Hãy một lần đi xe buýt để tận mắt thấy...

Tôi đã đọc bài “Lái xe buýt đuổi hành khách” trên Diễn đàn Dân trí và rất đồng tình với những điều phản ánh trong bài này. Thực ra những hành vi tương tự như thế xảy ra đã rất lâu.

4 năm là sinh viên phải đi học bằng xe buýt, tôi thấy có nhiều điều cần nói về “Văn hóa xe buýt”.

Trước hết, nói về việc xe buýt không dừng đúng điểm đỗ và không bắt khách mặc dù xe còn rất nhiều chỗ trống thì “nhan nhản”; hầu như tuyến nào chạy nội thành cũng có.

Tuyến buýt số 32 từ bến xe Giáp Bát đi Nhổn là rõ nhất. Ngay buổi tối hôm qua, tại bến đỗ Trường ĐHSPHN, mặc dù trên xe còn rất nhiều chỗ trống nhưng lái xe vẫn không cho dừng xe để bắt khách, hiện tượng sinh viên (SV) phải chạy theo xe để cố len lên xe đã trở thành thông lệ, nhìn cảnh tượng đấy chính những người ngoài cuộc cũng thấy ngán ngẩm, huống chi là những SV (đa phần) phải đi xe buýt. 
 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Một hiện tượng nữa cũng dễ thấy nhất là vào những giờ tan tầm, lượng khách đi xe but càng nhiều, vậy mà không hiểu vì lý do gì, vào giờ đấy lại ít xe, làm cho khách phải chờ đợi rất lâu. Thế nhưng vào lúc không phải giờ tan tầm khoảng 8-11h sáng và từ 1h30 -4h30 chiều thì xe chạy trên đường lại rất nhiều và vắng khách, có những lúc thấy tận 3, 4 chiếc cùng tuyến số nối đuôi nhau chạy.
 
Thứ ba, vì ở gần điểm đỗ của xe 49 và 57 nên tôi thấy hiện tượng khách phải chờ dài cổ, thậm chí đến 30 phút, là điều bình thường. Có hôm tôi còn chứng kiến cảnh cãi lộn nhau giữa khách và phụ xe số 49. Nguyên nhân là do khách đợi quá lâu mà xe chưa chạy, sốt ruột khách đã nói sẽ gọi điện phản ánh về hiện tượng này với xí nghiệp xe buýt. Ngay lập tức phụ xe đã đưa ra lời thách đố và vụ cãi lộn nhau xảy ra là một lẽ tất yếu. (Ở điểm đỗ này thường có hiện tượng tụ tập đánh bạc và đã nhiều lần CS 113 phải đến dẹp).
 
Thứ tư, xin nói một chút về phía hành khách nhiều khi cũng chưa có nếp sống “Văn minh xe buýt”. Nội quy đi xe đã ghi rất rõ ràng và có một điều cần lưu ý nhất, đó là nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Thế nhưng quả thực vẫn có những hiện tượng “KHÔNG NHƯỜNG”, mà “chủ thể” trực tiếp của việc không nhường này đa phần lại là con trai, là các bạn nam. Tôi thấy thật không đáng mặt nam nhi chút nào. 
 
Hiện tượng trốn vé thỉnh thoảng cũng xảy ra trên xe buýt. Tuy cùng là khách đi xe nhưng tôi vẫn cảm thấy bất bình về hiện tượng này, kể cả chuyện đi “nhờ” vé của nhau (tuy không nhiều). Lại còn có hiện tượng, hễ cứ "người đẹp" lên xe mà không có vé tháng là được "miễn thuế 100%", thậm chí cùng 1 lúc có hai người lên xe, 1 là "người đẹp", 1 là bà già  (người cao tuổi) và cả hai đều không có vé tháng nhưng điều gì xảy ra thì chắc mọi người đã đoán chính xác rồi đấy.
 
Tất cả những điều nói trên là những chuyện cần bàn về Văn minh xe buýt hay Văn hóa xe buýt. Điều đó phụ thuộc vào cả hai phía "nhà cung ứng dịch vụ - mà trực tiếp là lái xe và phụ xe" và "khách hàng".
 
Nếu ai chưa tin những điều nói trên là sự thật thì hãy kiểm chứng bằng cách dành một ngày để đi xe buýt và sẽ thấy được rõ ràng những điều tại nghe mắt thấy.

thuongthuy_Inb@yahoo.com


LTS Dân trí - Câu chuyện “Văn hóa xe buýt” tuy rằng không mới nhưng vẫn cần đề cập để nhắc nhở mọi người, cả nhân viên xe buýt và hành khách cùng cộng tác để góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhất là ở Thủ đô Hà Nội vốn có truyền thống văn hiến lâu đời. Song, có điều bức xúc trước hết - qua sự phản ảnh của nhiều ý kiến bạn đọc - là sự thiếu trách nhiệm và cách hành xử thô bạo của nhân viên xe buýt, thường cho xe chạy tùy tiện, không đúng giờ, hay bỏ bến, bỏ lại hành khách chưa kịp lên xe; nếu ai góp ý thì liền gây gổ và đuổi xuống xe.

Hiện tượng nói trên đã khá phổ biến, không chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, cho nên các cấp quản lý xe buýt phải thấy rõ trách nhiệm điều hành của mình, kịp thời chấn chỉnh thái độ phục vụ của các nhân viên xe buýt, lập lại kỷ cương và nếp sống văn hóa trên xe buýt.