Hãy lắng nghe các em học sinh nói

Chúng tôi gồm 1 số gia đình đang sống và làm việc tại ĐSQ Việt Nam tại Nauy. Con gái tôi năm nay cũng vào lớp 1. Cháu sẽ học ở đây 3 năm sau đó về Việt Nam học. Nghe các cháu vừa ở Việt Nam sang nói chuyện học ở nhà khiến tôi rất lo.

Hôm qua tôi có dịp được nói chuyện với ba cháu học sinh ở ba lớp 1, 2 và 3 của 2 trường Nam Thành Công và Thành Công A. Sau khi nghe các cháu nói tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cách dạy học sinh của các cô giáo mà các cháu học.

Chuyện là thế này. Hôm qua trong khi chơi đùa cô con gái 6 tuổi của tôi đã viết sai lỗi chính tả (3 lỗi trong 1 câu 8 chữ). Vì cháu chưa đi học , chỉ là ở nhà thỉnh thoảng tôi dạy cháu thôi. Thế là 3 anh chị kia tranh nhau doạ cháu. Bống đi học ở Việt Nam mà viết sai lỗi chính tả thì bị cô lấy thước kẻ sắt vụt cho gãy tay. Tôi ngạc nhiên hỏi lại các cháu : “Sao viết sai lỗi chính tả lại bị vụt vào tay, lại còn cả thước kẻ sắt nữa cơ à?” Như được dịp, ba cháu kia tranh nhau kể chuyện ở lớp các cháu. Các cháu nói rằng ở lớp cứ viết sai lỗi chính tả hoặc viết xấu là bị cô giáo lấy thước kẻ quật vào tay. Ở lớp bạn nào cũng bị cô đánh. Có bạn còn bị cô đánh gãy cả thước kẻ nhựa. Bạn nào viết sai chính tả nhiều thì bị đánh nhiều. Bài tập cô cho thì quá nhiều. Nếu không làm hết thì hết giờ cũng phải ở lại làm. Làm xong thì mới được về. Có hôm ông bà đến đón cũng phải đợi.

Cháu gái học lớp 2 kể, có hôm cháu làm không xong bài, cậu cháu đến đón cháu nhưng cô không cho về, cậu cháu thương cháu quá cậu đã khóc. Buổi tối về cô cho quá nhiều bài tập, làm đến tận 1h sáng mới xong. Cháu lúc đó mới được đi ngủ, hôm sau dậy sớm đi học, cháu cứ nghĩ đến đi học là lại chả muốn đi. Cả ba đứa đều nói cháu sợ đi học lắm.
Thằng bé mới học lớp 1 nói, cháu mỗi lần nghĩ đến đi học cứ như là đạn bắn vào tim. Cháu lớp 2 thì kể có lần cô cho nhiều bài quá, cháu về làm không hết và thế là ốm nghỉ 2 ngày, hôm sau đi học do ốm không làm hết bài cô gọi lên đánh vào tay, đến bây giờ tay cháu vẫn còn thâm. Tôi ngạc nhiên quá hỏi các cháu về có nói chuyện này với bố mẹ không? Cháu học lớp 3 nói cháu có nói với mẹ nhưng mẹ cháu nói thôi con cố chịu, cô làm vậy cũng tốt cho con thôi mà. Rồi mẹ cháu đến nhà cô hiệu trưởng gần nhà cháu, nhờ cô nói với cô chủ nhiệm để cô đỡ đánh cháu, nhưng cô vẫn đánh.

Còn cháu học lớp 2 thì nói, cháu không dám nói với bố mẹ cháu vì sợ bố mẹ nói lại với cô, cô càng đánh hơn. Nghe những lời nói của các cháu tôi thấy thương các cháu quá. Các cháu nói cứ mỗi lần nghĩ đến đi học thì các cháu sợ lắm. Có những bạn bị cô đánh sợ gầy cả người. Tôi nói với các cháu là tôi sẽ viết những lời này của các cháu lên báo và hỏi các cháu có mong muốn gì không. Cả 3 cháu đều nói các cháu muốn 3 năm sau trở về Việt Nam sẽ không phải học trong ngôi trường như vậy nữa. Các cháu chỉ mong các cô đừng đánh các cháu, đừng bắt các cháu phải chịu một áp lực học hành quá lớn như vậy.

Tôi cũng biết, đây cũng chỉ là những trường hợp cá biệt. Không phải giáo viên nào cũng dùng phương pháp này. Vì vậy, tôi rất mong các cô giáo đang có cách giáo dục roi vọt như vậy nghĩ lại. Các cô cũng có con, con các cô cũng phải chịu một nền giáo dục như vậy liệu các cô có vui không? Các cô đi học sư phạm, phương thức roi vọt có được đem ra giảng dạy để khi ra trường các cô áp dụng vào giảng dạy không? Vì tôi cũng là một giáo viên. Tôi nhận thấy cách giáo dục roi vọt này quả thật là phản tác dụng.

Diệu Huyền (gửi từ Nauy)