Hà Nội: Ban chỉ đạo thi hành án huyện Đông Anh thờ ơ, tắc trách đến bao giờ?

(Dân trí) - Là đơn vị được thành lập với chức năng chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội nhưng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Đông Anh thờ ơ, tắc trách, chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong vụ thi hành án kéo dài hơn một thập kỷ qua trên địa bàn huyện.

Như Dân trí đã đưa tin, năm 2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà đất là tài sản bán đấu giá để thi hành án. Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 13 năm kể từ khi nộp đủ tiền để mua tài sản bán đấu giá, mặc dù đã có nhiều đơn từ khiếu nại, kiến nghị gửi tới các cơ quan để đề nghị giải quyết, bà Hạnh vẫn chưa nhận được nhà đất. Ngược lại ngôi nhà cấp 4 mái bằng trong khối tài sản bà Hạnh đã mua hợp pháp cũng bị huỷ hoại hoàn toàn mà các cơ quan chức năng vẫn “làm ngơ” bao năm qua.

Để làm rõ vai trò, trách nhiệm của BCĐ THADS theo đúng quy định pháp luật, Báo Điện tử Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Nhâm Mạnh Hà (công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) dưới góc độ pháp lý.


Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết theo quy định pháp luật thì BCD THADS có chức năng, nhiệm vụ gì?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác THADS, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác THADS tại địa phương”.

Với vai trò là cơ quan quản lý đầu ngành trong công tác THADS, ngày 22/3/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành “Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của BCĐ THADS cấp tỉnh, huyện” kèm Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP. Tại Quy chế này đã quy định rõ: BCĐ THADS có chức năng tham mưu và giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc chỉ đạo công tác THADS; tổ chức phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan với cơ quan thi hành án tại địa phương.

Để tương xứng với vai trò vị trí cũng như đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn trong việc giải quyết thi hành án dân sự ngày 11/7/2011 Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn chi tiết hoạt động của BCĐ THADS. Theo đó, BCĐ THADS có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội,…

Hà Nội: Ban chỉ đạo thi hành án huyện Đông Anh thờ ơ, tắc trách đến bao giờ? - 2
Hà Nội: Ban chỉ đạo thi hành án huyện Đông Anh thờ ơ, tắc trách đến bao giờ? - 3

Biên bản họp Ban chỉ đạo thi hành án không có chữ ký của trưởng ban

Biên bản họp Ban chỉ đạo thi hành án không có chữ ký của trưởng ban

PV: Vậy với vai trò là một trong những đơn vị có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thi hành án trên địa bàn, trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Đông Anh (BCĐ THADS huyện Đông Anh) được xác định ra sao trong vụ thi hành án hy hữu kéo dài hơn một thập kỷ này?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Có thể thấy rõ, sau khi bán đấu giá, đối với sự phối hợp giữa các cơ quan để bàn giao tài sản cho người mua cũng như quá trình giải quyết khiếu nại của người dân, BCĐ THADS huyện Đông Anh đã chưa làm tốt nhiệm vụ của mình và đây là một phần nguyên nhân chính dẫn tới việc thi hành án kéo dài suốt hơn một thập kỷ mà chưa được giải quyết.

Xét trong vụ việc này, sau khi có kết quả trúng đấu giá của bà Hạnh đồng thời có Quyết định số 07/KN-KS của VKSND huyện Đông Anh kháng nghị về việc định giá, bán đấu giá tài sản của THADS huyện Đông Anh, ngày 29/4/2004, đại diện các ban ngành và BCĐ THADS huyện Đông Anh đã tiến hành họp bàn biện pháp thi hành án. Tại buổi họp các bên đều nhất trí bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Sau đó, ngày 15/10/2004, BCĐ THADS huyện Đông Anh đã có Văn bản số 02/CV yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị không đầy đủ của các cơ quan liên quan, bao gồm cả BCĐ THADS huyện Đông Anh, đã dẫn tới việc cưỡng chế không thể thực hiện được. Cụ thể, ngày 10/11/2004, khi lực lượng cưỡng chế xuống cưỡng chế để bàn giao tài sản cho bà Hạnh thì gia đình ông Đào Xuân Mai đã tổ chức lực lượng khoảng 50 người cản trở, chống đối việc cưỡng chế thi hành án. Điều này đã dẫn tới việc các cơ quan quyết định hoãn việc cưỡng chế với lý do “không bố trí đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án” – một lý do hoàn toàn thể hiện sự yếu kém, bị động, bất lực trong công tác chỉ đạo thi hành án của BCĐ THADS huyện Đông Anh.

Rõ ràng, từ lý do của việc hoãn cưỡng chế này có thể thấy, các cơ quan chức năng, trong đó BCĐ THADS là đơn vị có nhiệm vụ chủ chốt, chưa có sự chuẩn bị, nắm tình hình sát sao, đầy đủ trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, chưa đưa ra các đề xuất, phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong chỉ đạo việc tổ chức, phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế THADS, cũng như việc tham mưu giúp UBND huyện Đông Anh chỉ đạo việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án này.

Sau khi việc cưỡng chế thi hành án không thể thực hiện được và phải hoãn, BCĐ THADS huyện Đông Anh cũng không tiếp tục xây dựng kế hoạch, thảo luận, đề xuất với các cơ quan có liên quan để tổ chức cưỡng chế thi hành án lại. Điều này đã dẫn tới trì hoãn việc thi hành án hơn 10 năm nay, do đó tài sản đáng lẽ ra phải được bàn giao cho người mua trúng đấu giá lại đã bị hủy hoại nghiêm trọng, gây nên thiệt hại lớn cho gia đình bà Hạnh.

PV: Vậy thưa luật sư, với trách nhiệm chỉ đạo THADS trên địa bàn nhưng lại để xảy ra việc sai phạm do không chỉ đạo sát sao đã dẫn đến việc chậm bàn giao tài sản mua trúng đấu giá kéo dài hơn một thập kỷ qua, trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Trong việc chậm chễ và không sát sao trong công tác chỉ đạo thi hành án của BCĐ THADS huyện Đông Anh bao gồm trách nhiệm của tất cả các thành viên trong BCD THADS huyện Đông Anh, nhưng trước hết trách nhiệm này thuộc về Trưởng Ban chỉ đạo – ông Trần Đình Nam. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban chỉ đạo THADS bao gồm:

Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để thực hiện nhiệm vụ của BCĐ THADS;

Quyết định nội dung cuộc họp, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của BCĐ THADS;

Hà Nội: Ban chỉ đạo thi hành án huyện Đông Anh thờ ơ, tắc trách đến bao giờ? - 5


Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Phân công cho Phó trưởng ban và các thành viên trong BCĐ THADS thực hiện công việc của BCĐ THADS;

Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các thành viên trong BCĐ THADS và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự;

Quyết định kiểm tra hoặc cử thành viên trong BCĐ THADS phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của UBND trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

Chịu trách nhiệm trước UBND về nhiệm vụ được giao.

Theo quy định này có thể thấy rằng BCĐ THADS huyện Đông Anh, đứng đầu là ông Trần Đình Nam giữ vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án và bàn giao tài sản trúng đấu giá cho gia đình bà Hạnh. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo, không sát sao vào nhiệm vụ được giao nên ông Trần Đình Nam đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án dang dở, tài sản bà Hạnh đã mua bị hủy hoại toàn bộ và bị gia đình ông Mai ngang nhiên sử dụng suốt hơn một thập kỷ qua.

Việc tắc trách, thờ ơ của ông Trần Đình Nam trong quá trình điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh thể hiện ngay trong Biên bản họp chỉ đạo thi hành án ngày 11/12/2015 tại phòng họp số 2 – UBND huyện Đông Anh, hoặc Biên bản họp chỉ đạo thi hành án ngày 20/01/2016 tại phòng họp số 1 – UBND huyện Đông Anh. Trong thành phần tham gia cuộc họp, có ghi rõ là có Trưởng Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh – ông Trần Đình Nam, tuy nhiên ông Nam lại không ký tên trong cả hai Biên bản cuộc họp. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ông Nam có thực sự tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo thi hành án trên hay không? Nếu có thì tại sao ông Nam không ký ngay vào Biên bản cuọc họp, như rất nhiều người tham gia khác? Đối với một cuộc họp quan trọng như vậy thì dù là có mặt nhưng không ký vào Biên bản cuộc họp, hay không có mặt, thì đều phản ánh rất rõ sự tắc trách vô trách nhiệm của ông Nam và đều là điều không thể chấp nhận được.


Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đông Anh khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ thi hành án “sống chết mặc bay”.

Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đông Anh khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm vụ thi hành án “sống chết mặc bay”.

Cùng với việc thi hành án kéo dài hơn 13 năm nay thì những sai phạm, sự thiếu trách nhiệm của BCĐ THADS huyện Đông Anh nói riêng và các cơ quan có liên quan cũng kéo dài liên tục chừng ấy năm. Tại sao việc thi hành án kéo dài suốt thời gian qua mà không có bất cứ cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm? Quyền lợi của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng khi cứ phải mỏi mòn chờ đợi, không biết đến ngày nào mới có thể được nhận tài sản mình bỏ tiền ra mua hợp pháp. Trong vụ việc này cá nhân nào là người có sai phạm và phải bị xử lý? Rõ ràng đó là những dấu hỏi nhức nhối không chỉ đối với những người liên quan mà còn với cả đông đảo bạn đọc đang quan tâm sát sao diễn biến của vụ việc này. Qua đây đã thể hiện sự thất bại của cả một hệ thống các cơ quan nhà nước huyện Đông Anh trong việc phối hợp thi hành án khi gặp hành vi vi phạm pháp luật của gia đình ông Mai.

Thiết nghĩ rằng, các cơ quan chức năng cần xác định rõ tất cả các vấn đề này, xác định đúng và đầy đủ trách nhiệm và sai phạm của từng cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, từ đó có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật để làm trong sạch bộ máy Nhà nước, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự ở địa phương, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người mua trúng tài sản đấu giá hợp pháp.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc đến bạn đọc.

Anh Thế