Hải Dương: Tòa án chậm xét xử, công dân đối mặt nguy cơ mất tiền tỷ và đất

(Dân trí) - Tin tưởng bạn, vợ chồng bà Minh Vượng ở Hải Dương đồng ý cho vợ chồng Hương Giang cùng khu mượn 5,1 tỷ đồng và một Giấy chứng nhận QSDĐ. Đến nay người vay không còn khả năng trả nợ, trong khi tòa án chậm đưa ra xét xử đẩy gia đình bà Vượng đứng trước nguy cơ “trắng tay”.

Trong đơn gửi báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Minh Vượng (SN 1961) và chồng Đỗ Văn Bé (SN 1956), trú tại phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương phản ánh: Từ tháng 7/2010 đến tháng 11/2012, vợ chồng ông bà Vượng - Bé cho vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Hồng Hương và ông Đỗ Văn Giang vay hơn 5,1 tỷ đồng; cho mượn 1 Giấy chứng nhận QSDĐ số CH 00862, do UBND TP. Hải Dương cấp ngày 8/11/2010 cho Lô 76.23, tờ bản đồ QH19, địa chỉ: Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Hải, TP. Hải Dương, để làm tài sản đảm bảo vay vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) - Chi nhánh Hà Nội.

Đơn của bà Nguyễn Thị Minh Vượng phản ánh sự việc đến báo Dân trí.

Đơn của bà Nguyễn Thị Minh Vượng phản ánh sự việc đến báo Dân trí.

Đến ngày 4/6/2014, vợ chồng bà Vượng - Bé bất ngờ nhận được Giấy của Tòa án TP. Hải Dương triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự tranh chấp thương mại. Đến làm việc tại tòa, vợ chồng bà Vượng - Bé mới biết sắp mất lô đất được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi là sổ đỏ) số CH 00862, do vợ chồng Hương - Giang không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng trên, nên bị ngân hàng khởi kiện yêu cầu phát mại tài sản của vợ chồng bà Vượng - Bé để trả nợ thay.

Về việc thế chấp sổ đỏ đã được cấp đối với lô đất rộng 65,25m2. Ngày 2/6/2012, vợ chồng bà Vượng đồng ý cho vợ chồng Hương Giang mượn sổ đỏ 1 tháng để vay vốn tại ngân hàng OCB. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, vợ chồng bà Vượng - Bé không được nhận lại sổ đỏ, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu, cho đến khi được Tòa án TP. Hải Dương triệu tập mới biết bị ngân hàng khởi điện đòi phát mại tài sản.

Qua các buổi làm việc với Tòa án TP. Hải Dương, bà Vượng đã phát hiện hàng loạt dấu hiệu vi phạm về việc định giá 65,25m2 cao hơn giá trị thực tế. Hợp đồng tín dụng số 031.12.016/2012/HĐTD - DN ngày 02/06/2012 của Ngân hàng OCB Hai Bà Trưng cho Công ty TNHH Hoàng Giang vay số tiền là 2 tỷ đồng, nhưng không hề có chữ ký của vợ chồng bà Vượng - Bé. Trong khi đó, Hợp đồng thế chấp vợ chồng bà Vượng ký với Ngân hàng OCB - Chi nhánh Hai Bà Trưng chỉ đồng ý cấp tín dụng cho Bên thế chấp tổng số tiền dư nợ gốc cao nhất là 2.000.000đ trong thời hạn 1 tháng. Số tiền hạn mức 2.000.000đ nêu trên đã được xem xét, thẩm định qua rất nhiều khâu của ngân hàng, cho đến khi đi ra công chứng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không hề thay đổi.

Sau khi xảy ra tranh chấp, vợ chồng bà Vượng - Bé đã làm đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ra Tòa án TP. Hải Dương. Trong lúc Tòa án đang thụ lý vụ án, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Hải Dương đã tự động tiến hành sửa đổi số tiền 2.000.000đ ( tại đoạn 2 khoản 3 Điều 1 trang 2/6 của Hợp đồng thế chấp) thành số tiền 2.000.000.000đ (2 tỷ đồng). Trao đổi với phóng viên, bà Vượng cho rằng, việc sửa đổi số tiền từ 2.000.000đ lên 2.000.000.000đ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bởi đối tượng hợp đồng đang bị kiện chưa giải quyết xong thì không ai, không tổ chức nào có quyền tự ý sửa đổi.

Từ tháng 8/2014, vợ chồng bà Vượng đã làm đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ra Tòa án TP. Hải Dương, được Tòa án TP. Hải Dương ra Quyết định thụ lý số 290/2014/TB-TLVA. Tuy nhiên, sau hơn một năm trôi qua vụ án vẫn bị kéo dài, chưa được đưa ra xét xử đã và đang xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân, mặc dù bị đơn nhiều lần gửi đơn đề nghị tiến hành xét xử.

Nhận định về việc Tòa án TP. Hải Dương chậm đưa vụ án ra xét xử, Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật QTC) cho rằng: Vụ án đã bị kéo dài không căn cứ pháp luật suốt hơn 1 năm qua, bản thân công dân đã gửi nhiều đơn đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ án, nhưng đơn của bà Vượng vẫn rơi vào “im lặng” khi mà tòa án đã chấp nhận đơn yêu cầu độc lập của vợ chồng bà Vượng yêu cầu được trả lại sổ đỏ. Việc Tòa án TP. Hải Dương chậm đưa vụ án ra xét xử là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân...

Đối với vụ vay nợ hơn 5,1 tỷ đồng, bà Vượng cho biết: “Ngay sau khi biết vợ chồng Hương- Giang không còn khả năng trả nợ, ngày 1/8/2014,  tôi đã làm đơn khởi kiện đòi tài sản cho vay, nhưng Tòa án TP. Hải Dương trì hoãn không thụ lý với những lý do không thuyết phục. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tôi tiếp tục khiếu nại Chánh án Tòa án TP. Hải Dương và cuối cùng vụ án của tôi cũng được thụ lý....”.

Theo đơn trình bày của vợ chồng bà Vượng - Bé, tại phiên hòa giải ngày 26/5/2015, vợ chồng bà Hương - Giang đã công khai chối bỏ trách nhiệm trả nợ. Ngoài ra, tại Tòa án TP Hải Dương, bà Hương còn cung cấp cho tòa án một tờ giấy tự viết không có chữ ký của 2 bên để chứng minh đã trả hết toàn bộ số tiền hơn 5,1 tỷ đồng vay của vợ chồng ông bà Vượng - Bé, nhưng vẫn được thẩm phán lấy làm chứng cứ giải quyết vụ án.

Nhằm làm rõ nội dung công dân phản ánh trong đơn, ngày 31/8/2015,  phóng viên báo Dân trí đã cuộc trao đổi với ông Thắng - Chánh án Tòa án TP. Hải Dương, ông Thắng xác nhận có việc chưa đưa vụ án ra xét xử như phản ánh của vợ chồng bà Vượng - Bé. Theo ông Thắng, việc chậm có một phần nguyên dân do phải tiến hành giám định chữ viết trên một số giấy tờ liên quan: “Việc chậm là do chúng tôi phải giám định chữ viết, hiện việc giám định chữ viết sắp có kết quả. Dự kiến sang tuần tới (tuần từ ngày 7 đến 13/9 - PV) sẽ lên lịch đưa vụ án ra xét xử...”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin việc trên đến bạn đọc.

Thành Vinh - Nguyễn Lê