Bạn đọc viết:

Gửi các bạn đang phản ứng với từ “nhà quê”

(Dân trí) - Không có ai hoàn toàn trắng hay đen, chẳng có gì là tuyệt đối. Thái độ miệt thị với những ngỡ ngàng của người chưa quen với cuộc sống thành thị là sai. Với góc nhìn này thì các bạn đã phân tích, đã dẫn chứng. Tôi muốn có một góc nhìn ngược lại.

Gửi các bạn đang phản ứng với từ “nhà quê”  - 1
"Xe đạp vượt đèn đỏ chắc không bị phạt đâu!" (Nguồn ảnh: Internet)

Nếu là người ở Hà Nội, khẩu ngữ “nhà quê” không còn chỉ ám chỉ người từ các cùng nông thôn ra thành thị, mà ngày nay ngữ nghĩa của nó rộng hơn, như “đề mốt”, như “ngẩn ngơ” chẳng hạn. Nếu ai đó nói “áo này quê chết đi được” thì phải dịch là “áo này lạc mốt chết quá”; hoặc “thằng nhà quê” thì phải hiểu là “kẻ ngẩn ngơ” hay đúng hơn là “cậu này trông ngơ ngác như người vừa từ quê lên tỉnh”. Thế thôi. Ý nghĩa của từ “nhà quê” lúc này được "dịch" theo ngữ cảnh hơn là ngữ nghĩa.

Thái độ dè bỉu, diễu cợt người chân ướt chân ráo, lần đầu ra phố tỉnh, nhất là tới những thành phố hiện đại như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì là không đúng rồi. Tuy nhiên tôi xin hỏi ngược lại: trước một số tình huống do những người chưa quen cuộc sống đô thị gây ra bạn thấy nên khóc hay nên cười, nên nổi xung hay nên thông cảm? Ví dụ:

Đang đi ngon lành “bỗng dưng rẽ trái” không kèn không trống, khiến bạn đang đi sau một là phải phanh dúi dụi, bị đâm vào đuôi xe hoặc đâm vào người đằng trước... Nhìn ra thì là hai em nữ sinh đang nói cười tíu tít “ơ bên kia có cái áo đẹp nhẩy”. Ấy quê em làm gì có chuyện xi-nhan, đường đê đèn đỏ chớp loé thế, con trâu nó cay mắt, nó húc cho thì hỏng. Bạn có thông cảm không?

Đèn xanh, anh xe máy phía trước vẫn oang oang “mai con về, bu mua mấy cân gạo để con đèo về luôn thể…”. Còi: không nghe. Nói vọng lên: không chuyển. Bực quá, nói to một tí,  gạt chống, quay lại, trừng mắt: phố của nhà ông đấy hử, đường bên kia rộng thế sao không đi, lắm chuyện, ông lại cho một trận bây giờ. Khổ!
 
Nhà trong ngõ, em gái nhập cư phải khoá cửa nhà trọ (kẻo trộm), kéo lại áo, đeo găng, khẩu trang, mũ bảo hiểm, kính, ngồi ngay ngắn trên xe, từ từ chạy ra kẻo đụng thằng đi ẩu. Khổ nỗi, em cứ nhẩn nha làm từng ấy việc trong khi cái xe máy của em đứng chình ình giữa hẻm, sau lưng em là bác hàng xóm cũng đang vội đi làm, nhăn nhó nhưng phải “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Ở quê em ngõ to, xe ít, em câu giờ nửa tiếng có ai nói gì đâu cơ chứ, khổ.

Ra phố phải sống như dân phố, cũng nhà hàng, ăn nhậu, xe đẹp, "dế" sang, hút xách, trà lá, áo quần... Nhưng lắm khi cái thẩm mỹ, cái văn hoá nó không theo kịp thời đại, thành ra trông nó chướng mắt và thậm chí còn ảnh hưởng đến người khác. Nó giống như mấy cô váy ngắn mà đi lội ruộng trong các chương trình truyền hình hay phim giờ vàng ấy, bạn ở nông thôn nhìn vào có thấy “xốn con mắt bên trái...” không ?

Bạn bực bội khi người thành phố chê bạn là “nhà quê”, vậy bạn đã từng bao giờ có cảm giác vừa buồn cười, vừa khó chịu khi về quê hưởng gió đồng nội, nhưng chả thể nào (dám) đi qua cái cầu khỉ chênh vênh. Trong khi anh bạn từng bị chê là nhà quê thì cứ vèo vèo bước và còn quay lại giễu: “Cầu khỉ mà không biết đi, sao quê thế (?!)”.

Nếu tôi là anh nhà giàu, tôi sẽ hỏi tiếp con tôi, vậy nhà ta nghèo nên không còn đủ tiền trả internet để con search google, không còn đủ tiền để thanh toán hoá đơn điện thoại, không đủ tiền để mua cái xe máy chở con đi học thêm cho kịp giờ, con nghĩ sao?
 
Góc nhìn là phải hướng lên thì đất nước mới phát triển được. Chứ chỉ chăm chăm nhìn lại quá khứ để cứ cho là gìn giữ nguồn gốc,  thì khi nào ta mới có tàu điện ngầm, có điện nguyên tử, mới thoát ngập, hết kẹt xe...?

Nếu bạn tự coi mình là người “nhà quê”, thử  hỏi 1 năm bạn ở quê mấy ngày, vì sao lại bỏ quê ra phố mà không ở lại để gìn giữ chân quê của mình. Bạn có muốn có laptop, internet, có mobile phone, có xe máy, ôtô, hay cứ muốn tắm ao làng, nhìn cò bay với cái bụng trống rỗng?

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chẳng có ai là hoàn hảo và chẳng có điều gì là tuyệt đối, do đó tôi nghĩ đó là vấn đề của từng con người, nếu không muốn đề cập đến những chuyện đao to búa lớn mà chúng ta nghe hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Muốn hoà nhập vào cuộc sống mới, người giúp bạn là chính bạn, đừng tự ái vì nguồn gốc của mình, đừng để bị chi phối bởi những phát ngôn thể hiện tính cá nhân ích kỷ, nhưng cũng đừng để chính bản năng của mình chống lại mình trong môi trường sống mới.

Ngược lại, với những “nhà giàu mới nổi” không phân biệt nguồn gốc “quê” hay “tỉnh”, xin cũng đừng để bị xem là thiếu văn hoá khi oang oang mắng người khác là nhà quê, trong khi chân mình vết nứt bùn nâu còn chưa gột sạch.
 
Thanh Mai