Tư vấn pháp luật:

Hoàn thành nghĩa vụ thi hành án bao lâu thì được xuất cảnh?

(Dân trí) - Tháng 3/2012, tôi bị Tòa án Nhân dân tối cao tuyên phạt vì tội đánh bạc. Tôi bị cấm xuất cảnh, nay tôi đã ra Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội nộp tiền phạt rồi thì bao giờ được phép xuất cảnh?

Tôi còn phải làm tiếp các thủ tục gì nữa và sau bao lâu tôi có thể xuất cảnh để đi học tập ở nước ngoài? Xin Quý báo tư vấn giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn. (Minh Việt, Email: minhvietop@gmail.com).

Hoàn thành nghĩa vụ thi hành án bao lâu thì được xuất cảnh?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Từ những nội dung bạn cung cấp cho tôi thì việc Tòa tuyên là bạn bị phạt tiền, tức là Tòa án đã áp dụng một trong các hình phạt chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 BLHS. Và theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó...”. Do đó, bạn sẽ được phép xuất cảnh khi đã thực hiện xong nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt hành chính.

Tại điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 thì: “ 1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh :

a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 4 Điều 21  Nghị định này.

c) Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

d) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.

đ) Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 Điều 21 Nghị định này.

2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để thực hiện.

3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.

4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Như vậy, sau khi đã có biên lai của cơ quan thi hành án công nhận là đã hoàn thành nghĩa vụ chấp hành xử phạt hành chính, thì bạn nên làm đơn gửi kèm với biên lai thi hành án để xin được hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh của Cục xuất nhập cảnh – Bộ Công An để được xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất cho bạn.

Luật sư Ngô Thị Lựu

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Email: Info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc