Hiểm họa chung cư

(Dân trí) - Trong khi ý thức của đa số người dân nước ta bị đánh giá từ…hơi kém đến rất kém, thì nỗi lo về những hiểm họa đe dọa ở chung cư không chỉ với các cư dân chung cư, mà còn với cả cộng đồng xã hội.

Hiểm họa chung cư - 1
Với các xe chuyên dụng và phương tiện hiện có, lực lượng PCCC Hà Nội chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống
 
Để sắm được một căn hộ chung cư ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là niềm mơ ước, nhiều khi viển vông của biết bao người. Thế nhưng dù có may mắn tậu được một ô trong khối nhà chưa lấy gì làm cao lắm ấy, thì bạn cũng đừng vội vui mừng nhé.

 

Nào là phải lo tu sửa lại căn hộ dù chỉ là cho gần đúng ý mình, kẻo nhỡ đâu vào một cái vào ngày đẹp trời (hoặc mưa gió)  nào đó, những tảng vữa to đùng bỗng nhiên chán đời rời bỏ trần nhà bay xuống đầu chúng ta như đã xảy ra tại một số chung cư thì sao?

 

Rồi nhớ cẩn thận lan can dù thường là nó bé tí, chẳng đủ chỗ cho cả người và cây xanh cùng hóng gió và hưởng chút không khí trong lành đâu. Tốt nhất là khuyến cáo con trẻ hoặc ở lì trong nhà hoặc xuống đường,  tránh xa các lan can thường là thấp lè tè, tránh nguy cơ có thể… rơi tự do.

 

Xe cộ ư, kể cả là cư dân chung cư nghiễm nhiên có suất gửi tại tầng hầm,  thì cũng chớ vội rung đùi! Nhiều khi vào khu chung cư thấy hầm để xe thấy không khác gì ma trận của Gia Cát Lượng mà hãi quá. Gửi xe và tìm ra xe đã khó, lấy xe ra còn muôn vàn vất vả hơn. Xe mình để đúng ô, đúng hướng, nhưng xe khác vào sau nó  cứ ngang nhiên chèn lối ra  thì có mà... bay qua lỗ thông hơi à?
 
Mưa hơi to, gió hơi lớn một chút, nhớ thường xuyên kiểm tra xem có ngập không. Nếu có khả năng ngập,  mấy anh xế hộp  lo kiếm chỗ lui quân đi kẻo lại mệt với bảo hiểm. Chưa kể những nơi hầm để xe quá tải, phải đỗ xe bên ngoài bỗng một sáng ra thấy  xe thì còn mà bốn bánh đã bay đâu mất tiêu?
 

Lại còn nạn kẹt… thang máy chung cư cũng gần như kẹt xe đấy nhé. Đặc biệt là vào những giờ cao điểm sáng, trưa, chiều tối,  nếu có việc bận thì tốt nhất là chạy cầu thang bộ cho nhanh. Nhiều người sử dụng thiếu ý thức thấy chờ lâu cứ bấm loạn lên, trong khi tốp nào hoặc gia đình nào đó chờ nhau cứ vô tư giữ cửa thang máy…

 

Nhưng kinh nhất vẫn là nguy cơ cháy nổ. Không chỉ vì các bà, các cụ đun than tổ ong hoặc đốt vàng mã đâu, mà nói dại chỉ cần một người giúp việc (hoặc cả chủ nhân) căn hộ nào đó lỡ làm rò rỉ bếp gas…thì thôi rồi cả một chung cư! Cầu thang hẹp như vậy, hệ thống phòng cháy phập phù như thế, thử hỏi hàng bao nhiêu con người thoát hiểm cách nào. Và nếu xảy ra trong giờ làm việc, trong chung cư còn lại đa số là cụ già, em nhỏ, phụ nữ, họ biết chạy đi đâu?

 

Nhiều bạn đọc đề nghị ban quản lý các khu chung cư cấm ngay việc đun nấu bằng than tổ ong và đốt vàng mã, hoặc phải tổ chức các hoạt động này sao cho hợp lý, không đe dọa gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.  Đồng thời phải cũng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động cho người dân về văn hóa sống ở chung cư.

 

Tất cả  đều rất đúng và là những việc cần làm ngay. Nhưng trên hết, theo chúng tôi vẫn là ý thức của chính mỗi người dân chúng ta. Tuyên truyền vận động thế nào,  thậm chí là xử phạt nặng đến đâu mà người dân vẫn giữ lối sống “chỉ cần giữ trong nhà mình, còn bên ngoài mặc kệ”, thì đúng là chúng ta đang tự rước ọa vào thân. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần tự nâng cao ý thức sống vì cộng đồng, có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội.
 
Thanh Bình