Hạnh phúc khi có người yêu thương

(Dân trí) - Tôi nhớ cũng đã lâu rồi, tôi chưa từng có được cái cảm giác như vậy. Cái cảm giác thật khó tả len lỏi trong tôi. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, thoải mái, cảm giác ấm áp khi xưa lại tìm về ... Bạn đọc chia sẻ cùng em Tuấn.

Có lẽ hơi khác với mọi người 1 chút, tôi lớn lên trong tình yêu thương, sự che chở của bà con hàng xóm và những người tốt bụng. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi đã thầm trách bố mẹ sao nỡ bỏ 3 anh em chúng tôi mà đi, không cho chúng tôi gặp lại dù chỉ 1 lần, 1 lần thôi để tôi có thể trông thấy họ, có thể ôm chầm lấy họ và nói với họ một câu rằng: “Bố, mẹ! Sao bố mẹ không ở lại nhìn mặt chúng con?”

Ngày ấy, lúc mà bố mẹ rời xa chúng tôi, bà nội cũng đã ốm yếu lắm rồi. Bà đã ngoài 80 tuổi lại mắc phải căn bệnh thần kinh quái ác nên chẳng giữ chân được bố mẹ tôi ở lại. Sau cái ngày ấy được 5 năm, bà cũng  đã theo ông sang thế giới bên kia, để lại chúng tôi bơ vơ trong căn nhà tranh vắng vẻ chỉ có 3 người.

Ngày mà bà ra đi cũng là ngày bác tôi buồn lắm. Lúc đó, bác là con duy nhất trong nhà, trách nhiệm của người làm con buộc bác phải thay bố mẹ tôi nuôi người mẹ bệnh tật nằm liệt giường suốt 5 năm. Không những vậy, trọng trách của người làm bác như người ta vẫn thường nói: “Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú gì”. Bác bây giờ không chỉ là người bác, bác là người cha nuôi ba anh em chúng tôi, cộng với 3 đứa con ruột là 6. Đồng lương hẹp hòi của người bệnh binh mất 61% sức khỏe, mang nhiều bệnh tật thật chẳng đáng là bao so với cái “đại gia đình” ấy.

Không ở lại trạm an dưỡng, bác tôi trở về quê hương để hưởng cái hạnh phúc gia đình bình dị ấy. Đồng lương ít ỏi đáng nhẽ phải để bác bồi bổ những lúc trái gió trở trời, nhưng giờ đây, sau những ngày nuôi mẹ ốm đau bác lại phải nuôi vợ đau yếu. Sau 1 tai nạn bất ngờ, bác gái tôi như trở thành người tàn phế. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải do người khác đảm nhận. Bác sỹ khẳng định căn bệnh đó hoàn toàn không chữa khỏi được, phải thuốc thang đầy đủ, tốn kém mới mong kéo dài được sự sống. Gần 10 năm làm trọn nghĩa vợ chồng, bác gái tôi cuối cùng cũng không ở lại được với gia đình, bác đã theo tổ tiên sang thế giới bên kia để lại bác tôi nỗi buồn vô hạn.

Tôi thầm trách bố mẹ sao không ở lại giúp bác trong những lúc khó khăn, ở lại với chúng tôi để tôi có thể được gọi bố, gọi mẹ 1 tiếng. Hai từ thân thương quen thuộc mà đứa con nào cũng có thể gọi, cũng có thể kêu lên những lúc nũng nịu đòi chiều chuộng, những lúc  bị người ta bắt nạt ... thế mà đã lâu lắm rồi tôi không được gọi 2 từ ấy.

Lần cuối cùng tôi nhìn thấy họ qua miếng kính nho nhỏ bằng bàn tay, dưới ánh nến vàng hoe, phập phùng cháy mà người ta cứ bắt tôi phải nhìn, lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao họ lại cứ nhìn tôi chằm chằm đến vậy? Sau đó tôi vội vàng chạy đi, tung tăng cầm cờ chạy trước đám người đông đông kia mà đâu có biết đó chính là lúc tiễn bố, rồi tiễn mẹ mình sang thế giới bên kia, cái thế giới mà 3 anh em tôi không bao giờ được gặp lại họ nữa, chúng tôi chỉ có thể gặp họ trong giấc mơ, trong những lúc bác tôi ngồi kể lại mà cái tuổi lên ba của tôi ngày ấy không thể nhớ nổi ...

Và lần đầu tiên tôi có được cái cảm giác thật sự sung sướng và hạnh phúc khi cầm trong tay giấy báo trúng tuyển đỗ vào trường cấp III chính quy của huyện. Tôi đã thấy được phần nào niềm vui của bác, của chị gái tôi. Nhưng cùng với niềm vui đó, 3 người (tôi và 2 anh con bác) cùng học cấp III đã làm bác lại phải suy nghĩ, chị gái tôi càng thêm lam lũ hơn ...

Lần thứ hai là khi tôi cầm trong tay giấy báo trúng tuyển đại học trong khi đó anh con bác cũng đỗ vào 1 trường cao đẳng trên Hà Nội. Nhưng đó cũng là lúc chị gái tôi gặp tai nạn giao thông phải nằm viện dài ngày. Tai họa cứ thay nhau ập đến gia đình tôi, tôi không sao hiểu nổi nữa.

Nhiều lần nằm ngủ tôi đã mơ được cùng bác đi lên trường nhập học, nhưng rồi sau đó bác cũng đành bỏ tôi mà đi, chỉ còn tôi bơ vơ ở lại ...  Những giấc mơ hãi hùng, nhưng rồi tỉnh dậy tôi cũng phải thầm hiểu điều đó. Tôi không muốn đi học và muốn tìm 1 việc gì đó để làm, để đỡ đần cho bác và cải thiện đời sống gia đình vì lúc này bác tôi đã yếu thật rồi...

Nhưng rồi tôi và anh cũng lần lượt được bác cho đi học. Bác bảo dù thế nào đi nữa hai đứa cũng phải đi. Câu nói cùng hành động của bác giúp chúng tôi tiếp tục được học trên sự lam lũ của người lính đã già, tôi trở thành sinh viên đại học, xa nhà, xa cái gia đình nhỏ bé từ lúc ấy.

Có nhiều lúc tôi đã thực sự mất hết ý chí, buồn, chán nản, ... trong ngôi nhà nhỏ bé ấy thật ít tiếng cười. Nhìn cảnh anh trai mình phải cấp cứu tại bệnh viện - bác nằm quỵ xuống, huyết áp tăng rồi nói không nên lời... Đuổi con gà nhỏ đang ấp dở mấy quả trứng ra khỏi ổ, cầm nốt 2 quả còn lại của nó mà tôi không sao kìm được nước mắt. Đoàn kết, yêu thương... tôi muốn mọi người luôn luôn quan tâm đến nhau vì chúng ta là một gia đình, một gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, một gia đình vui vẻ thuận hòa ...  để bù đắp lại những khó khăn mà cả nhà đã từng trải. Mọi người ơi! hạnh phúc có phải ở đâu xa?

Nhưng chuyện đó đã đi vào quá khứ, lúc này tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc. Chỉ còn vài ngày nữa là chị gái tôi sinh em bé, và tôi sẽ được làm cậu ruột. Anh tôi cũng đã đi làm trở lại, công việc tuy còn chưa ổn định nhưng đó là sự thay đổi tích cực. Các anh con bác tôi cũng sắp tốt nghiệp và ra trường ...

Ba năm đại học tôi đã vượt qua, chỉ còn 1,5 năm nữa là tôi cũng tốt nghiệp. 2/3 quãng đường đã trải qua tuy có không ít những  khó khăn, tôi biết những năm cuối khó khăn sẽ càng nhiều hơn nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua để không phụ lòng mong mỏi của gia đình, của những người đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Có lẽ tôi sẽ tìm một công việc khác tốt hơn để gia đình không phải bận tâm vì tôi nữa. Và tôi hiểu hạnh phúc mà tôi có được ngày hôm nay cũng không phải tự dưng mà có.

Người đầu tiên tôi muốn nói lời cám ơn sâu sắc nhất là các thầy trong Viện học bổng Happel. Các thầy đã cưu mang giúp đỡ tôi, giúp tôi có được suất học bổng trong suốt 3 năm học. Và với học lực của mình, tôi hứa sang năm sẽ không để cho các thầy phải thất vọng. Tôi cũng  biết ơn các thầy, các cô Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, nơi tôi đang học tập đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt những năm vừa qua. Tôi xin mãi khắc ghi hai từ: “biết ơn”, em xin biết ơn tất cả các thầy, các cô! ...

Giờ đây, tôi chỉ còn biết cầu mong cho bác mình luôn luôn khỏe mạnh, vượt qua được những căn bệnh quái ác đang hoành hành mà bác vẫn ngày ngày âm thầm chịu đựng. Vì không có tiền chữa trị, bác không muốn cho ai biết, bác không muốn mọi người phải bận tâm vì mình ... Và đó, bác tôi cũng như bao người là bậc làm cha làm mẹ khác, họ là những người luôn lo lắng, luôn hy sinh thầm lặng không đòi hỏi cho con cho cháu các bạn ạ!

Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới những ai còn bố, còn mẹ rằng hãy quan tâm và chăm sóc cho bố mẹ mình nhiều hơn vì tình yêu thương vô bờ bến mà họ đã mang lại cho bạn, và khi không còn bố, không còn mẹ như tôi thì các bạn mới thấy 2 từ “bố”, “mẹ” thiêng liêng biết chừng nào!

Tôi cũng cầu chúc cho những bậc làm cha làm mẹ luôn luôn khỏe mạnh để họ có thể yêu thương, chăm sóc cho những đứa con của mình, để không có đứa trẻ nào phải rơi vào hoàn cảnh giống như tôi!

Trịnh Văn Tĩnh,

Lớp HK5 - khoa Cơ khí - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Cháu là một người có hoàn cảnh hơi đặc biệt do mất cả bố lẫn mẹ từ lúc lên 3 ... Tuy nhiên cháu thấy mình là người may mắn vì có sự yêu thương, cưu mang và giúp đỡ của nhiều người, chính vì vậy cháu mới có thể vượt qua được những lúc khó khăn hoạn nạn. Nay bằng lòng biết ơn chân thành, cháu kính mong báo chuyển giúp cháu lời cám ơn sâu sắc đến các thầy, các cô và đặc biệt là người bác thân yêu của cháu, và đến tất cả những người trong dòng tâm sự trên. Những dòng tâm sự đó còn là những điều ước của cháu về gia đình mình, .... Cháu cám ơn nhiều lắm!