới” sinh viên, nhất là trong những thời điểm “cận kề” mùa thi như hiện tại, dịch vụ này còn trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với lượng tăng chóng mặt cả bên “cung” lẫn “cầu” bất chấp hậu quả.

 
Dễ dàng tìm thấy dịch vụ “Học hộ, thi hộ” tràn lan trên trang mạng xã hội
Dễ dàng tìm thấy dịch vụ “Học hộ, thi hộ” tràn lan trên trang mạng xã hội

“Nở rộ” dịch vụ học hộ, thi hộ

Giảng đường rộng lớn với hàng chục, thậm chí thường có tới hàng trăm sinh viên, cộng thêm việc học tập chủ yếu dựa vào sự tự giác nghiễm nhiên trở thành “thiên đường” cho những “mánh lới” luồn lách của nhiều sinh viên. Khảo sát sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau, tất cả đều tỏ ra không mấy xa lạ với dịch vụ “học hộ, thi hộ” đang ngày một “phát tướng” hiện tại.

Nhóm, hội, “cộng đồng” những người học hộ, thi hộ đua nhau “mọc lên như nấm” với những lời giới thiệu “mạnh mẽ”, “đi vào lòng người”: “Bạn là người bận rộn trong công việc, bạn muốn có một kết quả học tập tốt hơn. Hãy đến với chúng tôi, đội ngũ học hộ từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn HN. Giá cả hợp lí!”, hay chỉ đơn giản là “Quá mệt mỏi với việc học? Call: 094…”. Thậm chí có nhiều trang web còn được xây dựng chỉn chu, không quên “thuyết phục” khách hàng với thông tin: “Ra đời từ tháng 9 năm 2010”.

Lý do cho việc “kẻ thuê”, “người làm” cũng nhiều không kể xiết. H. Dương tâm sự: “Vì có việc đột xuất mà lại hết lượng “phép” nghỉ học rồi, nếu nghỉ thêm sẽ không đủ điều hiện thi nên đành phải tìm người đi học hộ”. Còn T. Lan thì “kể khổ”: “Đợt về thăm nhà lỡ tàu, gấp gáp quá nên bất đắc dĩ mới phải nhờ người học hộ vậy”. Trong khi các “chuyên gia” đi học hộ thì hầu hết đều tự giới thiệu là sinh viên rảnh rỗi, muốn tìm “công việc” làm thêm.

Nhộn nhịp “chợ” học hộ, thi hộ với giao dịch diễn ra nhanh chóng
Nhộn nhịp “chợ” học hộ, thi hộ với giao dịch diễn ra nhanh chóng

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc học hộ, thi hộ cũng dần trở thành một dịch vụ “béo bở”. Khi được hỏi về phí các “gói dịch vụ” H.T (sinh viên năm cuối trường Đại học ở Hà Nội) “ra giá”: “Làm bài thi cuối kì thì bao nhiêu điểm thì từng đấy tiền, 7 điểm 700 nghìn, 8 điểm 800 nghìn đồng... Luận văn, đồ án Tốt nghiệp thì “nặng” hơn, làm tất cả phải hết tầm 15- 20 triệu. Giá chung ở đâu cũng vậy thôi”.

Tuy nhiên khi được hỏi về quy chế học tập, thi cử tại trường Đại học thì cả “kẻ thuê”, “người làm” đều tỏ ra “mù mờ”, không nắm rõ; hoặc chỉ viện những lý do bất đắc dĩ cho việc làm của mình.

Cắt “cầu” mới hết “cung”

Việc công khai lập nhóm, hội trên Facebook, mở những trang web quảng cáo… cho thấy tình trạng đáng báo động của việc làm vi phạm quy chế học tập, thi cử này. Con số hàng nghìn người tham gia vào những nhóm, hội trên đã phần nào thể hiện “sức nóng” của dịch vụ này.

Có thể thấy, việc chống tiêu cực trong học tập và thi cử dường như chỉ được chú trọng ở các kì thi “sinh tử” như thi đầu vào Đại học. Trong khi công tác quản lý có phần lỏng lẻo trong các trường Đại học hiện nay chính là kẻ hở cho những sinh viên lười học, “nhiều lý do”, thì “căn bệnh” thành tích ngầm tồn tại lại tiếp thêm “động lực” đẩy tình trạng vi phạm tiếp tục ngày tăng cao.

Không chỉ dừng lại ở tình trạng gian lận trong học tập, thi cử, nạn “học hộ, thi hộ” này còn là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến nhiều tệ nạn trong môi trường sư phạm cũng như xã hội. Những sinh viên trốn học có thể “điềm nhiên” lang thang, chơi bời ngoài tầm quản lý của nhà trường, gia đình mà không ai đảm bảo sẽ không “dính” vào những tệ nạn xã hội. Trong khi đó, những người “đội lốt” sinh viên lại có thể dễ dàng thực hiện các hành vi xấu trong giảng đường Đại học.

Những câu chuyện “bi hài” bị bắt quả tang “giả danh” trong giờ học, giờ thi cũng như việc bị kỷ luật, trừ điểm thi đua, huỷ kết quả thi,… thậm chí đình chỉ, đuổi học không hề hiếm. Vậy nhưng “học hộ, thi hộ” vẫn “sinh sôi” bởi nhu cầu ngày một “nảy nở” của sinh viên. Thiết nghĩ việc thiết thực nhất để “xoá sổ” tình trạng “học hộ, thi hộ” này phải bắt đầu ngay từ chính ý thức của các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nguyễn Thu Trang