Hãy lắng nghe học sinh, sinh viên bộc lộ chính kiến...

Lắng nghe ý kiến học sinh, sinh viên để các em bộc lộ chính kiến của mình và luôn khuyến khích các em tự tin và mạnh dạn sáng tạo, dám có ý kiến khác với thầy giáo, đấy là việc làm đúng Cái Tâm của người Thầy.

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên chuyện không vui xảy ra ở lớp tôi, hồi  học lớp 12, cách đây đã gần 20 năm. Câu chuyện đại thể như thế này.  P. vốn là một học sinh giỏi xuất sắc của lớp tôi, đặc biệt là các môn tự nhiên, toán, lí, hóa. Có lần thầy Q, dạy toán giải sai bài toán lượng giác, P phát hiện trước hết và không ngại ngần đứng lên chỉ ra cái sai của thầy giáo. Còn thầy giáo Q thì kiên quyết cho mình đã làm đúng. Thế là, thầy trò cứ tranh cãi mãi với nhau đến gần 20 phút mà chưa ngã ngũ thì tiếng trống báo hết giờ. Thầy giáo Q bảo với lớp  tôi, thầy sẽ về nghiêm cứu thêm, hôm sau có giờ toán, thầy sẽ giải đáp, phân định ai đúng, ai sai. Và cuối cùng, người đúng trong bài giải lượng giác kia là học sinh P, thầy Q thừa nhận mình có nhầm lẫn, sai sót. Nhưng kể từ đó thầy Q có ác cảm với lớp tôi, đặc biệt là với học sinh P, thầy luôn ra những đề bài thật khó cho chúng tôi làm kiểm tra, có lúc chúng tôi kêu

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

với thầy, các bài này quá sức với bọn em, thầy nghiêm nghị bảo: lớp anh chị giỏi giang lắm mà, để thử xem. Hơn nữa, thầy đánh giá, cho điểm rất khắt khe với lớp tôi, và nhất là với học sinh P, khác hẳn với các lớp khác cùng khối, cùng sức học do thầy Q dạy. Trước tình thế đó, nhiều bạn trong lớp đòi tẩy chay, không thèm chơi với thằng P (dù P là đứa bạn rất dễ thương, thường hay giúp đỡ bạn bè về học tập)  vì cho rằng P đã làm lanh, đứng lên cãi lại thầy nên ông thầy mới làm khó dễ đến lớp, ảnh hưởng đến kết quả học tập môn toán. Bây giờ, tôi đã là một người thầy dạy bậc THPT, đã nhiều năm trong nghề, ngẫm lại chuyện ấy, tôi nhận thấy Thầy Q, dạy toán của lớp tôi ngày nào, vì việc cỏn con đó, vì một chút danh dự, lòng tự trọng nghề nghiệp của mình bị học sinh “xúc phạm” mà có những phản ứng, hành vi không được đẹp với học sinh, thì thật là sai lầm và đáng trách.

Thực tế làm công tác giáo dục nhiều năm qua, tôi cũng được nghe và chứng kiến rất nhiều cảnh tượng thầy cô giáo (Kể cả thầy cô giáo dạy đại học, cao đẳng) có biểu hiện tự ái, ghét bỏ, bổ báng, ác khẩu, thậm chí “chiếu tướng”, trù dập học sinh, tập thể có tinh thần "đấu tranh", có ý ngược lại những chỗ sai sót, nhầm lẫn trong chuyên môn cũng như những quyết định chưa thỏa đáng, chưa công bằng trong chấm điểm bài thi, bài kiểm tra, trong quản lí, giáo dục học sinh, sinh viên của mình. Đáng lẽ ra, làm thầy cô giáo, trong những tình huống như vậy, phải dũng cảm tự  nhận khuyết điểm, sai sót về mình, tỏ rõ thái độ trân trọng, khích lệ tinh thần "đấu tranh" đúng đắn, hợp lẽ của học sinh và tập thể lớp.

Cái quan niệm, tư tưởng giáo dục trước kia, hễ là học trò thì phải nhất nhất vâng theo, nghe theo, làm theo tất cả những gì mà thầy cô giáo đã dạy và truyền thụ, tuyệt đối không được cãi lại , không được tranh luận với thầy, cô. Tư tưởng đó vẫn còn đè nặng, tồn tại khá phổ biến trong suy nghĩ, nhận thức, hành động của đại bộ phận đội ngũ thầy cô. Nhiều nước trên thế giới, học trò tranh luận với thầy, dám nhận xét thầy  làm sai, làm chưa đúng ngay trong giờ học, trong giáo dục đạo đức là chuyện bình thường, đã có tiền lệ từ lâu rồi. Khi chân lí, sự thật đã sáng tỏ, thầy và trò cũng không hề có điều gì khó xử, rất thân thiện, cởi mở với nhau. Còn ở nền giáo dục của ta, trong thực tế, điều ấy còn rất hiếm khi xảy ra, nhất là trong kiến thức khoa học. Hễ  có học trò, tập thể đứng lên cãi, lí sự lại thầy cô, là thầy, cô cảm thấy khó chịu, cho là học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô giáo và tìm mọi cách "trừng trị"cho tụi nó sợ, lần sau không còn ho he, gây phiền phức nữa. Hễ thấy bài kiểm tra của học sinh, sinh viên làm đúng nhưng khác với cách của mình, là giáo viên không chấm, hoặc trừ điểm nặng. Cứ giẫm đạp mãi theo lối này thì chỉ có làm thui chột, trì trệ thêm sự sáng tạo. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc xác lập tính dân chủ để phát huy mọi cơ hội sáng tạo trong giáo dục, trong dạy và học.

Làm thầy, cô giáo, trong suốt quá trình giảng dạy và quản lí giáo dục làm sao tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn. Khi ấy, có thể học trò nhận ra và mạnh dạn góp ý, nhắc nhở thầy cô sửa chữa, thay đổi lại cho đúng, cho tốt hơn, thì người thầy cô giáo phải biết ơn và hoan nghênh các em. Hơn nữa, tri thức khoa học, đời sống đâu chỉ cứ nhất nhất như đinh đóng vào cột, nó luôn luôn vận động, thay đổi và có nhiều hướng tiếp cận, lí giải khác nhau, thầy cô nào có đủ dũng khí,  để khích lệ, khơi dậy tinh thần sáng tạo,suy nghĩ độc lập, mạnh dạn, thẳng thắn tranh luận, phê bình của học sinh, chính là thầy cô đã rũ bỏ được nhận thức, suy nghĩ cũ kĩ, lạc hậu trước kia( Mọi cái đều do thầy áp đặt, học trò chỉ biết nghe theo, làm theo) và biết tôn trọng tiềm năng của người học và tri thức khoa học. Dạy ở một lớp mà có một số em dám hỏi thầy, tranh luận, phê bình thầy thì thật hạnh phúc vô cùng, vì nó không chỉ đem đến cho lớp học, thầy và trò một luồng sinh khí  mới, rất sống động, hứng thú, cởi mở trong dạy học mà còn buộc người thầy phải làm việc, nghiên cứu nhiều hơn, không thể chủ quan, coi thường vai trò, trách nhiệm của mình. Ở phía người học sinh cũng thế. Nhưng để đạt được điều đó, ở nền giáo dục nước ta còn phải phấn đấu, nỗ lực rất lớn. Cái quan trọng bậc nhất là ở đội ngũ thầy cô giáo phải là những người vừa có tâm trong sáng, sẵn sàng tôn trọng, lắng nghe tiếng lòng của người học vừa phải có năng lực chuyên môn sư phạm thực sự, luôn có khát vọng, mong muốn làm thay đổi cơ bản cách dạy nặng áp đặt một chiều, “đọc- chép”...  đã lỗi thời đang còn ngự trị không ít ở nhiều nơi.

 

                                           Đỗ Tấn Ngọc      

             Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi    

 

LTS Dân trí - Người Thầy có sức thuyết phục lớn đối với học sinh (hoặc sinh viên) không chỉ là người Thầy giỏi giang về chuyên môn mà còn có tấm lòng đức độ, luôn khuyến khích học sinh bày tỏ chính kiến, có niềm tự tin và say mê sáng tạo, để các em bước tới những chân trời mới mẻ mà người Thầy của mình chưa từng đặt chân đến.

Các cụ ta xưa kia thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”, suy rộng ra nếu có được những học trò hơn mình thì đấy chính là niềm hạnh phúc lớn lao của những Người Thầy chân chính. Làm sao mà tự ái được khi thấy trò có những câu hỏi thông minh, dám phát biểu trái ý thầy, hoặc tìm ra sai sót trong cách giải bài tóan của Thầy. Biết trân trọng và khuyến khích những học sinh như vậy, uy tín của người Thầy càng được đề cao trước những học trò thân yêu của mình.

Và biết xử thế đúng mức trong những tình huống đặc biệt như vậy chính là Người Thầy đã biết vận dụng phương pháp sư phạm một cách nhuần nhuyễn và có hiệu quả cao nhất.