Giúp cho học sinh đi lại an toàn và đúng luật

(Dân trí) - Khi đến trường, học sinh cần được chăm lo giáo dục toàn diện, không chỉ học chữ mà còn được học những điều thiết thực nhất trong đời sống hằng ngày như việc đi lại sao cho an toàn, đúng luật lệ giao thông.

Theo thông tin từ Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng, trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có khoảng trên dưới 30 người chết vì tai nạn giao thông. Điều đó cũng có nghĩa là trên đất nước ta, cứ sau khoảng thời gian của một tiết học, lại có thêm một người phải ra đi vì tai nạn giao thông, chưa kể còn nhiều người khác bị thương tật!

 

Có thể nói tai nạn giao thông là một vấn nạn nhức nhối vì những hậu quả nặng nề và đau thương để lại cho bao gia đình và xã hội. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông gồm cả chủ quan và khách quan; ngoài những yếu tố về cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, chế tài xử phạt chưa nghiêm thì có một nguyên nhân hết sức quan trọng cần được nhấn mạnh là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của nhiều người còn rất hạn chế.
 
Vì thế, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho mọi người tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Đặc biệt, với đối tượng học sinh, hay hiếu động và đãng trí lúc đi đường, càng cần được quan tâm giáo dục luật lệ giao thông.

 

Mỗi khi ra đường, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những cảnh tượng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông như: học sinh đi xe đạp dàn ngang thành hàng 3, hàng 4 cản trở giao thông; ngang nhiên vượt đèn đỏ; rồi “vượt rào” luật lệ đi cả xe máy, chở 3, chở 4 người, thậm chí lạng lách đánh võng, đua xe… Tình trạng ách tắc giao thông ở các cổng trường lúc tan học xảy ra như cơm bữa.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong những lỗi vi phạm trên, có yếu tố của sự nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ nhưng phần lớn là do học sinh nhận thức sơ sài, hời hợt về pháp luật và thiếu hiểu biết về kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từ đó không ý thức được hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân và người khác nếu tai nạn xảy ra.

 

Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của các gia đình được cải thiện cùng với sự phát triển chung của đất nước. Việc mua một chiếc xe máy không còn  quá khó khăn. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh đã chiều theo ý thích của con, cho con đi xe máy khi chưa đủ tuổi được pháp luật cho phép.
 
Hiện tượng trên xảy ra nhiều ở thành phố và đang có chiều hướng tăng lên. Học sinh THPT hàng ngày vẫn điều khiển xe máy đến trường, nhưng không đưa xe vào chỗ gửi trong trường vì sợ lộ mà đưa xe đến các điểm giữ xe tư nhân xung quanh nhà trưỡng sẵn sàng phục vụ các “thượng đế”.

 

Tình trạng đó rất đáng quan tâm vì chính đối tượng lái xe vị thành niên đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất đáng tiếc và rất thương tâm.

 

Thực tế trên cho thấy những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho giới trẻ nói chung, đối tượng học sinh nói riêng. Trong nhà trường, hiện chưa có một chương trình giáo dục về an toàn giao thông có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả ba cấp học.
 
Những kiến thức về pháp luật giao thông được giới thiệu rải rác trong môn giáo dục công dân là chưa đủ. Công tác tuyên truyền hời hợt, chưa có chiều sâu nên hiệu quả và sức tác động tới học sinh bị hạn chế. Nhận thức của nhiều học sinh về vấn đề an toàn giao thông vì thế còn khá mơ hồ, trừu tượng.

 

Để làm chuyển biến nhận thức của học sinh trong việc chấp hành luật lệ giao thông, nhân tố gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do những lý do khác nhau, các bậc phụ huynh chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về an toàn giao thông. Có chăng, chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở mà chưa có những động thái hướng dẫn về pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
 
Cá biệt, có một số phụ huynh vì chiều theo ý thích của con đã quá dễ dãi trong việc cho con sử dụng xe máy khi tham gia giao thông dù biết con mình chưa đủ tuổi và pháp luật không cho phép. Họ không ý thức được hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với con em mình từ sự nuông chiều không phải lối này.

 

Nhằm làm chuyển biến nhận thức của học sinh về an toàn giao thông, nhà trường và ngành giáo dục phải vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa. Bởi đây là môi trường rất thuận lợi giúp cho học sinh có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung, và vấn đề an toàn giao thông nói riêng. Cần có chương trình giáo dục về an toàn giao thông ngay từ bậc tiểu học.
 
Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, hấp dẫn hơn: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… Bên cạnh đó, việc cho học sinh thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh vể các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu.

 

Về phía gia đình, tuỳ thuộc vào độ tuổi của con em, cần có những hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm an toàn giao thông. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có nhiều hơn nữa những chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến về an toàn giao thông cho đối tượng học sinh.

 

Tóm lại, để nỗ lực kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông của các cấp, các ngành phát huy hiệu quả, cần làm chuyển biến nhận thức của mỗi người trong việc chấp hành nghiêm luật lệ an toàn giao thông. Muốn vậy, việc giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang có những diễn biến phức tạp hiện nay.

 

Bùi Minh Tuấn
Trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Mặc dù đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng tai nạn giao thông ở nước ta vẫn xảy ra khá phổ biến và để lại những hậu quả thật đáng tiếc. Trong tình hình đó, nhà trường có khả năng đóng góp tích cực vào việc giáo dục học sinh, giúp cho các em hiểu biết về luật lệ an toàn giao thông, để có ý thức tự giác chấp hành mỗi khi đi ra đường. Mặt khác, nhà trường cũng nên có hình thức kỷ luật nghiêm đối với những học sinh chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái đã tự tiện sử dụng xe máy, hoặc dùng xe đạp nhưng đi giăng hàng đôi, hàng ba trên mặt đường, gây cản trở giao thông.

 

Tác giả bài viết trên đây là một thầy giáo đề xuất nhiều ý kiến thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục luật lệ giao thông trong nhà trường. Mong rằng ngành giáo dục cũng như mỗi nhà trường nên quan tâm nhiều hơn và có biện pháp giáo dục sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhằm trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng cần thiết về an toàn giao thông.

 

Hy vọng rằng mỗi nhà trường của chúng ta sẽ trở thành một “hạt nhân” trong công tác giáo dục, tuyên truyền về luật lệ giao thông cũng như gương mẫu thực hiện mỗi khi tham gia giao thông.