Bạn đọc viết:

“Hiến kế” xây cầu vượt trên cao dành cho xe máy

(Dân trí) - Nhằm giảm ùn tắc giao thông, một bạn đọc Dân trí đưa ra giải pháp tình thế: “Xây cầu vượt trên cao bằng thép dành cho hai làn xe máy rẽ trái để giảm ùn tắc cục bộ tại các ngã ba, ngã tư”.

 “Hiến kế” xây cầu vượt trên cao dành cho xe máy
 “Hiến kế” xây cầu vượt trên cao dành cho xe máy
Hướng di chuyển của các làn xe rẽ trái theo chiều mũi tên

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang là vấn đề lớn đặt ra cho ngành giao thông cũng như toàn xã hội.

Hà nội và các Bộ ngành đã có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Nhưng vấn đề ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư cần có nhiều giải pháp khác nữa.

Dưới đây là một sáng kiến giảm ùn tắc cục bộ tại ngã ba, ngã tư ở các đô thị lớn do bạn đọc Dân trí gửi về tòa soạn.

Qua nhiều năm thực tế tham gia giao thông, bạn đọc Trịnh Văn Minh (trú tại 139 Phan Đình Phùng, TP. Nam Định) nhận thấy: Mật độ tham gia giao thông nhiều, hỗn hợp. Ý thức tham gia giao thông của mọi người chưa cao; Hạ tầng giao thông đô thị quy hoạch cũ: mặt đường nhỏ hẹp, các ngã ba, ngã tư gần nhau vào các giờ cao điểm thì xảy ra ùn tắc; Vì đèn tín hiệu giao thông lập trình có thời gian, khi đèn đỏ bật lên thì các xe đoạn cuối của dòng phương tiện vẫn còn ở ngã ba, ngã tư. Chính điều này làm lượng xe dồn ứ cục bộ vào giờ cao điểm.

Thực tế ở một số ngã tư tại các tuyến phố cũ chỉ giờ cao điểm mới xảy ra ùn tắc. Khi hết giờ cao điểm các phương tiện tham gia tuy có đông nhưng vẫn hoạt động chậm, bình thường.

Do vậy cần có giải pháp điều hòa các dòng xe vào giờ cao điểm.

Sáng kiến đưa ra một giải pháp tình thế: “Xây cầu vượt trên cao bằng thép, lắp ghép dành cho hai làn xe máy rẽ trái để giảm ùn tắc cục bộ tại các ngã ba, ngã tư”.

Ưu điểm: Nguyên vật liệu bằng thép dễ chuẩn bị tại các nhà máy, công xưởng; Thi công nhanh, tháo lắp dễ dàng, thời gian thi công ngắn nên ít ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông; Chi phí đầu tư tài chính thấp; Điều hòa lượng xe vừa phải tránh gây ùn tắc ở ngã tư tiếp theo; Phù hợp với hạ tầng giao thông đô thị hiện có (Vì quy hoạch cũ mặt đường hẹp).

Khi không cần sử dụng nữa thì tháo lắp chuyển đi nơi khác dễ dàng. Trong thời gian các xe phía dưới đi theo đèn tín hiệu thì hai làn xe rẽ trái đi trên cầu vẫn hoạt động bình thường. Hạn chế được lượng xe dồn ứ tại ngã ba, ngã tư. Có thể thiết kế lề đường cho người đi bộ (thêm chức năng dành cho người đi bộ sang đường).

Nếu thực hiện được giải pháp này thì: Về xã hội: Mọi hoạt động của người tham gia giao thông ít bị ảnh hưởng; Về kinh tế: Ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy vẫn tăng trưởng làm lợi cho nền kinh tế quốc dân.

Nhược điểm: Trong hai làn xe rẽ trái đi trên cầu có một làn xe phải đi thẳng tới một điểm phù hợp thì mới quay trở lại về đường của mình; Cầu vượt chỉ dành cho hai làn xe máy rẽ trái, không dùng cho ô tô.

Trịnh Văn Minh
(139 Phan Đình Phùng, TP. Nam Định)